Thứ 2, 05/05/2025, 11:30[GMT+7]

Trở lại vùng quê cách mạng Diêm Điền

Thứ 5, 30/08/2012 | 15:49:51
3,115 lượt xem
Trải qua hàng nghìn năm khai phá, dựng nghiệp từ đất bãi ven sông, sình lầy gai góc, nhân dân Diêm Điền đã kiên trì khai hoang vỡ hóa, đắp đập mương, dựng làng, lập xã... trở thành vùng quê đa nghề, trù phú và một vùng kháng chiến năm xưa, khắc họa trong lịch sử đấu tranh giữ nước những nét vàng chói lọi, được phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang”.

Thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy hôm nay. Ảnh: Thành Tâm

Nhìn trên tấm bản đồ, Thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) giống như một chiếc búa. Hai đầu của chiếc búa hướng về xã Thụy Hải và Thụy Hà; tay búa chạy dài từ trung tâm đến cầu Cống Thóc. Đây là vùng đất cổ có từ lâu đời, nằm trên cửa sông Diêm Hộ, cửa ngõ quan trọng và xung yếu của Thái Bình. Một vùng đất ven biển, quanh năm phải đối mặt với thiên tai khắc nghiệt, hung dữ. Trải qua hàng nghìn năm khai phá, dựng nghiệp từ đất bãi ven sông, sình lầy gai góc, nhân dân Diêm Điền đã kiên trì khai hoang vỡ hóa, đắp đập mương, dựng làng, lập xã... trở thành vùng quê đa nghề, trù phú và một vùng kháng chiến năm xưa, khắc họa trong lịch sử đấu tranh giữ nước những nét vàng chói lọi, được phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang”.

Lịch sử Đảng bộ Thị trấn Diêm Điền giai đoạn 1930-2005 còn ghi rõ: “Từ trước năm 1930 nơi đây đã có hoạt động của tổ chức thanh niên cách mạng. Tháng 5-1930, nhân dân Diêm Điền đã hăng hái tham gia các tổ chức ái hữu tương tế, tham gia các hoạt động như: treo cờ búa liềm, dán áp phích tại ngã tư, trường bắn và giữa chợ Diêm Điền vào ngày Quốc tế Lao động 1-5. Ngày 20-8-1945 nhân dân Diêm Điền cùng nhân dân cả huyện Thụy Anh khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Sáng ngày 22-8-1945. Mặt trận Việt Minh tổ chức cuộc mít tinh lớn ở đình Quang Lang và nghe công bố thành lập ủy ban cách mạng lâm thời. Chiều cùng ngày ở Diêm Điền, tại nhà của lý trưởng Nguyễn Đức Tán diễn ra lễ bàn giao, nộp triện đồng (dấu) sổ sách, tài liệu của chính quyền cũ cho lực lượng cách mạng. Ông Nguyễn Đồng Hỗ được cử làm Chủ tịch Mặt trận Việt Minh đầu tiên của Diêm Điền.

Tháng 12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ở Diêm Điền đã thành lập một trung đội du kích, sau gọi là trung đội tự vệ gồm 36 người, do đồng chí Trương Hữu Khảm làm trung đội trưởng. Từ tháng 8-1954 tháng 7-1945, lực lượng du kích ở thôn Diêm Điền có 107 người, nếu tính cả du kích xã Thụy Hải (cũ) thì tổng số là 147 người. Với sự lao động tự nguyện của nhân dân, Diêm Điền trở thành làng kháng chiến kiên cố. Đoạn đường 39B khoảng 1km chạy qua làng được đắp hàng trăm ụ đất chắn ngang, cao ngút đầu người nhằm vô hiệu hóa xe cơ giới địch. Phi lao xoan, cau, tre... được dân làng chặt ra dựng thành hàng rào chắn ngang lòng sông Diêm Hộ chặn ca nô, tàu chiến của giặc.

Thời kỳ Hải Phòng bị địch chiếm đóng, Diêm Điền trở thành cảng đầu mối để tổ chức đường dây mua thuốc tây và văn phòng phẩm cung cấp  cho Trung ương ở căn cứ Việt Bắc. Ngày 13-8-1948 thực dân Pháp đưa một tàu chiến, 2 ca nô chở 150 tên lính Pháp có máy bay trinh sát yểm trợ đổ bộ vào cửa biển Diêm Điền, do vấp phải mìn, lựu đạn và sự bắn trả quyết liệt của quân ta tại cầu gỗ Diêm Điền, làm bị thương 3 tên, chết 2 tên, buộc chúng phải rút lui.

8 giờ sáng ngày mồng một Tết năm Mậu Tý giữa lúc quân dân Thụy Anh đón xuân vui tết, bất ngờ 2 ca nô và 2 thuyền với 125 quân Pháp đổ bộ lên cửa sông Diêm Điền, chúng lên đồn Khố Xanh cũ, rồi tiến lên ngã tư phố huyện. Tại đây chúng đã gặp phải sự chiến đấu quyết liệt của lực lượng bộ đội Đề Thám, trung đội du kích tập trung của xã và du kích Diêm Điền, chiến sự diễn ra từ 8 giờ đến 10 giờ địch bị thương vong một số, không tiến lên được phải rút lui.

Ngày 24-5-1949, máy bay địch dội bom xuống Diêm Điền; ngày 19-8, máy bay địch kéo đến ném bom khu vực Diêm Điền; ngày 29-8-1949 trọng pháo của địch từ biển tới tấp nã đạn vào Diêm Điền phá hoại nhà cửa, giết hại dân làng. 9 giờ ngày 21-9-1949 một xuồng máy của địch chạy vào cửa sông Diêm Điền để trinh sát, chúng chưa kịp hành động thì các chiến sĩ bộ đội huyện và du kích Diêm Điền đã bao vây bắt sống tên lính Pháp, hai tên thổ phỉ và 2 tên Việt gian...

Sau khi chiếm đóng được Diêm Điền, địch đã tiến hành xây dựng đồn bốt; bốt dựng trên nền Miếu Bơi (Diêm Điền) có chòi cao 3 tầng để quan sát, khống chế các con đường đi lại, chúng xây ụ súng cối ở 4 góc, đặt súng 12 ly 7 ở tầng cao để khống chế, chúng dỡ đền chùa, dỡ nhà, đào hào, rào dây thép gai bao bọc... chúng xây hầm ngầm kiên cố, lập sân bay dã chiến, chúng thúc ép dân lập tề, thiết lập bộ máy cai trị làm tay sai cho chúng.

Những năm 1950 - 1954, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, nhân dân Diêm Điền đã có nhiều hình thức đấu tranh phong phú với địch, lúc công khai hợp pháp, lúc bí mật... làm cho chúng mất ăn, mất ngủ. Ngày 13-6-1952, du kích Diêm Điền đã phối hợp với bộ đội chủ lực (Đại đoàn 320), bộ đội tỉnh phục kích một trung đội lính Âu Phi từ Diêm Điền đến Kha Lý, ta nổ súng uy hiếp, bắt gọn cả trung đội và thu toàn bộ vũ khí. Năm 1954, trước tình hình quân chủ lực bị vây ở Điện Biên Phủ, quân Pháp phải rút vợi lính để bổ sung cho mặt trận Điện Biên Phủ. 9 giờ ngày 23-3-1954 địch bỏ bốt Diêm Điền rút chạy bằng đường thủy, Diêm Điền được giải phóng.

67 năm qua, từ một làng quê ven biển, bây giờ đã trở thành thị trấn, là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của huyện Thái Thụy. Vóc dáng một đô thị thời mở cửa phát triển mạnh mẽ. Mức sống của nhân dân tăng nhanh, gấp cả trăm nghìn lần so với trước đây. Một đảng bộ trong sạch vững mạnh đang lãnh đạo đảng bộ và nhân dân vượt qua khó khăn, khai thác tốt lợi thế tiềm năng để phát triển kinh tế. Tốc độ tăng trưởng tăng nhanh qua từng năm. Sự nghiệp giáo dục - y tế - văn hóa phát triển đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhân dân, an ninh - quốc phòng được giữ vững khai thác kinh tế biển gắn liền với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân tăng cường bảo vệ chủ quyền an ninh biển.

Một thị trấn đang trên đà phát triển. Truyền thống vùng quê cách mạng đang được nhân lên thành sức mạnh khai thác tốt lợi thế tiềm năng để xây dựng thị trấn ngang tầm với yêu cầu của cách mạng.

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa