Thứ 5, 08/08/2024, 21:21[GMT+7]

Nhọc nhằn đời thợ

Thứ 6, 17/08/2012 | 08:21:40
2,717 lượt xem
Những năm qua, kinh tế phát triển, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, các công trình nhà ở dân cư, công trình công cộng mọc lên ở nhiều nơi tạo ra nhiều việc làm cho thợ xây dựng. Tuy nhiên, đây là nghề cực nhọc, vất vả so với nhiều nghề và luôn ẩn chứa những rủi ro, tai nạn khó lường.

Xây dựng - nghề cực nhọc, vất vả so với nhiều nghề

Thời gian này, khu đô thị Trần Lãm (Thành phố Thái Bình) có nhiều nhà ở dân cư đang được xây dựng. Quên đi cái nắng chói chang, bỏng rát 37-38OC, những người phụ hồ và thợ xây vẫn mải miết với công việc của mình. Quần áo người nào người ấy ướt sũng mồ hôi, lấm lem vôi vữa, khuôn mặt sạm đen vì mưa nắng. Ðang mải miết vẩy cát trộn hồ, mồ hôi nhễ nhại, thấy tôi lân la đến hỏi chuyện, một thanh niên tên Quân (Vũ Chính, Thành phố Thái Bình) dừng tay chia sẻ: ”Em học hành dở dang, mấy năm qua đã tìm nhiều công việc để kiếm sống nhưng chẳng nghề nào đủ nuôi thân, cuối cùng em quyết định theo mấy anh chị trong xóm đi phụ hồ. Nghề này vất vả lắm, quần quật ngoài trời từ sáng đến tối, hết đào móng, xúc cát, đảo vữa, bê gạch đến quét vôi nhưng cũng chỉ được 130 ngàn đồng/ngày và không phải lúc nào cũng có việc đều.
 
Mỗi tháng trừ các ngày nghỉ, nếu chủ trả 3 triệu đồng là may mắn lắm rồi”. Ðang dở câu chuyện, nghe tiếng tổ trưởng gọi “hết vữa”, Quân vơ xẻng xúc vội 2 xô vữa không kịp xỏ dép mang ngay đến chỗ các thợ xây. Cũng bắt đầu từ phụ hồ như Quân, đến nay Chiến đã trở thành thợ xây “cứng” của một tổ xây dựng ở phường Hoàng Diệu (Thành phố Thái Bình). Anh cho biết: ”Dẫu biết đời thợ ít may mắn, nhiều rủi ro nhưng chúng tôi biết làm gì khi ruộng đất ngày càng bị thu hẹp. Xây dựng tuy vất vả nhưng hiện giờ là con đường thoát nghèo, thoát khổ đối với thanh niên ở nhiều vùng quê.
 
Tôi cố gắng kiếm tiền vừa để nuôi mình, nuôi 2 con ăn học hy vọng sau này chúng sẽ tìm được công ăn việc làm ổn định, đỡ vất vả hơn đời bố”. Quân và Chiến dù đi làm phụ hồ, thợ xây có vất vả nhưng họ còn may mắn hơn nhiều thợ xây dựng khác vì làm ở gần, ngày 2 buổi về nhà. Khắp các vùng quê ở Thái Bình hiện nay, hầu hết thanh niên từ 16-17 tuổi đến những người trung niên 45-46, thậm chí hơn 50 tuổi rời quê lên các thành phố, thị xã kiếm việc làm, cũng chủ yếu làm nghề xây dựng. Cả năm “dầm mưa, dãi nắng” trên công trường, họ chỉ dành thời gian về quê vào dịp mùa bận mải, gia đình có việc trọng đại, ngày lễ, tết. Anh Thùy ở An Ninh (Quỳnh Phụ) ra tận Móng Cái (Quảng Ninh) làm thợ xây dựng chia sẻ: “Nơi ở hàng ngày của đám thợ xây dựng xa nhà là những lều lán phải chen chúc chật chội, lấy tấm gỗ cốp pha kê làm giường ngủ.
 
Cơm thì ăn no thoải mái nhưng thức ăn chỉ dám mua ít thịt thủ lợn, đậu phụ với rau. Dù đi làm xa, nhưng công ở ngoài ấy chủ trả cao hơn, ăn uống tằn tiện, vài tháng cũng tích cóp được một “món” kha khá gửi về quê để nuôi con ăn học”.

Dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng toàn tỉnh chắc có một lượng lớn người đang làm nghề phụ hồ, xây dựng ở khắp các địa phương trong cả nước. Thông thường nghề này thích hợp với đàn ông, nhưng giờ đây vì “miếng cơm manh áo” nhiều phụ nữ cũng tham gia. Họ làm đủ nghề: đào đất, đội đá, vác xi măng, phụ vữa… chẳng kém ai. Những nhọc nhằn, vất vả của nghề, cộng với nỗi lo “cơm áo gạo tiền” hàng ngày đè nặng lên đôi vai gầy của người phụ nữ khiến người nào người nấy trông già hơn cả chục tuổi, bàn tay nhăn nheo, thô ráp, hiếm khi nào sạch vôi vữa.

Theo lời những người thợ xây dựng, nếu họ làm ở Thành phố Thái Bình, chủ thầu trả thợ xây từ 130 đến 150 ngàn đồng/người/công tùy tay nghề, còn trả cho phụ hồ 120 ngàn đồng/người/công. Nếu rời quê ra các thành phố lớn như: Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh... lương cao hơn trung bình mỗi người đạt 180 đến 200 ngàn đồng với thợ xây, 150 đến 160 ngàn đồng/công với thợ phụ. Hầu hết thợ xây tự do trên các công trường hiện nay đều không qua một trường lớp đào tạo bài bản nào, họ tự học, rồi người nọ hướng dẫn người kia.

Cũng có những người trưởng thành từ nghề trở thành cai thầu xây dựng, điều hành vài chục thợ, nhận thầu nhiều công trình nhưng con số này không nhiều bởi còn phụ thuộc vào các yếu tố: kiến thức, kinh nghiệm, mối quan hệ, quan trọng nhất là phải có vốn lớn. Có những thợ giỏi nhưng không có vốn thì cả đời cũng chỉ đi làm thuê. Tôi hỏi một nhóm thợ xây ở Vũ Chính về hợp đồng lao động, ai cũng lắc đầu cười nói: hợp đồng lao động gì đâu, toàn anh em trong nhà, cùng xóm rủ nhau đi làm kiếm tiền, bảo nhau bằng miệng thôi.

Có việc thì “alô” bằng điện thoại đi làm, không có việc thì nghỉ. Hết tháng thì lĩnh tiền công nhưng cũng chẳng có người nào làm đủ 30 ngày. Hai năm nay, do khủng hoảng kinh tế, ít gia đình có nhu cầu xây nhà mới nên có khi thợ chơi dài vài tháng, toàn người nghèo nên cứ “ráo mồ hôi, khô dao xây” lo là hết tiền. Không chỉ vất vả, nặng nhọc mà người làm nghề xây dựng tự do luôn phải đối mặt với những nguy hiểm, tai nạn có thể ập đến bất kỳ lúc nào bởi hầu hết không có phương tiện bảo hộ lao động chuyên dụng.

Chuyện dẫm phải đinh, sứt sát chân tay là chuyện thường, nhiều thợ do bất cẩn đã bị tai nạn phải mang thương tật suốt đời, thậm chí mất cả tính mạng. Và cũng vì “hợp đồng miệng”, tin nhau là chính nên khi người làm không may bị “tử nạn”, chủ thầu chỉ thăm hỏi, bồi thường vài chục triệu đồng là xong mọi chuyện, nỗi đau dành lại cho người thân, gia đình và rồi mọi người chỉ biết đổ tại “số trời”.

Nhọc nhằn, vất vả, có thể gặp nguy hiểm, rủi ro... nhưng người thợ xây vẫn phải ngày đêm miệt mài lao động để kiếm tiền, để lo cho cuộc sống, thoát cảnh đói nghèo. Mỗi công trình, nhà ở được khánh thành đều thấm đẫm mồ hôi của những người thợ. Ðiều đáng quý ở họ là sự yêu thích công việc mình đang làm, biết trân trọng sức lao động chân chính để thực hiện mơ ước: có một tương lai tốt đẹp hơn.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa