Thứ 3, 21/05/2024, 04:11[GMT+7]

Hoạt động khám chữa bệnh tại các trạm y tế: Vì sao sa sút?

Thứ 5, 20/09/2012 | 11:04:40
3,388 lượt xem
Nếu như biểu hiện của sự sống con người là hơi thở, thì sự sống của trạm y tế chính là hoạt động khám chữa bệnh. Song sự sống của các trạm y tế cơ sở những năm gần đây đang dần trở nên yếu ớt... Câu hỏi nóng bỏng đặt ra là làm gì để các trạm y tế hồi sinh trở lại?

Không được đầu tư, nhiều trạm y tế đang xuống cấp nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh.

Thưa bệnh nhân, vắng thầy thuốc
Một ngày, không điện trước, chúng tôi về trạm y tế T.A. Theo lời giới thiệu của lãnh đạo Trung tâm y tế Vũ Thư, trạm y tế này trước đây có cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị rất cũ kỹ, lạc hậu song từ đầu năm 2012, trạm đã đưa vào sử dụng cơ sở vật chất mới với kinh phí đầu tư xây dựng hàng tỷ đồng. Mặc dù trạm y tế rất to, đẹp và đang trong giờ hành chính nhưng khá vắng vẻ. Chỉ có hai phòng mở cửa và cũng chỉ có hai cán bộ đang... xem ti vi. Khi hỏi về lý do chỉ có hai người, được biết cả trạm có 5 cán bộ nhưng có một cán bộ đang đi học, một nghỉ sinh con và 1 trưởng trạm thì vừa ra về vì "nay nhà chị ấy có việc bận".

Một ngày khác, chúng tôi về Đông Hưng. Không khí vắng vẻ cộng với sự cũ kỹ, già nua của những dãy nhà cấp 4 càng làm cho các trạm y tế trở nên ảm đạm. Tại trạm y tế của một xã điểm nông thôn mới, được biết có đến 2 bác sĩ trong tổng số 6 cán bộ đang làm việc tại đây, song ngày nhiều trạm cũng  chỉ tiếp 5 - 6 bệnh nhân, có ngày không có bệnh nhân nào.

"Nhiều trạm y tế có nguy cơ trở thành nơi hoang vắng", đó là cảnh báo của lãnh đạo Sở Y tế. Ngay tại Tiền Hải, một huyện luôn được xếp dẫn đầu về y tế cơ sở, Bác sĩ Trần Quang Trung, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tiền Hải cũng nhận xét: đội ngũ cán bộ y tế xã tăng, cơ sở vật chất khá, kinh phí được bảo đảm đầy đủ song hiệu suất làm việc tại trạm y tế chưa đạt yêu cầu và giảm mạnh so với các năm trước, các phòng sản trạm y tế gần như đóng cửa. Lãnh đạo không ít bệnh viện đa khoa huyện cũng chung nhận xét: "Các trạm y tế xã đang bỏ ngỏ hoạt động khám chữa bệnh".

Trong một đợt kiểm tra chuyên môn tại 27 trạm y tế xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thành phố do Sở Y tế tiến hành gần đây, kết quả cho biết có tới 11/27 trạm y tế hoạt động ở mức kém và trung bình, 13/27 trạm loại khá và chỉ có 3 trạm đạt loại tốt. Phải chăng chính bởi sự mất nền nếp, sa sút trong hoạt động mà thời gian gần đây đã xảy ra những câu chuyện đáng tiếc như: trưởng trạm y tế đánh nhau với cán bộ, bệnh nhân tử vong tại trạm bởi chỉ định dùng sai thuốc...

Bất cập quản lý, cán bộ "chân ngoài dài hơn chân trong"
"Nơi thiếu vẫn thiếu, nơi thừa vẫn thừa, nơi cần không có, nơi có chưa cần" là những bất cập về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và sắp xếp, bố trí cán bộ giữa các trạm y tế từ nhiều năm nay. Trong khi một số trạm y tế đang có 2 bác sĩ thì cũng còn khoảng hơn 100 trạm y tế khác trong tỉnh chưa có bác sĩ công tác tại trạm. Tại nhiều trạm đang mong chờ từng ngày việc đầu tư trang thiết bị thì tại một số nơi trang thiết bị để không vì không có người sử dụng.

Bên cạnh đó là những bất cập trong quản lý chuyên môn. Từ năm 2007, sau khi tách các bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế, phòng y tế, việc phân cấp quản lý hoạt động trạm y tế liên tục có những thay đổi làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động khám chữa bệnh của trạm y tế. Nhằm chấn chỉnh hoạt động của hệ thống trạm y tế, Sở Y tế đã xây dựng "Quy định về tổ chức và hoạt động của y tế xã, phường, thị trấn giai đoạn 2010 - 2020". Quy định này đã được triển khai thực hiện từ năm 2010 với những nội dung cụ thể: Trung tâm y tế là đơn vị trực tiếp quản lý trạm y tế, bệnh viện đa khoa huyện là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý về hoạt động khám chữa bệnh, phòng y tế chịu trách nhiệm quản lý nhà nước tại địa phương.

Mặc dù Sở Y tế đã có những chỉ đạo về việc tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trong quản lý trạm y tế, song nhìn chung sự phối hợp giữa các đơn vị vẫn khá lỏng lẻo. Điều này dẫn đến những lơ là trong hoạt động khám chữa bệnh của trạm y tế xã. Các đơn vị y tế tuyến huyện không thường xuyên giám sát, kiểm tra, hỗ trợ chuyên môn cho cán bộ trạm y tế; năng lực quản lý, điều hành của trưởng trạm không được tăng cường. Tại rất nhiều trạm y tế cơ sở hiện nay, giờ giấc, lề lối, tác phong làm việc của cán bộ không được chấp hành nghiêm túc; công tác khám chữa bệnh chưa được chú trọng; chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng được yêu cầu của người bệnh, số lượng khám bệnh giảm, đỡ đẻ tại trạm y tế chỉ chiếm khoảng 10-15% tổng số đẻ, người bệnh được chỉ định dùng thuốc không phù hợp, chỉ định truyền dịch tràn lan...

"Trong nhiều lần đi kiểm tra tại cơ sở, đoàn kiểm tra của bệnh viện thường xuyên không gặp trưởng trạm"; "Nhiều lần bệnh viện triệu tập đào tạo, tập huấn cho cán bộ xã, nhưng trạm y tế không cử cán bộ tham gia đào tạo"... đó là phát biểu của lãnh đạo các bệnh viện huyện. Có trạm y tế, mỗi tuần trưởng trạm chỉ đến trạm 1 lần. Bởi ít bệnh nhân nên trưởng trạm này cũng quy định mỗi cán bộ trực, làm việc 1 ngày/tuần, các ngày còn lại cán bộ tự làm việc... tại nhà. "Mỗi cán bộ một túi thuốc riêng, chân ngoài dài hơn chân trong" đang là thực tế khá phổ biến ở không ít trạm y tế cơ sở.

Song hơn hết các nguyên nhân trên, theo lý giải của phần lớn đội ngũ cán bộ y tế xã, việc dừng thực hiện khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế là nguyên nhân cơ bản làm giảm số lượng bệnh nhân đến với trạm y tế. Bởi với 63% dân số tại các địa phương đã có thẻ BHYT, tất nhiên người dân sẽ chọn con đường đến bệnh viện để hưởng chế độ BHYT thay vì đến trạm y tế mà không được hưởng gì.

Không thể để các trạm y tế "sống mòn"!
Nếu như biểu hiện của sự sống con người là hơi thở, thì sự sống của trạm y tế chính là hoạt động khám chữa bệnh. Làm gì để các trạm y tế hồi sinh? "Trong khi Nhà nước dành sự đầu tư lớn cho hoạt động của trạm y tế, nếu chúng ta tiếp tục để các trạm y tế "sống mòn" như hiện nay là chúng ta đã có tội với nhân dân", đó là tinh thần đã được bác sĩ Phạm văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế quán triệt đến đội ngũ lãnh đạo các đơn vị y tế tuyến huyện. Quyết tâm chấn chỉnh, có định hướng rõ ràng đối với hoạt động khám chữa bệnh của trạm y tế là nhiệm vụ mà Sở Y tế đang tập trung chỉ đạo thực hiện.

Ngành chuyên môn đã đề ra nhiều giải pháp: Trung tâm y tế phải chủ động tham mưu, tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường cán bộ quản lý cho trạm y tế, thực hiện đúng các quy trình tuyển dụng, từng bước sắp xếp, bố trí cán bộ hợp lý; đầu tư mua sắm trang thiết bị phù hợp, thiết yếu phục vụ công tác cấp cứu, khám chữa bệnh cho trạm y tế. Trạm y tế phải là cánh tay nối dài của các bệnh viện đa khoa huyện, thực hiện nhiệm vụ khám sàng lọc, nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Bởi vậy, trong chuyên môn, các bệnh viện đa khoa, các trung tâm y tế huyện, phòng y tế tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các đơn vị cũng như trong hoạt động phối hợp kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn chấn chỉnh lề lối làm việc; xây dựng kế hoạch cụ thể trong chuyển giao, hỗ trợ cho trạm y tế phát triển kỹ thuật mới; thực hiện tốt công tác chỉ đạo tuyến, có kế hoạch đào tạo, tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ trạm y tế...

Bên cạnh các giải pháp đã được ngành y tế chỉ đạo, theo ý kiến của hầu hết cán bộ quản lý trong ngành và cán bộ y tế xã, một giải pháp cần thiết và cần nhanh chóng triển khai thực hiện đó là đưa hoạt động khám chữa bệnh BHYT về trạm y tế xã, làm cơ sở để tăng số bệnh nhân đến với trạm y tế.

Kiến nghị nêu nhiều, giải pháp đưa ra cũng không ít. Nhiều câu hỏi đặt ra cho y tế cơ sở: Tại sao cùng cơ chế quản lý, thậm chí tại một số trạm y tế còn chưa có cơ sở vật chất tốt, không có đội ngũ cán bộ có trình độ cao song hoạt động khám chữa bệnh vẫn rất sôi động? Thẳng thắn nhìn vào thực tế, không đổ lỗi do cơ chế, hoàn cảnh, mỗi cán bộ y tế xã phải thực sự nghĩ đến trách nhiệm của người "Thầy thuốc giữa lòng dân", phải chăng đó mới chính là giải pháp cốt yếu làm hồi sinh trạm y tế cơ sở hiện nay.

Trần Thu Hương

  • Từ khóa