Chủ nhật, 04/08/2024, 19:26[GMT+7]

Vốn quỹ khuyến công - Tiếp sức cùng làng nghề và doanh nghiệp nhỏ phát triển

Thứ 6, 03/08/2012 | 09:31:24
969 lượt xem
Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước được giao, thời gian qua Sở Công Thương đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành và triển khai nhiều cơ chế chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, nghề và làng nghề. Trong đó có việc hỗ trợ nguồn vốn khuyến công giúp các doanh nghiệp, làng nghề đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, khắc phục ô nhiễm môi trường, đào tạo lao động, nâng cao kiến thức quản lý…

Tập huấn kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy nông nghiệp cho người lao động tại huyện Kiến Xương. Ảnh: Thành Tâm

Để triển khai và giám sát nguồn vốn khuyến công, đồng thời khuyến khích phát triển toàn diện CN - TTCN, nhất là lĩnh vực nghề, làng nghề ở khu vực nông thôn, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản liên quan như Quyết định số 02 về quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công; Quyết định số 08 về hệ thống chỉ tiêu theo dõi, giám sát chương trình khuyến công đến năm 2012 và hệ thống chỉ tiêu, chỉ số đánh giá đề án chương trình khuyến công tỉnh; Quyết định số 17 về một số chính sách khuyến khích phát triển nghề, làng nghề…

Thành lập Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, đây là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương được bố trí 13 biên chế có trình độ từ cao đẳng trở lên và trang bị cơ sở vật chất khá hoàn thiện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 285 khuyến công viên, phân bổ ở 285 xã, thị trấn giúp thực hiện nhiệm vụ theo dõi hoạt động phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, báo cáo tình hình sản xuất CN- TTCN ở địa phương…Phối hợp với các ngành, đoàn thể như Liên minh HTX, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội LHPN tỉnh…thúc đẩy các hoạt động khuyến công và phát triển công nghiệp tại khu vực nông thôn.

Thông qua Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, các khuyến công viên và các ngành, đoàn thể liên quan từ năm 2008 đến nay toàn tỉnh đã triển khai hàng chục dự án khuyến công với tổng kinh phí lên tới hơn 20 tỷ đồng. Trong đó nguồn kinh phí của tỉnh phân bổ cho hoạt động khuyến công giai đoạn 2008 - 2012 là 12,15 tỷ đồng giúp hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, du nhập nghề mới cho gần 10.000 lao động với kinh phí là 4,767 tỷ đồng; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho 2.662 chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh phí trên 1,5 tỷ đồng; xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho 32 dự án  kinh phí 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, từ nguồn vốn khuyến công của tỉnh còn giúp các doanh nghiệp tham gia hội chợ nước ngoài, tham quan trao đổi kinh nghiệm, gặp mặt biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu, xét tặng danh hiệu nghệ nhân…

Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, từ năm 2008 đến nay Trung tâm Khuyến công còn tiếp nhận và triển khai các dự án từ quỹ khuyến công quốc gia số kinh phí 8 tỷ đồng. Qua đó giúp hỗ trợ tổ chức 116 lớp học đào tạo nghề, truyền nghề và du nhập nghề mới cho gần 6.000 lao động với kinh phí 5,43 tỷ đồng; xây dựng 16 mô hình trình diễn kỹ thuật, tiếp thu công nghệ mới như mô hình thêu tự động, xử lý nước thải tại các nhà máy dệt nhuộm, công nghệ bắn màu trong chế biến gạo xuất khẩu…

Hưởng ứng phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới, gần đây Trung tâm phối hợp với Trường đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy nông nghiệp giúp hàng trăm chủ máy ở khu vực nông thôn có thêm kiến thức và kỹ năng trong quá trình vận hành máy phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Bằng việc triển khai nguồn vốn khuyến công, các cấp đã giúp đào tạo nghề cho gần 16.000 lao động, đa số các nghề được truyền dạy đều phù hợp với năng lực, trình độ của nông dân khu vực nông thôn như đan mây tre, móc sợi, đan làn xuất khẩu, chẻ tăm hương…Đặc biệt, từ nguồn vốn hỗ trợ của quỹ khuyến công đã giúp hàng trăm lao động ở các xã có đất thu hồi phục vụ xây dựng các dự án phát triển công nghiệp có việc làm và thu nhập ổn định, như ở Mỹ Lộc (Thái Thụy), thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ), Đông Xuân, Đông Dương (Đông Hưng)…Vốn quỹ khuyến công cũng đã giúp 145 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp thu công nghệ mới và hỗ trợ đào tạo giải quyết việc làm cho trên 1.500 lao động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng SX- KD, điển hình như Công ty XNK Phương Thanh, doanh nghiệp sản xuất mây tre đan xuất khẩu Tây An, doanh nghiệp mây tre đan Thanh Bình, cơ sở sản xuất khung xe đạp Dương Văn Tuấn…

Nhờ sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của nguồn vốn khuyến công kết hợp với các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp của tỉnh thời gian qua đã góp phần thúc đẩy ngành CN - TTCN tỉnh ta phát triển nhanh và bền vững. Tổng giá trị sản xuất CN - TTCN của tỉnh trong 5 năm (2008 - 2012) ước đạt 50.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt khoảng 21,4%/ năm, cao gần gấp đôi so với giai đoạn 1991 - 2000. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng từ chỗ chỉ chiếm 7,9% trong GDP của tỉnh năm 1990 đã vươn lên chiếm gần 20% vào năm 2008 và hiện chiếm 33,66%. Toàn tỉnh hiện có 233 làng nghề được cấp bằng công nhận giúp giải quyết việc làm cho khoảng 163.000 lao động khu vực nông thôn…

Vũ Mạnh

 

  • Từ khóa