Thứ 7, 10/08/2024, 02:20[GMT+7]

Xử lý chất thải y tế Ðầu tư lớn, hiệu quả cao

Thứ 2, 01/10/2012 | 07:31:53
1,029 lượt xem
Chất thải y tế mang nhiều mầm bệnh, là mối nguy hiểm của cộng đồng nếu không được xử lý đúng theo quy định. Mỗi ngày, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh thải ra môi trường hàng trăm ki-lô-gam chất thải rắn và hàng nghìn m3 nước thải độc hại. Việc xử lý chất thải y tế như thế nào để không gây ảnh hưởng đến môi trường là vấn đề mà ngành Y tế đã và đang nỗ lực thực hiện.

Hệ thống xử lý nước thải của Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Phụ

Bệnh viện Đa khoa huyện Hưng Hà, mỗi ngày trung bình có khoảng 1.000 kg rác thải sinh hoạt và khoảng 5-10 kg rác thải y tế nguy hại. Phó Giám đốc Bệnh viện- Lương Văn Phong cho biết: Đối với rác thải sinh hoạt của bệnh viện thì được Công ty vệ sinh môi trường xã Minh Khai thu gom, còn rác thải y tế sau khi thu gom tại các khoa phòng được đốt tại lò đốt của bệnh viện. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tháng 6/2012, bệnh viện đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế, kinh phí 9 tỷ đồng, với công suất 100 m3/ngày đêm, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường của bệnh viện và khu vực lân cận. Tại Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Phụ, mỗi ngày có từ 350- 400 lượt người đến khám bệnh, điều trị trên 200 lượt người. Vì vậy, lượng rác thải, nước thải, nhất là rác thải và nước thải y tế nguy hại ngày một lớn.

Những năm trước đây, việc quản lý chất thải y tế vẫn còn bị buông lỏng, thả nổi, không đúng quy định, phó thác việc này cho hộ lý, điều dưỡng. Các loại ống nhựa chứa máu, nước tiểu và các bệnh phẩm sau xét nghiệm, theo quy định phải đựng vào các túi nilon mang chôn hoặc đốt nhưng việc xử lý này chưa bảo đảm yêu cầu, các ống nghiệm không có chất chống đông máu nên có cả cục máu đông đã được mang đi chôn dù chưa được xử lý; trong khi đó, nhiều người nhặt rác do không có kiến thức về nhiễm khuẩn đã đào trộm, rửa lấy ông nhựa mang bán. Kết quả phân tích nước thải của bệnh viện, các thông số BOD 5 vượt 1,15 lần; Coliform vượt 3,4 lần tiêu chuẩn Việt Namon>. Hơn nữa, nước thải sau khi xử lý sơ bộ được đưa ra mương tiêu sau đó dẫn ra mương thủy lợi rồi xả trực tiếp ra sông Yên Lộng, gây ảnh hưởng đến môi trường. Nhưng từ năm 2010, Bệnh viện đã được đầu tư lò đốt rác hiện đại và hệ thống xử lý nước thải của Nhật Bản, công suất 150 m3/ngày đêm, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường và ngăn ngừa lây lan của dịch bệnh.

Không chỉ có Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà, Quỳnh Phụ có hệ thống xử lý chất thải y tế mà đến nay, nhiều bệnh viện, trung tâm y tế có giường bệnh trên địa bàn tỉnh có hệ thống xử lý rác và nước thải y tế. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Quang Hải thì, hiện 2/9 bệnh viện tuyến tỉnh và 10/12 bệnh viện tuyến huyện có lò đốt rác; 4/9 bệnh viện tuyến tỉnh và 7/12 bệnh viện tuyến huyện đã có hệ thống xử lý nước thải y tế theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Thành quả này chính là nhờ sự quan tâm đầu tư thường xuyên của tỉnh trong việc bảo vệ môi trường trên địa bàn. Chỉ tính riêng từ năm 2009 đến nay, bằng nguồn ngân sách bảo vệ môi trường của tỉnh, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị y tế của tỉnh đã được đầu tư trên 50 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế  . Các lò đốt được sản xuất từ Nhật Bản với công nghệ xử lý cao, đảm bảo không gây khói, bụi.

 Đến nay, nhiều đơn vị đã thành lập khoa chống nhiễm khuẩn bệnh viện. Một số bệnh viện còn hợp đồng với những công ty vệ sinh môi trường để lau chùi, dọn dẹp, thu gom, phân loại rác thải để bệnh viện xử lý theo quy định. Hàng năm, các đơn vị đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường, đăng ký cam kết bảo vệ môi trường với các cơ quan quản lý Nhà nước. Liên ngành Tài nguyên Môi trường, Công an, Y tế thường xuyên thành lập đoàn kiểm tra công tác quản lý, xử lý chất thải y tế để kịp thời khắc phục hạn chế, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị.

Nhờ đó, tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Y tế tỉnh đã nắm được các kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường và công tác quản lý, xử lý chất thải y tế. Hiện nay, các đơn vị đều chủ động sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp để vận hành hệ thống xử lý chất thải rắn, chất thải lỏng y tế của đơn vị mình. Đối với các trung tâm y tế không giường bệnh, phòng khám đa khoa, trạm y tế tuyến xã, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị này thu gom rác thải y tế để chuyển về bệnh viện gần nhất xử lý. Các trạm đều đã được sắm tủ bảo ôn lưu trữ rác. Với những trạm y tế vùng sâu, vùng xa  được phép chôn lấp rác ở khu vực xa khu dân cư sinh sống (theo quy hoạch của xã).

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số bệnh viện từ tuyến tỉnh xuống huyện chưa có hệ thống xử lý nước thải, rác thải y tế; nhất là các cơ sở y tế tư nhân việc vận hành, xử lý chưa thật sự hiệu quả. Vì vậy, để đạt được mục tiêu đến năm 2015 thu gom và xử lý tập trung 100% chất thải y tế, cần phải có sự cố gắng tích cực của các ngành, các cấp trong việc bố trí nguồn vốn đầu tư, tìm kiếm công nghệ và tổ chức thực hiện, góp phần giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường, mầm mống bệnh tật, dịch bệnh do các hoạt động tại bệnh viện, trạm y tế thải ra. Cùng với việc đầu tư xây dựng, cán bộ của các cơ sở y tế cần làm chủ các phương tiện kỹ thuật đã được trang bị để vận hành có hiệu quả trong việc xử lý nước thải tại các cơ sở y tế. Sở Y tế cần thường xuyên tổ chức thanh kiểm tra, yêu cầu toàn bộ các cơ sở y tế thực hiện đúng, đủ các cam kết về việc xử lý nước thải, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Bài, ảnh: Đức Dũng

  • Từ khóa