Thứ 7, 12/10/2024, 05:19[GMT+7]

Tư tưởng Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục 

Thứ 5, 25/10/2012 | 14:36:02
2,273 lượt xem
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo là một bộ phận hữu cơ của tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành trên cơ sở kế thừa truyền thống hàng ngàn năm văn hiến, truyền thống hiếu học của dân tộc kết hợp với quan điểm mác xít - lêninnít và thực tiễn giáo dục Việt Nam.

Ảnh tư liệu

Trong quá trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã gắn cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc với cuộc đấu tranh chống chế độ giáo dục nô lệ, đòi một nền giáo dục dân tộc tiến bộ. Khi gửi bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” tới hội nghị Vécxây (1919), Người đã không quên điều khoản đòi “tự do học tập” cho tất cả những người dân bản xứ. Người đã lên án, tố cáo “chính sách ngu dân” của bọn thực dân ở các nước thuộc địa và mong muốn xoá đi một nền giáo dục đồi bại, “đó là một nền giáo dục nguy hiểm hơn cả sự dốt nát”.

Theo Người, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Bởi vậy, ngay sau cách mạng tháng Tám năm 1945, cùng với việc thiết lập nền dân chủ cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc giải quyết “nạn dốt” là một trong những nhiệm vụ cấp bách. Người kêu gọi: phải làm cho nhân dân biết đọc, biết viết, xoá nạn mù chữ, từng bước nâng cao dân trí. Giáo dục sẽ giúp cho mỗi người dân có kiến thức mới để “biến một nước dốt nát, khổ cực thành một nước văn hoá cao và đời sống tươi vui, hạnh phúc”. Nếu không có giáo dục thì sẽ không giữ vững được nền độc lập dân tộc, không thể tham gia một cách tích cực và có hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những đóng góp quan trọng về xác định chức năng, nhiệm vụ của giáo dục, phương pháp dạy và học. Theo quan điểm của Người, giáo dục là yếu tố quyết định trực tiếp nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, nhiệm vụ, tổ chức quản lý. Mọi người đều phải học, “học để làm việc, làm người cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân; Tổ quốc và nhân loại”, “học để tu dưỡng đạo đức cách mạng”, “học để tin tưởng”…Trong đó, Người đặc biệt chú ý đến giáo dục thế hệ trẻ. Nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (9/1945), Bác đã viết thư gửi các cháu học sinh: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Muốn đạt được điều đó thì nội dung giáo dục phải toàn diện, phù hợp với đặc điểm của đất nước. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: nội dung giáo dục phải gắn với thực tiễn Việt Nam, học đi đôi với hành, lý luận phải gắn với thực tiễn. Giáo dục phải kết hợp cả 3 khâu gia đình, nhà trường và xã hội. Đây là điều thể hiện bản chất giáo dục của nền giáo dục nước ta.

Giáo dục là một khoa học nên phương châm giáo dục phải phù hợp với đối tượng, lứa tuổi: “Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành… Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực. Tiểu học thì cần giáo dục cho các cháu thiếu nhi yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công…”

Xuất phát từ quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” để tiến hành công cuộc “xã hội hoá” giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến việc phát huy sức mạnh tổng hợp của Đảng, chính quyền, các cấp, các ngành, các đoàn thể nhân dân trong việc xây dựng nền giáo dục nước nhà.

Để xây dựng một nền giáo dục đạt chất lượng và hiệu quả cao, Người nhấn mạnh đến việc “phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa”; gắn thi đua với việc nêu gương những điển hình tiên tiến, xây dựng đoàn kết chặt chẽ trong nhà trường và xã hội, giữa thầy và trò…

Tự học, tự đào tạo cũng là một tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh. Người quan niệm: “Về cách học, phải lấy tự học làm cốt”. Tư tưởng tự học của Người có thể quy thành 5 vấn đề: Trong việc tự học, điều quan trọng hàng đầu là xác định rõ mục đích học tập và xây dựng động cơ hoạt động đúng đắn. Phải tự mình lao động để tạo điều kiện cho việc tự học suốt đời. Muốn tự học thành công, phải có kế hoạch sắp xếp thời gian học tập, phải bền bỉ, kiên trì thực hiện kế hoạch đến cùng, không lùi bước trước mọi trở ngại. Phải triệt để tận dụng mọi hoàn cảnh, mọi phương tiện, mọi hình thức để tự học. Học đến đâu, ra sức luyện tập, thực hành đê  n đó. Bởi vậy, con đường dẫn Người tới thành công cũng xuất phát từ việc tự học, tự đào tạo; học ở bạn bè, đồng nghiệp, học ở nhân dân...

Đối với Người, vấn đề then chốt quyết định đến chất lượng giáo dục là xây dựng đội ngũ những người thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục tận tâm với nghề. Tương lai của đất nước có được tươi đẹp hay không phụ thuộc rất nhiều vào giáo dục, mà hạt nhân của nó chính là đội ngũ giáo viên. Các thầy giáo, cô giáo là những người xây dựng và rèn luyện thế hệ trẻ có trí tuệ, có nhân cách đẹp. Hay nói cách khác là các thầy giáo, cô giáo có một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đó là sự nghiệp “trồng người”. Trong quá trình giáo dục thì mối quan hệ khăng khít giữa thầy và trò luôn giữ vị trí trung tâm.

Đội ngũ thầy giáo, cô giáo là yếu tố quyết định hàng đầu đến chất lượng giáo dục cả về nhân cách, trình độ và kiến thức văn hoá cho học sinh. Muốn phát triển ngành giáo dục trong tình hình hiện nay lên một tầm cao mới để đáp ứng ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới, trước hết phải phát triển đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng, mà chất lượng ở đây đầu tiên phải nói đến đạo đức nghề nghiệp, là nhân cách tốt đẹp của người giáo viên, từ đó mới có kiến thức trong việc giảng dạy, bồi đắp cho thế hệ trẻ.

Kế thừa những quan điểm cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Đảng ta đã xác định: sự nghiệp giáo dục có vị trí quan trọng trong chiến lược xây dựng con người, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: phát triển giáo dục - đào tạo là một trong những động lực quan trọng nhằm thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người - yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Hiện nay, nền giáo dục nước nhà đang đứng trước không ít những khó khăn, thách thức. Một số hạn chế, nhất là về quản lý chất lượng giáo dục, đào tạo, kỹ năng thực hành, bệnh thành tích, chạy theo bằng cấp… chưa được khắc phục triệt để. Đại hội Đảng lần thứ XI đã yêu cầu phải phải đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Nhiệm vụ và mục tiêu cơ bản của giáo dục là nhằm xây dựng con người thiết tha gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức trong sáng, có ý chí kiên cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có năng lực tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại, phát huy tiềm năng của dân tộc và con người Việt Nam; có ý thức cộng đồng và phát huy tính tích cực của cá nhân, làm chủ trí thức khoa học và công nghệ hiện đại; có tư duy sáng tạo, có ky   năng thực hành giỏi, có tác phong công nghiệp, có tính tổ chức và kỷ luật cao; có sức khoẻ và là những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “Hồng” vừa “Chuyên” như lời căn dặn của Người.

Học tập tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về sự nghiệp giáo dục, đào tạo, toàn xã hội và đội ngũ những người làm công tác giáo dục luôn xác định đúng đắn vai trò, vị trí của giáo dục; đồng thời, thấy rõ được trách nhiệm lớn lao với Đảng, với đất nước, với sự nghiệp  “trồng người”.


 

  • Từ khóa