Thứ 7, 26/04/2025, 05:48[GMT+7]

Đêm Trường Sơn ai thức

Thứ 6, 10/08/2012 | 08:59:17
1,359 lượt xem
Cả đêm đó, đi trên xe mọi người hát vang những bài ca cách mạng và cùng nhau kể lại kỷ niệm những tháng năm ở Trường Sơn. Không ai muốn ngủ, ai cũng muốn thức để được sống lại những kỷ niệm trên đường hành quân 39 năm trước.

Nguyên Tiểu đoàn trưởng Lương Mạnh Trác (người đứng thứ 2 từ trái sang) giới thiệu cây bồ đề ở Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn do Tiểu đoàn 674 trồng

Chiếc xe chở hơn 50 cán bộ, chiến sĩ D674 rời Thành phố Thái Bình lúc 16 giờ 30 phút. Sau khi làm lễ dâng hương tại Đài liệt sĩ Thành phố, xe thẳng hướng nam lao đi trong dòng người xuôi, ngược và cả trong cơn mưa bất chợt đang đổ về, do ảnh hưởng của cơn bão số 4.

Nữ cựu quân nhân - Nguyễn Thị Lành, người đã giúp chúng tôi có thông tin quý giá và tạo điều kiện để chúng tôi đi điều tra sự thật về người trồng cây bồ đề ở Nghĩa trang Trường Sơn, kể rằng: 39 năm trước, tháng 8-1973 các chị lên đường nhập ngũ, ngày rời xa Thái Bình cũng là ngày mưa, hành quân qua xã Bách Thuận, đường lầy bùn và nước ngập qua ống chân, có chị té ngã trong bùn lầy. Hôm nay, trở lại Trường Sơn trời cũng đổ mưa như thế. Sự ngẫu nhiên đem đến cho mọi người niềm phấn khởi là trời Quảng Trị sẽ không oi, nóng như bình thường. Qua Thanh Hóa, trời bắt đầu tối. Lúc đón nguyên Tiểu đoàn trưởng Lương Mạnh Trác, ở ga Nghĩa trang, ai đó bảo cứ để yên xem thủ trưởng có nhận ra mọi người không. Nhưng tình cảm dồn nén sau bao năm xa cách, ai cũng nhảy nhanh xuống xe để được nắm tay và ôm hôn thủ trưởng cũ của mình. Lên xe, ông đi dọc xe bắt tay từng người, không ai bắt nhịp, tất cả cùng hát vang “Ai vô Thanh Hóa coi, có cụ già bắn rơi máy bay”... Màn chào hỏi rất lính và cũng đậm đặc nghĩa tình. Khi trong xe đã trật tự trở lại, nguyên Tiểu đoàn trưởng Lương Mạnh Trác nói trong micrô: Hôm qua, tôi điện cho Tư lệnh 559 – Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên thông báo chuyến trở lại Nghĩa trang Trường Sơn của Đoàn 674, mời Tư lệnh đi cùng anh em. Trung tướng nói rằng vì lý do sức khỏe không đi được, mong mỗi năm một lần, nên tổ chức cho anh em đi vào đó.

Về cây bồ đề, nguyên Tiểu đoàn trưởng Trác nói rằng: Báo cáo Tư lệnh, cây bồ đề ở Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn là do Tiểu đoàn 674 trồng - người trồng là đồng chí Phạm Văn Lượng, liên lạc viên Tiểu đoàn, quê ở tỉnh Thái Bình. Tư lệnh lặng đi một lúc lâu rồi nói: Sau khi xây Đài Tổ quốc ghi công xong, lần thứ nhất mình đến đã thấy có cây bồ đề, cao 70 phân. Lần thứ 2 đến thì cây đã cao hơn đầu người, có hai cành xòe vào Đài liệt sĩ. Các đồng chí cũng chẳng báo cáo là đơn vị nào trồng. Nguyên Tiểu đoàn trưởng Lương Mạnh Trác nói luôn: Lúc ấy, chúng em trồng nhưng đâu biết cây bồ đề có vị trí quan trọng như bây giờ. Ngày mai, vào Nghĩa trang Trường Sơn, em sẽ chính thức tuyên bố trước cây bồ đề rằng: Đây là cây do đơn vị 674 trồng, không phải tự nhiên mà mọc lên, để yên lòng các liệt sĩ.

