Thứ 4, 31/07/2024, 19:19[GMT+7]

Quy hoạch tốt sẽ lựa chọn được cán bộ giỏi

Thứ 5, 03/01/2013 | 09:04:21
913 lượt xem
Quy hoạch cán bộ, một trong những khâu quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Làm tốt công tác quy hoạch sẽ lựa chọn được cán bộ giỏi, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được phân công. Vì thế, quy hoạch các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính và thực tế đội ngũ cán bộ; phải gắn các khâu khác trong công tác cán bộ, bảo đảm sự liên thông quy hoạch của cả đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị.

Ảnh: Ngọc Trâm

Hướng dẫn số 21-HD/BTCTU của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, thực hiện Kế hoạch số 46-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu rõ: Để quy hoạch cán bộ sát với thực tiễn và có tính khả thi, phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị... trong từng thời kỳ để xác định tiêu chuẩn, cơ cấu đội ngũ cán bộ trong quy hoạch gồm: trình độ, ngành nghề, lĩnh vực công tác, độ tuổi, nam, nữ...

Phải nắm chắc đội ngũ cán bộ hiện có, dự báo được nhu cầu trước mắt và lâu dài, trên cơ sở đó mới tiến hành lựa chọn, giới thiệu cán bộ vào quy hoạch. Đồng thời, xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ theo quy hoạch. Mặt khác, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp trên phải được xây dựng trên cơ sở quy hoạch cấp dưới, bảo đảm sự liên thông gắn kết giữa quy hoạch của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, với quy hoạch BCH Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và của tỉnh.

Yêu cầu quan trọng nhất trước khi đưa vào quy hoạch là phải đánh giá đúng cán bộ. Nội dung đánh giá là căn cứ để lựa chọn, giới thiệu cán bộ vào quy hoạch là tiêu chuẩn chức danh cán bộ. Bao gồm tiêu chuẩn chung của cán bộ nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh cán bộ theo các nội dung cơ bản là: Phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực thực tiễn, uy tín, sức khỏe, chiều hướng triển vọng phát triển. Quy hoạch cán bộ phải bảo đảm phương châm “mở” và “động”. Quy hoạch “mở” là một chức danh cần quy hoạch một số người và một số người có thể quy hoạch vào một số chức danh. Giới thiệu cán bộ vào quy hoạch không chỉ những cán bộ đang công tác tại chỗ, mà cần xem xét, đưa vào quy hoạch cả những người đang công tác ở cơ quan, đơn vị khác. Quy hoạch “động” là quy hoạch được định kỳ rà soát, bổ sung, điều chỉnh theo sát sự phát triển của cán bộ; kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không có triển vọng phát triển hoặc uy tín thấp qua lấy phiếu tín nhiệm hàng năm; bổ sung vào quy hoạch những cán bộ đủ điều kiện, có triển vọng phát triển. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa quy hoạch cán bộ và bố trí nhân sự có sự khăng khít. Bố trí nhân sự là lựa chọn cán bộ đã đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn, trong quy hoạch để bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đảm đương ngay vị trí lãnh đạo, quản lý khi có nhu cầu hoặc khi đến kỳ đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, HĐND – UBND các cấp.

Quy hoạch cán bộ là chủ động tạo nguồn cán bộ chuẩn bị cho việc bổ nhiệm, bố trí nhân sự. Cán bộ trong quy hoạch là những người có triển vọng đảm nhận chức danh quy hoạch. Do vậy, ở thời điểm đưa vào quy hoạch không nhất thiết phải đáp ứng đầy đủ điều kiện và tiêu chuẩn của chức danh quy hoạch, mà cần được rèn luyện, thử thách, đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn của chức danh quy hoạch. Các điều kiện về kinh qua thực tiễn lãnh đạo, quản lý ở cấp dưới, về độ tuổi, về trình độ đào tạo quy định trong Nghị quyết số 42 ngày 30/11/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) không phải là tiêu chuẩn để đưa cán bộ vào quy hoạch mà là tiêu chuẩn cần có để được bổ nhiệm hoặc giới thiệu cán bộ ứng cử các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Đối với quy hoạch cán bộ đương chức thì không quy hoạch tái cử, tái bổ nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm, quy hoạch lên chức vụ cao hơn. Số lượng nguồn đưa vào quy hoạch, Hướng dẫn số 21 của BTC Tỉnh ủy nêu rõ: Đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý tối thiểu quy hoạch 2 đến 3 người vào 1 chức danh... Không quy hoạch một người vào quá 3 chức danh; không quy hoạch 1 người vào một chức danh và không quy hoạch 1 chức danh quá 4 người. Yêu cầu độ tuổi ghi trong Nghị quyết số 42 là xuất phát từ yêu cầu trẻ hóa đội ngũ cán bộ, cần đưa vào quy hoạch những người có triển vọng, nhưng phải trẻ tuổi để có quỹ thời gian cho việc đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và kinh qua thực tiễn lãnh đạo, quản lý ở cấp dưới, để đến khi bố trí vào các chức danh lãnh đạo, quản lý lần đầu phải đủ tuổi công tác từ 2 nhiệm kỳ trở lên, ít nhất cũng trọn một nhiệm kỳ 5 năm. Đối với nhiệm kỳ 2015 – 2020 thì ít nhất nam sinh năm 1960, nữ sinh năm 1965 trở lại đây. Những người đã có trong quy hoạch, nhưng không đủ tuổi bổ nhiệm hoặc ứng cử lần đầu vào chức danh quy hoạch, cần đưa ra khỏi quy hoạch. Quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý phải bảo đảm cơ cấu 3 độ tuổi, dãn cách giữa các độ tuổi là 5 năm.

Công tác quy hoạch cán bộ cần thực hiện công khai các tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh cán bộ để cán bộ, đảng viên được biết, trước khi tham gia bỏ phiếu giới thiệu quy hoạch. Danh sách cán bộ vào quy hoạch và đưa ra khỏi quy hoạch các chức danh lãnh đạo được công khai trong Đảng, đoàn; trưởng các phòng, ban, đơn vị trực thuộc; đồng thời thông báo cho cá nhân cán bộ được quy hoạch biết.

Trong mỗi nhiệm kỳ đại hội Đảng, chỉ xây dựng quy hoạch cán bộ 1 lần, hàng năm tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch. Đầu năm thứ 2 của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và tương đương... Xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý cho nhiệm kỳ tới, với đầy đủ các bước như quy trình đã hướng dẫn. Hướng dẫn số 21 cũng đề cập đến quản lý và thực hiện quy hoạch; Bố trí sử dụng cán bộ theo quy hoạch.

Rõ ràng, công tác quy hoạch cán bộ giữ vị trí rất quan trọng. Nếu không làm tốt công tác quy hoạch sẽ hạn chế đến chất lượng cán bộ, ảnh hưởng đến kết quả lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị ở cơ quan, đơn vị, địa phương.

Phạm Viết Thanh


  • Từ khóa