Thứ 7, 04/01/2025, 16:47[GMT+7]

Bảo vệ môi trường nông thôn - Bắt đầu từ đâu?

Thứ 5, 23/08/2012 | 14:07:34
1,662 lượt xem
Mặc dù ở hầu hết các địa phương trong tỉnh đã có bãi chứa rác công cộng, có người thu gom, nhưng hiện nay ở nhiều làng quê người dân vẫn đổ rác ra đường, đồng ruộng, dòng sông... Ai cũng thấy, cũng hiểu môi trường đang quá ô nhiễm, song để “sửa sai” thì hình như không biết bắt đầu từ đâu.

Bãi rác thải tự phát trên đường Quốc lộ 10, địa phận xã Đông Mỹ (Thành Phố).

Dạo quanh một số vùng nông thôn dễ dàng bắt gặp những bãi rác thải sinh hoạt ven các cánh đồng, ngập các đường làng, đường liên xã. Ngay cả trên quốc lộ, đường liên huyện chúng ta cũng dễ bắt gặp những bãi rác nằm chình ình, nào túi ni lông, nào vỏ bánh kẹo, hoa quả, thực phẩm... được người dân “vô tư” xả thải hai bên đường, không chỉ làm mất mỹ quan mà còn tiềm ẩn nguy cơ độc hại, gây ô nhiễm môi trường.

Chị Nguyễn Thị Hoan, một người nhặt rác ở bãi rác tự phát trên Quốc lộ 10, địa phận xã Đông Mỹ (Thành Phố) cho biết: Bãi rác này mới được hình thành vài tháng nay, lượng rác thải ngày một nhiều, bốc mùi nồng nặc. Ngay trên trục tỉnh lộ 455 chạy qua địa phận xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ, bãi rác của thôn Vũ Hạ đã chất đống cao, lại nằm sát đường giao thông nên mùi hôi thối bốc lên làm ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân nơi đây.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã An Vũ thì bãi rác này đã hình thành từ nhiều năm nay, được chính quyền địa phương quy hoạch cách tỉnh lộ 455 hơn 10m. Nhưng do ý thức của người thu gom rác trong thôn chưa cao cộng với chưa có đường vào khu đổ rác nên tiện đường là đổ luôn. Tình trạng hôi thối từ bãi rác đã được người dân phản ánh nhưng chính quyền xã vẫn chưa có biện pháp khắc phục triệt để. Vào mùa nắng, bãi rác ít hôi nhưng ruồi thì nhiều, còn mùa mưa thì… không chịu nổi.

Hiện nay, thực trạng xử lý rác thải sinh hoạt phổ biến ở nhiều địa phương là: xịt thuốc, rải vôi, đốt hoặc để tự phân hủy đã làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Thực tế cho thấy, túi ni-lông, chai lọ nhựa… là những loại rác chiếm phần lớn trong rác thải sinh hoạt nhưng lại khó phân hủy, dễ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, môi trường đất. Ông Dũng cho biết: Xã đã quy hoạch bãi rác chung, tuy nhiên do chưa có kinh phí nên vẫn phải duy trì bãi rác này. Biện pháp trước mắt là yêu cầu tổ thu gom rác của thôn Vũ Hạ đổ rác đúng quy định, đồng thời thuê xe ủi chuyển rác vào đúng nơi quy định.

Trên địa bàn huyện Kiến Xương, hầu hết các xã, thị trấn đã có tổ, đội hoặc hợp tác xã dịch vụ thu gom rác đến tận ngõ ngách, thôn xóm nhưng tình trạng rác lấn ruộng, rác có mặt ở khắp các con sông, bờ mương vẫn chưa được giải quyết triệt để. Các xã có nghề truyền thống như: Chạm bạc Đồng Xâm, dệt đũi Nam Cao, mây tre đan Thượng Hiền... đã đem lại thu nhập cao và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, nhưng cũng bắt người dân phải đối mặt với ô nhiễm môi trường từ nước thải, khí thải. Với gần 200 cơ sở chạm bạc, trong khi lại không có nhà máy xử lý nước thải nên nguồn nước được thải thẳng xuống ao, hồ gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, với rất nhiều thành phần độc hại, như: kẽm, chì... vượt tiêu chuẩn cho phép. Hàng năm, làng nghề dệt đũi Nam Cao sử dụng gần 300 tấn nguyên liệu và hơn 20 tấn hóa chất các loại, như: axit, thuốc tẩy, lưu huỳnh... Tất cả các loại hóa chất này sau khi sử dụng đều xả thẳng ra vườn, ao, hồ, cống rãnh, mương máng trên địa bàn xã mà chưa qua xử lý.

Hơn nữa, ý thức bảo vệ môi trường của người dân không cao, tất cả mọi người đều thản nhiên vứt rác bừa bãi ở bất cứ chỗ nào họ cảm thấy tiện. Nhiều người coi việc giữ gìn, bảo vệ môi trường không phải là việc của cá nhân mình mà là việc của xã hội. Đa phần người dân không tự xử lý, phân loại rác nên việc chôn lấp, thu gom, xử lý gặp nhiều khó khăn. Không chỉ có rác thải, nước thải sinh hoạt gây ỗ nhiễm môi trường nông thôn, đó còn là rác, chất thải trong chăn nuôi. Khi mà nhu cầu phát triển của kinh tế trang trại, gia trại ngày một tăng trong khi người dân lại không thay đổi phương thức chăn nuôi, đa phần vẫn làm theo kiểu cũ: phân, nước thải cùng thức ăn dư thừa của gia súc, gia cầm vô tư thải thẳng ra rãnh nước đường làng, mương máng, ao hồ, sông suối. Cùng với đó, tình trạng lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp như: phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và việc sử dụng phân tươi, nhất là trong sản xuất các loại rau xanh, không chỉ có hại trực tiếp đến sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống.

Để từng bước làm sạch môi trường sống ở nông thôn, bên cạnh việc vận động, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường, các địa phương cần nhân rộng mô hình hợp tác xã thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn, có những chính sách hỗ trợ để các hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Thay vì xây dựng những bãi rác tạm thời cần nhìn nhận, đánh giá đúng vấn nạn rác thải nông thôn hiện nay và sớm có những giải pháp lâu dài, như: xây dựng bãi rác tập trung xa khu dân cư, thành lập tổ thu gom rác chuyên nghiệp, có cơ chế đãi ngộ, phụ cấp độc hại tương xứng để duy trì đội, nhóm thu gom rác tại chỗ. Quan trọng hơn, mỗi người dân hãy ý thức thu gom, phân loại chất thải hữu cơ làm phân bón cho đồng ruộng hoặc đổ rác đúng nơi quy định, góp phần xây dựng môi sinh trong lành, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

     Bài, ảnh: Minh Nguyệt

  • Từ khóa