5 năm Việt Nam gia nhập WTO: Thách thức đối với thị trường lao động, việc làm
Lao động, việc làm sau 5 năm thực hiện WTO
Theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, cơ hội việc làm và thu nhập cho người lao động tăng lên rõ rệt. Trong 5 năm (2007- 2011) đã tạo việc làm cho trên 7.955 nghìn người, trong đó tạo việc làm trong nước trên 7.536 nghìn người, xuất khẩu lao động 419 nghìn người. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khu vực thành thị giảm từ 5,1% năm 2006 xuống còn 4,2% năm 2011; cơ cấu lao động có chuyển biến tích cực, tỷ lệ lao động khu vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 55,4% năm 2006 xuống còn 48% năm 2011. Chính sách tiền lương đã cơ bản khắc phục được phân phối bình quân, xóa bỏ bao cấp; tách tiền lương khu vực sản xuất, kinh doanh với khu vực hành chính sự nghiệp; từng bước tính đúng, tính đủ tiền lương theo thị trường; tăng quyền chủ động cho doanh nghiệp trong trả lương gắn với năng suất, chất lượng hiệu quả, gắn lợi ích của người lao động với lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của Nhà nước; quan hệ tiền lương, mức lương tối thiểu chung đã từng bước được điều chỉnh hợp lý, thực hiện thống nhất mức lương tối thiểu giữa doanh nghiệp các thành phần kinh tế trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo vùng. Tiền lương, thu nhập của người lao động tăng trên 2 lần, bình quân từ 1,8 triệu đồng/người/tháng năm 2006 lên 3,84 triệu đồng/người/tháng (năm 2011), đời sống người lao động được cải thiện, giảm tranh chấp lao động, góp phần giữ vững an ninh, trật tự xã hội và cải thiện môi trường đầu tư.
Bên cạnh những cơ hội thì việc gia nhập WTO cũng đặt ra không ít thách thức cho Việt Nam. Đó là tình trạng thiếu lao động có trình độ cao trong hầu hết các ngành, đặc biệt là ngành công nghệ, dịch vụ cao. Không thể phủ nhận rằng, việc gia nhập đã giúp Việt Nam giảm đáng kể tỷ lệ thất nghiệp nhưng lại đang có một thực tế là tình trạng dư thừa lao động ở một số ngành nghề vẫn có thể xảy ra; lao động di cư từ nông thôn ra khu vực công nghiệp, thành thị tăng mạnh. Tác động của hội nhập đến việc làm của người lao động nữ tiếp tục gia tăng; lao động nữ có trình độ tay nghề thấp sẽ đứng trước nguy cơ bị mất việc làm và giảm thu nhập nhiều hơn lao động nam. Cùng với đó, với việc thực hiện cam kết dỡ bỏ sự bảo hộ của nhà nước, nhiều doanh nghiệp không còn nhận sự hỗ trợ của nhà nước đứng trước nguy cơ phá sản và tạo ra tình trạng mất việc làm cũng như giảm thu nhập của người lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp. Lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ gia tăng do số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ gia tăng mạnh sau khi gia nhập WTO.
Hiện đang có một thực tế là, tuy tiền lương và thu nhập của người lao động có xu hướng tăng lên nhưng từ đầu năm 2008 đến nay, đời sống của người làm công ăn lương đang bị ảnh hưởng khá nhiều bởi lạm phát. Khoảng cách tiền lương giữa lao động làm việc có trình độ kỹ thuật và lao động giản đơn gia tăng mạnh. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị vào nông thôn ngày càng gia tăng. Tác động của hội nhập đến tiền lương có sự khác nhau giữa các ngành nhập khẩu và xuất khẩu. Lao động làm việc trong các ngành xuất khẩu có mức tiền lương thấp hơn so với các ngành không xuất khẩu. Các ngành có tỷ lệ nhập khẩu cao song mức lương thấp…
Bên cạnh đó, việc Việt Nam gia nhập WTO đã tạo ra những thuận lợi nhất định trong việc giải quyết vấn đề nghèo đói. Thực tế cho thấy, Việt Nam có tốc độ giảm nghèo nhanh trong những năm qua. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối diện với khoảng cách giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất gia tăng; phân hóa giàu nghèo có khả năng còn diễn ra mạnh hơn; gia tăng sự chênh lệch về cơ hội và thu nhập của các nhóm người nghèo khác nhau. Đa số người nghèo có trình độ thấp, làm việc trong điều kiện lao động nghèo nàn với các mức tiền lương thấp và thiếu khả năng tiếp cận đến các dịch vụ xã hội công. Và trong bối cảnh hội nhập, người nghèo càng trở nên bị bất lợi vì khả năng thích nghi với công nghệ mới còn yếu, nhất là những nhóm nghèo mới sẽ xuất hiện do những cú sốc kinh tế.
Đâu là giải pháp hữu hiệu trong giải quyết lao động, việc làm đáp ứng được yêu cầu hội nhập?
Trên cơ sở đánh giá tác động tăng trưởng kinh tế, hội nhập và lao động, việc làm, dự báo trong giai đoạn 2011 - 2020, việc làm mới tạo ra tiếp tục tăng bình quân 2,4% - 2,8% mỗi năm điều này dự báo tương đương bình quân mỗi năm tăng thêm khoảng 1,1 - 1,3 triệu việc làm. Thất nghiệp giảm còn 4,78% vào năm 2015 và 4,23% vào năm 2020 nhưng việc dư thừa lao động ở một số ngành vẫn có thể xảy ra do ảnh hưởng trực tiếp của biến động kinh tế thế giới như ngành dệt may, giày, cao su… Tỷ trọng lao động nông thôn sẽ giảm. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ tiếp tục giảm nhẹ… Trong giai đoạn 2011 - 2020. Khoảng cách tiền lương giữa người lao động làm việc có trình độ kỹ thuật và lao động giản đơn ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó cũng sẽ gia tăng khoảng cách tiền lương giữa nam và nữ. Khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất vẫn có xu hướng gia tăng, song tốc độ gia tăng chậm…
Đứng trước những khó khăn, thách thức đó, đòi hỏi Việt Nam cần phải có một giải pháp tổng thể để thực hiện chính sách an sinh, lao động việc làm, đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Trước hết, cần phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến các cam kết về lao động, xã hội, cam kết trong khuôn khổ WTO, ASEAN, APEC… cũng như chủ trương của Đảng và Nhà nước về lao động, an sinh xã hội trong hội nhập quốc tế đến các tổ chức, người dân nhằm nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của mình, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đóng góp nguồn lực cho an sinh xã hội. Việc hoàn thiện hành lang pháp lý là điều hết sức cần thiết cho phù hợp với điều kiện hội nhập. Trong đó cần xây dựng Luật Việc làm; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề; sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội… Phát triển đồng bộ thị trường lao động, nâng cao chất lượng dự báo và thông tin thị trường lao động, tăng cường vai trò của nhà nước trong việc giám sát và điều tiết quan hệ cung - cầu lao động trên thị trường lao động, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường lao động. Xây dựng thực hiện Đề án cải cách tiền lương trong doanh nghiệp, thực hiện mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động làm công ăn lương; đổi mới cơ chế quản lý tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp theo hướng gắn với năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh.
Bên cạnh đó, cũng cần phải phát triển hệ thống dạy nghề theo hướng hiện đại hóa, chuẩn hóa, xã hội hóa và hội nhập khu vực, quốc tế. Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hiệu quả dạy nghề, đầu tư các ngành nghề trọng điểm để đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển các ngành kinh tế. Phát triển mạnh các hình thức dạy nghề cho lao động nông thôn và chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện tốt chính sách xã hội cần phải rà soát, bổ sung, sửa đổi hệ thống chính sách giảm nghèo theo hướng hiệu quả, hỗ trợ để người nghèo tiếp cận thuận tiện với các dịch vụ xã hội cơ bản, khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo. Chú trọng việc lồng ghép các chương trình, dự án, nhất là đào tạo nghề, nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề gắn với các dự án vay vốn ưu đãi cho người nghèo để tạo việc làm tại chỗ, nâng cao chất lượng nguồn cung cho xuất khẩu lao động…
Để đáp ứng được yêu cầu hội nhập về lĩnh vực lao động, việc làm, ngoài việc hoàn thiện hành lang pháp lý, và các chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước, hơn bao giờ hết, người lao động phải thể hiện được sự nỗ lực không ngừng về trình độ chuyên môn, tay nghề vì khi tham gia hội nhập đồng thời phải chấp nhận cả tính cạnh tranh khốc liệt.
Theo daibieunhandan
Tin cùng chuyên mục
- Biển đảo quê hươngMƠ VỀ ĐẢO NGỌC 21.08.2010 | 03:05 AM
- Những cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nướcTrần Khánh Thu - Đi đầu các phong trào tình nguyện 17.08.2010 | 08:49 AM
- Thực hiện Nghị quyết 01 của Tỉnh ủyNghề và làng nghề ở Quốc Tuấn 26.08.2010 | 15:29 PM
- Thái ThuỵĐạo – Đời hoà hợp chung tay xây dựng quê hương . 01.09.2010 | 10:39 AM
- Las Vegas của phương Đông 26.05.2010 | 17:42 PM
- Hội Nông dân Quỳnh MinhThực hiện hiệu quả công tác dân số – KHHGĐ 16.09.2010 | 15:15 PM
- Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội1000 năm và sức sống diệu kỳ của "Thiên đô chiếu" 01.09.2010 | 08:15 AM
- Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2 - 9NGƯỜI ƯƠM MẦM CÁCH MẠNG TỪ QUẢNG CHÂU 22.08.2010 | 16:01 PM
- Công ty Môi trường và công trình đô thị Thái BìnhVì Thành Phố ngày càng xanh sạch đẹp 17.09.2010 | 08:10 AM
- Vũ Thư (Thái Bình)Năm giải pháp tiếp tục thực hiện nghị quyết 03 về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình 27.08.2010 | 10:15 AM
Xem tin theo ngày
-
UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
- Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị
- Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị
- Xác định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trước yêu cầu phát triển đất nước
- Quyết liệt triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả