Thứ 3, 13/08/2024, 06:39[GMT+7]

QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT Góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Thứ 5, 16/08/2012 | 14:17:02
1,360 lượt xem
Quy hoạch là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc tổ chức quản lý đất đai trên địa bàn, là hệ thống các biện pháp kinh tế, kỹ thuật và pháp chế của Nhà nước để sử dụng đất đai có hiệu quả, tiết kiệm, phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ môi trường. Vì vậy, những năm qua Thái Bình luôn chú trọng và thực hiện tốt công tác quy hoạch sử dụng đất đai

Trường mầm non xã Thụy Chính, Thái Thụy được đầu tư xây dựng mới. Ảnh: THÀNH TÂM

Việc thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng cho các nhà đầu tư, tăng nguồn thu từ đất, từng bước đưa công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh vào nề nếp. Tuy nhiên trong quá trình phát triển các chỉ tiêu kinh tế- xã hội có nhiều thay đổi nên cơ cấu sử dụng đất và nhu cầu sử dụng đất cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp.

Để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh đã chỉ đạo lập Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011- 2015). Việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã giúp cho cơ cấu sử dụng đất được chuyển đổi phù hợp với quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất trong nông nghiệp, nông thôn gắn với nền kinh tế hàng hóa. Đồng thời góp phần khôi phục, tăng diện tích đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, cũng như quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng.

 Trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010, một số chỉ tiêu đạt tỷ lệ cao, cơ bản tuân thủ theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Cụ thể như đất nông nghiệp đạt 108.500,22 ha, bằng 104,1% so với quy hoạch được duyệt. Trong đó, đất trồng lúa là 84.658,22 ha, vượt 9,82%; đất trồng cây lâu năm: 5.634,58 ha, vượt 5,98%; đất rừng phòng hộ đạt 69,41%; đất nuôi trồng thủy sản: 80, 75%. Đất phi nông nghiệp đạt 94,54% so với quy hoạch được duyệt. Do nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng, quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật cao nên năng lực hiện có chưa đủ sức đáp ứng. Đo đạc, lập hồ sơ địa chính là một trong những nội dung quan trọng trong quản lý nhà nước về đất đai. Nếu không có hệ thống bản đồ, hồ sơ địa chính thì không thể nắm được đối tượng, quản lý được về mặt số lượng đất đai.

Vì vậy, với sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới, Thái Bình đã tham gia dự án, Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai, tiến hành điều tra, khảo sát, đo đạc lập bản đồ địa chính tại tất cả các xã, phường, thị trấn của huyện Kiến Xương, Quỳnh Phụ và Thành phố làm cơ sở thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Thông qua công tác điều tra cơ bản và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã chỉnh lý toàn bộ các tờ bản đồ địa chính cho các huyện, thành phố. Bản đồ hiện trạng sử dụng đất cũng đã được thiết lập với tỷ lệ thích hợp để có cơ sở hoạch định phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc sử dụng đất.

Việc lập, điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 đã đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều dự án đầu tư đã phát huy hiệu quả, hàng loạt các dự án hạ tầng được hình thành đáp ứng nhu cầu về nhà ở của nhân dân và tạo nên diện mạo mới trong quá trình phát triển đô thị của tỉnh. Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc cần được khắc phục. Đó là việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở một số địa phương chưa được sự quan tâm đúng mức của cấp ủy Đảng, chính quyền, dẫn đến việc xây dựng kế hoạch chưa sát với thực tế, nhiều công trình có kế hoạch song không thực hiện được. Việc thực hiện các công trình, dự án phát sinh ngoài quy hoạch, kế hoạch vẫn còn xảy ra nên quy hoạch, kế hoạch phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc lập, triển khai, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn thiếu tính đồng bộ, dẫn đến chồng chéo trong quy hoạch và kế hoạch; chất lượng lập quy hoạch sử dụng đất còn nhiều hạn chế, chưa sát với yêu cầu thực tế.

 Việc xác định suất đầu tư và thẩm định nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư còn hạn chế, dẫn đến một số nhà đầu tư  được giao đất, cho thuê đất nhưng dự án chậm được triển khai, thậm chí một số dự án phải thu hồi do không thực hiện. Công tác cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi đo đạc địa chính còn nhiều vướng mắc, kéo dài. Việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất chuyên dùng còn thấp, đạt 47,56%, đầu tư cho quy hoạch, hạ tầng vùng chuyển đổi còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Toàn tỉnh vẫn còn 1.696,79 ha đất chưa sử dụng, bỏ hoang, chiếm 1,08%, gây lãng phí nguồn tài nguyên. Quỹ đất dành cho mục đích phi nông nghiệp thấp, nhất là đất cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Vì vậy, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011- 2015) sẽ là cơ sở để tỉnh thực hiện hiệu quả hơn nữa vai trò quản lý nhà nước về đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

                                                                        Minh Nguyệt

  • Từ khóa