Thứ 5, 10/10/2024, 19:20[GMT+7]

Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm Cần lắm một nhãn hiệu tập thể

Thứ 3, 25/12/2012 | 15:16:38
1,165 lượt xem
Bạc Đồng Xâm nói riêng và nhiều mặt hàng truyền thống của nước ta đã và đang bị những sản phẩm hàng nhái gây thiệt hại và ảnh hưởng xấu đến uy tín thương hiệu làng nghề và đồng thời làm thiệt hại trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Việc xác lập quyền bảo hộ với nhãn hiệu tập thể cho làng nghề chạm bạc Đồng Xâm có ý nghĩa rất lớn đối với một vùng sản xuất thủ công lớn của tỉnh.

Nghề chạm bạc truyền thống của làng Đồng Xâm (Hồng Thái - Kiến Xương) được duy trì và phát triển. Ảnh: Minh Đức

Ra đời cách đây gần 600 năm, nghề chạm bạc ở Đồng Xâm (tên cũ là Đường Thâm) nằm ở bên hữu ngạn sông Đồng Giang thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương  đã phát triển thành một làng nghề với nhiều doanh nghiệp và khoảng 130 tổ hợp sản xuất thu hút gần 1.600 lao động chính và hàng nghìn lao động thời vụ. Sản phẩm của làng nghề Đồng Xâm khác hẳn và nổi trội so với hàng bạc của nơi khác ở các kiểu thức lạ về hình khối, dáng vẻ sản phẩm, ở các đồ án trang trí tinh vi mà cân đối, lộng lẫy, nổi rõ chủ đề chính ở thủ pháp xử lý sáng – tối nhờ tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc. Từ nhiều năm qua, sản phẩm bạc Đồng Xâm dường như không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong nước mà còn được du khách nước ngoài biết đến. Đó là niềm tự hào không chỉ của người dân nơi đây.

 

Trong suốt mấy trăm năm qua, người Ðồng Xâm luôn cần mẫn luyện nghề và giữ bí mật nghề. Ðến nay, kỹ thuật chạm bạc gần như không còn là độc quyền của riêng người thợ Ðồng Xâm nữa nhưng một số thủ pháp kỹ thuật và nghệ thuật tinh xảo nhất vẫn được giữ bí truyền. Đặc trưng của sản phẩm bạc Đồng Xâm là sự điêu luyện tế nhị và hoàn hảo. Có thể nói rằng, tài năng và tính cẩn trọng của nghệ nhân bạc Đồng Xâm đã và đang chinh phục được những yêu cầu sử dụng đồ chạm bạc của những khách hàng khó tính và am tường nghệ thuật nhất. Hiện nay, phần lớn thợ bạc Đồng Xâm đều hành nghề ở làng. Tuy nhiên cũng có một số thợ và nghệ nhân nhất là thợ trẻ vẫn đi khắp nơi vừa hành nghề, vừa dạy nghề. Ở môi trường nào cũng vậy, thợ bạc Đồng Xâm luôn lấy chữ tín, chữ tài làm trọng. Họ giữ phẩm chất, lương tâm người thợ và tinh hoa kỹ thuật nghề nghiệp. Nhờ uy tín thương hiệu của sản phẩm làng nghề mà tới nay, sản phẩm chạm bạc Đồng Xâm đã có mặt ở nhiều nơi trên toàn thế giới. Thế nhưng, chính điều đó lại tạo ra cơ hội cho các sản phẩm nhái Đồng Xâm thừa cơ trà trộn.

 

Một nghệ nhân của làng nghề cho biết, ông có một người bạn đi công tác ở nước ngoài và đã bắt gặp hàng giả bạc Đồng Xâm. Điều này cho thấy, bạc Đồng Xâm  nói riêng và nhiều mặt hàng truyền thống của nước ta đã và đang bị những sản phẩm hàng nhái gây thiệt hại và ảnh hưởng xấu đến uy tín thương hiệu làng nghề và đồng thời làm thiệt hại trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Do đó, làm thế nào để có thể phát triển nghề, bảo vệ uy tín thương hiệu làng nghề chạm bạc Đông Xâm, hạn chế tình trạng trà trộn thật giả thương hiệu làng nghề, làm cơ sở giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết địa chỉ thương hiệu sản phẩm... là một bài toán đang đặt ra như một đòi hỏi hết sức cần thiết.

 

Việc xác lập quyền bảo hộ với nhãn hiệu tập thể cho làng nghề chạm bạc Đồng Xâm có ý nghĩa rất lớn đối với một vùng sản xuất thủ công lớn của tỉnh. Về mặt kinh tế, nhãn hiệu khẳng định rõ nguồn gốc xuất sứ, chỉ rõ tính chất và đặc thù của sản phẩm được làm ra ở làng chạm bạc Đồng Xâm khác với tất cả các loại sản phảm khác cùng loại được sản xuất ở vùng khác. Đây sẽ là cơ hội thuận lợi để phát huy lợi thế cạnh tranh, giúp tăng giá trị kinh tế cho người dân tham gia sản xuất tại làng nghề. Mặt khác, đây cũng là cơ hội đẩy mạnh sự phát triển các sản phẩm khác của tỉnh, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Về mặt văn hóa xã hội, nhãn hiệu tập thể là căn cứ pháp lý lâu dài, góp phần làm tăng giá trị tích lũy và phát triển cho thương hiệu chạm bạc Đồng Xâm. Đồng thời giữ gìn và phát triển một nghề truyền thống, bảo tồn và tôn vinh nét đẹp văn hóa cổ truyền của một làng nghề thủ công lớn.

 

Vừa qua, tại làng nghề  chạm bạc Đồng Xâm, Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình đã tổ chức hội nghị giới thiệu dự án xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể bạc Đồng Xâm cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ bạc của làng nghề. Hy vọng đây sẽ là bước tiến quan trọng để tạo lập, quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể nhằm nâng cao giá trị, danh tiếng của sản phảm. Đồng thời, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho cộng đồng các nhà sản xuất của làng chạm bạc Đồng Xâm, góp phần bảo vệ sự phát triển bền vững cho làng nghề.

 Mai Thư

 

  • Từ khóa