Cả đêm đó, đi trên xe mọi người hát vang những bài ca cách mạng và thi nhau kể lại kỷ niệm những tháng năm ở Trường Sơn. Không ai muốn ngủ, ai cũng muốn thức để được sống lại những kỷ niệm trên đường hành quân 39 năm trước. Xe qua cầu Hiền Lương, qua dốc Miếu rồi rẽ tay phải hướng vào Nghĩa trang Trường Sơn. Đến khu vực đón tiếp của Ban Quản lý Nghĩa trang Trường Sơn thì trời mới sáng rõ. Ông Phan Văn Dỵ, Thượng tá – nguyên Tiểu đoàn trưởng đầu tiên của 674 và Trung tá Lương Mạnh Trác xúc động đứng nhìn toàn cảnh Nghĩa trang Trường Sơn. Ông Dỵ kể rằng: Chính ông là người đọc lệnh khởi công xây dựng Nghĩa trang Trường Sơn, đó là ngày 4 tháng 2 năm 1975, còn gần 2 tháng nữa mới giải phóng miền Nam. Trung tá Lương Mạnh Trác là người bổ nhát cuốc đầu tiên, mở màn những ngày gian khổ, vất vả nhất của 674. Ông đã đọc rất kỹ bài: “Đón các anh về Nghĩa trang Trường Sơn” đăng trên Báo Thái Bình số đặc biệt kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh liệt sĩ. Ông nói: “Đó chỉ khắc họa một phần sự vất vả của 720 cán bộ, chiến sĩ Đoàn 674, trong đó 2/3 quân số là người Thái Bình”.

Sau khi dâng hương ở đài chính của Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, tất cả mọi người quây quần dưới gốc cây bồ đề; một số phóng viên báo chí có mặt cũng chạy đến, nhiều du khách đến viếng nghĩa trang cũng nhích lại gần để nghe Trung tá Lương Mạnh Trác công bố: Cây bồ đề này do Tiểu đoàn 674 trồng, chăm sóc, người trực tiếp trồng là anh Phạm Văn Lượng, liên lạc viên Tiểu đoàn, quê ở Thái Bình. Thế là các phóng viên báo chí liên tục đưa ra câu hỏi với ông Trác. Các phóng viên của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Thái Bình thì gặp và phỏng vấn anh Nguyễn Thiện Tô, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị. Anh nói: “Tôi là người con của Quảng Trị, tôi tự hào về truyền thống kiên cường của mảnh đất này. Biết ơn những người đã hy sinh đổ máu. Biết ơn người đã trồng cây bồ đề, giống như bóng hồn Việt Nam ôm lấy Đài chính. Quảng Trị vì cả nước, cả nước vì Quảng Trị”. Phía bên phải của Đài Tổ quốc ghi công có dựng một bia ghi “Công trình Nghĩa trang Trường Sơn, khởi công ngày 4-2-1975; hoàn thành đợt 1 ngày 10-2-1976. Đơn vị thi công Tiểu đoàn 674”.

Sau khi thắp hương các mộ liệt sĩ của tỉnh Thái Bình, Đoàn đến Nghĩa trang Đường 9, vào dâng hương ở Thành cổ Quảng Trị, thả hoa đăng xuống dòng sông Thạch Hãn. Tối 26-7, UBND tỉnh và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị có buổi gặp gỡ giao lưu với đoàn. Tại đây, nguyên Tiểu đoàn trưởng Lương Mạnh Trác lại thông báo với các đồng chí lãnh đạo tỉnh và cơ quan quân sự tỉnh Quảng Trị về việc Tiểu đoàn 674 (Đoàn 559) trực tiếp xây dựng Nghĩa trang Trường Sơn và trồng cây bồ đề. Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị ghi nhận công lao của Tiểu đoàn và chia sẻ với các cựu chiến binh về những khó khăn, vất vả trong thời gian làm nhiệm vụ xây dựng Nghĩa trang Trường Sơn, để hôm nay Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung có một công trình tâm linh – văn hóa như thế.

Lại một đêm nữa không ngủ. Chúng tôi muốn thức cùng Trường Sơn, như có nhà thơ đã viết: “Với miền Nam không đêm nào ngủ được”.

Bài, ảnh: Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa