Thứ 5, 08/08/2024, 21:27[GMT+7]

Cần sớm có những “cú hích” cho khu công nghiệp Tiền Hải

Thứ 6, 23/11/2012 | 13:51:07
1,133 lượt xem
Hơn 60 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và gần 8.000 lao động hy vọng vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các ngành liên quan tạo những “cú hích” hữu hiệu để vượt qua khó khăn, thách thức; sớm trở laị không khí sôi động sản xuất – kinh doanh ngày nào, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân đưa mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội mà nghị quyết đại hội Đảng các cấp đề ra trở thành hiện thực.

Mặc dù đã cố gắng nhưng sau bão nửa tháng mái nhà xưởng của Công ty Xuân Sinh mới lợp lại được một nửa

Từ đầu năm đến nay, có lẽ chưa bao giờ công nghiệp Tiền Hải phải đương đầu với nhiều khó khăn và gánh chịu nhiều “mất mát” đến vậy. Giá cả tiêu dùng liên tục tăng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, kinh tế suy giảm, sức mua giảm, tình trạng tồn kho lớn... Một đặc điểm riêng nữa của Khu công nghiệp (KCN) Tiền Hải đó là thế mạnh nguồn khí đốt thiên nhiên giảm hơn 50%. Đêm ngày 28, rạng 29 tháng 10 vừa qua, cơn bão số 8 đột ngột chuyển hướng đổ bộ chính diện vào khiến Tiền Hải bị thiệt hại nặng nề. Tổng thiệt hại của các ngành, các đơn vị kinh tế lên tới hơn 1.100 tỷ đồng, trong đó khu công nghiệp, các doanh nghiệp thiệt hại trên 170 tỷ đồng.

Do bão Sơn Tinh (số 8) là siêu bão nên mặc dù các cơ sở trong KCN Tiền Hải đã chủ động phòng chống sớm, nhưng bão vẫn tàn phá nặng nề làm cho 100% nhà máy, xí nghiệp ở đây hư hại lớn. Hơn nửa tháng sau bão, chúng tôi về Công ty cổ phần Sản xuất – kinh doanh tổng hợp Xuân Sinh đúng vào dịp đoàn của Trung ương, tỉnh và huyện do đồng chí Lê Hồng Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư TƯ Đảng dẫn đầu về kiểm tra và động viên đơn vị. Giám đốc Vũ Trường Sinh cho biết, tổng thiệt hại của nhà xưởng lên tới 9, 016 tỷ đồng. Trong đó riêng khu vực nhà máy thiệt hại hàng tỷ đồng; trạm than hoá khí thiệt hại hơn 330 triệu đồng; kho nguyên liệu, bán sản phẩm, khuôn sản xuất và nhiều vật tư cho sản xuất cuối năm gần như trắng tay. Dù công ty đã cố gắng nhưng theo quan sát của chúng tôi nhiều xưởng sản xuất cũng chỉ mới lợp lại được nửa phần mái che, nhịp độ sản xuất vẫn chưa trở lại bình thường.

Bên  cạnh Công ty Xuân Sinh là Công ty TNHH Sứ Đông Lâm, cả  ba nhà máy của công ty này hàng ngày tạo việc làm và cho thu nhập cho gần 1.000 lao động đã bị bão giật lật toàn bộ hàng ngàn mét vuông mái nhà xưởng, nhà kho, tường dậu bị sụp đỏ. Thiết bị, máy móc bị nước mưa, bùn đất làm hư hại nặng. Tổng thiệt hại của Công ty TNHH Sứ Đông Lâm khoảng 15,72 tỷ đồng. Giám đốc công ty Trần Dũng nói với chúng tôi đó chỉ là thiệt hại trực tiếp, còn phần gián tiếp hầu hết các công ty ở khu công nghiệp chưa thống kê được. Đơn cử như đến nay nguồn cung cấp điện vẫn chưa ổn định, điện áp có lúc chỉ còn 310v (điện áp chuẩn 380v), có lúc bị mất do bất khả kháng gây thiệt hại không nhỏ do tất cả hệ điều hành đều được lập trình bằng máy tính... Máy móc thiết bị, sản phẩm hàng hóa, nhà kho, tường rào... của 63 doanh nghiệp của Tiền Hải đều bị thiệt hại, trong đó nhiều đơn vị chịu tổn thất lớn như Nhà máy gạch MIKAĐO 22,2 tỷ đồng, Công ty Sứ Hảo Cảnh 14,661 tỷ đồng, Vigracera trên 10 tỷ đồng… Ngay sau bão, với ý thức và trách nhiệm cao, sáng 29/10, lãnh đạo và công nhân của các nhà máy tại KCN Tiền Hải đã nhanh chóng tham gia thu dọn đống đổ nát, khắc phục hậu quả. Nhiều anh chị em vừa làm vừa khóc lo lắng cho công ăn việc làm sắp tới, nếu doanh nghiệp không sớm khắc phục để ổn định sản xuất thì đời sống bản thân, gia đình sẽ đi về đâu? Như Công ty Xuân Sinh đang giải quyết việc làm cho 200 lao động với mức thu nhập 3,5- 4 triệu đồng/người/tháng nay thiệt hại gần 40% (vốn công ty 23 tỷ đồng), nếu không được sự hỗ trợ thì nguy cơ người lao động mất việc làm là rất cao. 

Thấu hiểu nỗi lòng và chia sẻ với người lao động, công đoàn cơ sở và các chủ doanh nghiệp một mặt động viên anh chị em  công nhân chia sẻ khó khăn chung tay, chung sức với đơn vị, mặt khác tích cực liên hệ với cơ quan hữu quan, ngân hàng đề xuất cơ chế hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn… Ngay sau bão, trên 90% công nhân Công ty TNHH Sứ Đông Lâm đã có mặt tham gia khắc phục hậu quả. Các đơn vị sản xuất khác đều xác định “dựa vào sức mình là chính” với phương châm “Khắc phục đến đâu, khắc phục được bộ phận nào đưa vào sản xuất đến đó”. Đến ngày 15 – 11, nhiều nhà máy, xí nghiệp trong KCN vượt qua khó khăn cơ bản trở lại sản xuất. Huyện uỷ, UBND huyện Tiền Hải có một cuộc họp chuyên đề bàn cách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Cùng với đó, Phòng Công Thương và các phòng, ban chuyên môn; cấp uỷ, chính quyền các xã Đông Lâm, Đông Cơ, Tây Giang và các xã lân cận đã đến thăm hỏi, động viên kịp thời.

Trước khi cơn bão đổ bộ vào Tiền Hải, tổng giá trị sản xuất CN - TKCN 9 tháng đầu năm của huyện này đạt 1.262 tỷ đồng, bằng 77% kế hoạch cả năm, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2011. Nếu không có thiên tai bất ngờ, chắc chắn tổng giá trị SXCN cả năm toàn huyện sẽ đạt 1.642 tỷ đồng. Bão tan, bao gánh nặng đặt ra trước mắt. Để giúp các cơ sở sản xuất CN trong huyện nói chung, KCN nói riêng, huyện và các cơ sở kiến nghị với tỉnh và các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng giãn, hoãn thu hồi vốn vay trước đó đã đến hạn trả nợ (cả gốc và lãi); xem xét cụ thể từng doanh nghiệp tiếp tục cho vay đầu tư mới. Các ngành thuế và các ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất với nhà nước giãn, hoãn thu thuế còn nợ đọng, đề xuất ưu đãi về thuế đối với nơi chịu thiệt hại do thiên tai gây ra… Hơn 60 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và gần 8.000 lao động hy vọng vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các ngành liên quan tạo những “cú hích” hữu hiệu để vượt qua khó khăn, thách thức; sớm trở laị không khí sôi động sản xuất – kinh doanh ngày nào, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân đưa mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội mà nghị quyết đại hội Đảng các cấp đề ra trở thành hiện thực.

                                    Bài, ảnh: Phan Lợi

  • Từ khóa