Thứ 6, 02/08/2024, 17:17[GMT+7]

Thái Hưng trên hành trình chuyển mình thành Thị trấn

Thứ 3, 02/10/2012 | 14:44:08
1,108 lượt xem
Ngày 12/7/2012, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07/NQ-HĐND về việc công nhận xã Thái Hưng (huyện Thái Thụy) đạt tiêu chí đô thị loại V. Đây thực sự là một tin vui, niềm tự hào không chỉ của riêng cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Thái Hưng mà còn là cả người dân huyện Thái Thụy. Tuy nhiên, hành trình để đưa Thái Hưng trở thành thị trấn trong tương lai cũng còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Để đáp ứng tiêu chuẩn phát triển của một đô thị, Thái Hưng còn phải nỗ lực rất nhiều.

Thái Hưng trước đây từng là thủ phủ, trung tâm hành chính-kinh tế-văn hóa xã hội của huyện Thái Ninh cũ. Năm 2007, UBND tỉnh đã có Quyết định 3191 phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thị trấn Thái Ninh (bao gồm toàn bộ địa giới hành chính xã Thái Hưng là trung tâm kinh tế của khu vực phía Nam huyện Thái Thụy). Nơi đây có vị trí giao thông thuận tiện, giao nhau giữa 3 tuyến đường quan trọng là đường tỉnh 219, đường huyện 47 và đường huyện 65.

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Vĩnh Tăng cho biết: những năm qua, Thái Hưng tích cực chuẩn bị để sớm trở thành Thị trấn Thái Ninh trong tương lai như: lập và hoàn thành các quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới, quy hoạch chi tiết hệ thống giao thông thuỷ lợi nội đồng, khu trung tâm và điểm dân cư tập trung, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân. Toàn xã hiện có 365,38 ha đất nông nghiệp. Ngoài lúa là cây trồng chính, nhân dân tích cực mở rộng diện tích trồng cây màu, cây vụ đông với diện tích hàng năm khoảng 210 ha, tận dụng diện tích vườn trồng hoè, cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế khá.

Xã có hàng trăm lao động làm ngành nghề tiểu thủ công nghiệp: xây, mộc, cơ khí, vậy liệu xây dựng, may, móc sợi, chế biến lương thực, thực phẩm... Dân cư khu vực trung tâm xây dựng nhà cửa khang trang, kinh doanh sầm uất, sôi động, cuộc sống mang màu sắc đô thị. Tại đây cũng có nhiều công trình quy mô cấp huyện như: Bệnh viện Đa khoa Thái Ninh quy mô 150 giường bệnh, Trường THPT Thái Ninh với 2.000 học sinh, Trung tâm giáo dục thường xuyên II có 1.700 học sinh, ngân hàng, bưu điện, nhà máy nước sạch công suất 600m3/ngày đêm. Cơ sở hạ tầng xã: trụ sở làm việc Đảng ủy - HĐND - UBND, trường học, trạm y tế, các tuyến đường trong thôn xóm đã được đầu tư xây dựng khang trang... phục vụ tốt nhu cầu đời sống dân sinh.

Đặc biệt, trong các năm 2007-2009, xã trích ngân sách hỗ trợ, huy động nhân dân góp công, góp đất, giải phóng mặt bằng làm 8km đường giao thông trục thôn; năm 2010 tổ chức cho bà con đắp 3km đường nội đồng phục vụ sản xuất. Đến nay, Trường Tiểu học, THCS và Trạm y tế đều đã đạt chuẩn, 90% người dân Thái Hưng được dùng nước sạch. Năm 2011, tổng giá trị thu nhập từ các ngành kinh tế của Thái Hưng đạt 97,7 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2010. Bình quân thu nhập đầu người đạt 16,7 triệu đồng/năm. Đảng bộ, chính quyền xã đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh.

Mặc dù đã đạt tiêu chuẩn đô thị loại V nhưng bước đường để Thái Hưng trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của cụm 21 xã phía Nam huyện Thái Thụy sẽ còn phải huy động rất nhiều nguồn lực. Bởi về cơ bản, sản xuất nông nghiệp của người dân Thái Hưng vẫn là nghề chính, giá trị chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế với 38,7% (năm 2011), ngành nghề-xây dựng cơ bản chiếm 29,3%, thương mại-dịch vụ chiếm 32%. Địa phương có nguồn lao động dồi dào với 3.364 người nhưng phần lớn chưa qua các lớp đào tạo, riêng lao động nông nghiệp là 2.520 người (chiếm 54%) và thường thiếu việc làm lúc nông nhàn.

Hạ tầng kinh tế-xã hội những năm qua dù đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ. Các tuyến đường giao thông tỉnh, huyện đi qua địa bàn, đường trục xã, giao thông trục thôn đã được rải đá, láng nhựa hoặc cứng hoá bằng bê tông nhưng bề mặt đều nhỏ hẹp, nhiều đoạn xây dựng hơn 10 năm nay đã xuống cấp, chỉ có thể phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt của nhân dân bằng xe thô sơ trong phạm vi hẹp theo kiểu tự túc, tự phát chứ chưa thể phục vụ quá trình phát triển của đô thị. Đặc biệt, trong các ngõ xóm liên gia đình, còn khoảng 8,53km đường cần phải cứng hoá và mở rộng. Cũng do hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nên dù xã đã quy hoạch một khu CN-TTCN quy mô 20 ha, cũng có doanh nghiệp đến khảo sát nhưng vẫn chưa có doanh nghiệp nào mạnh dạn vào đầu tư sản xuất.

Đối với hệ thống trường học, dù Trường Tiểu học đã đạt chuẩn nhưng còn thiếu phòng học và phòng chức năng; Trường Mầm non nằm rải rác trên 4 khu dân cư, phòng học là nhà cấp 4, thiếu các công trình phụ trợ, trang thiết bị dạy học lạc hậu, gần đường giao thông... chưa đáp ứng nhu cầu học tập và vui chơi của trẻ.

Xã có 6 thôn nhưng hiện nay chỉ có 2 thôn có nhà văn hoá, 4 thôn còn lại nhân dân phải tận dụng nhà công sở cũ, họp nhờ nhà dân. Chợ cầu Cau có diện tích 2.136 m2 nhưng thực tế nhân dân mới chỉ sử dụng 375m2 để họp chợ chiều, không có mái che, tường bao, đường đi chưa được cứng hoá; hệ thống cấp thoát nước, giao thông thủy lợi nội đồng, điều kiện môi trường… cũng chưa thể đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp  và phát triển của một đô thị.

Ông Tăng cũng cho biết thêm: quá trình phát triển kinh tế-xã hội hiện tại và những năm tiếp theo Thái Hưng phải thực hiện đồng thời, bảo đảm hài hoà 2 quy hoạch đó là: quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn mới. Tính ra, nguồn kinh phí để xây dựng đô thị và hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới sẽ cần cả trăm tỷ đồng nên ngoài sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân thì rất cần sự đầu tư, hỗ trợ của tỉnh và huyện.

Về phía địa phương, trước mắt xã sẽ ưu tiên thực hiện nhiệm vụ phát triển đô thị, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, phát triển thương mại dịch vụ trên địa bàn. Cùng với đó, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để dồn điền đổi thửa, vận động nhân dân góp đất, góp công đắp bờ vùng bờ thửa, giao thông nội đồng, phấn đấu hết năm 2012 sẽ hoàn thành. Sau dồn điền đổi thửa, quy vùng sản xuất xây dựng 2 mô hình cánh đồng mẫu: 1 lúa và 1 màu, đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng để tăng năng suất, hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa