Thứ 5, 08/08/2024, 21:24[GMT+7]

Chuyện về “cọc tiêu” đường thôn, xóm

Thứ 6, 18/01/2013 | 16:44:48
1,456 lượt xem
Thiết nghĩ, đường được xây dựng nên bằng tiền từ ngân sách Nhà nước, từ sự đóng góp của nhân dân nên việc bảo vệ đường là cần thiết. Song đường là để đảm bảo thuận tiện lưu thông, phục vụ dân sinh, chứ không thể vì “nghèo” mà quá lệ thuộc, coi trọng “ông đường” hơn cả tính mạng, sức khỏe con người.

Xe cứu thương không thể làm nhiệm vụ bởi các cổng chào hạn chế kích thước

Trong phát triển kinh tế - xã hội, cùng với điện, đường giao thông phải đi trước một bước. Thời gian qua, nhất là trong lúc nền kinh tế suy giảm để có kinh phí đầu tư nâng cấp những con đường là rất khó khăn. Nhiều địa phương đã quan tâm, chăm lo đời sống của người dân, chủ động, tích cực tìm kinh phí, huy động các hộ gia đình để sửa chữa những con đường liên thôn, liên xóm phục vụ giao thông ngày một tốt hơn. Nhưng cũng chính vì kinh phí đầu tư khó khăn nên để bảo vệ con đường mới làm mỗi khu dân cư có một cách khác nhau như cắm “cọc tiêu”, đổ cột bê tông, dựng cổng chào... vô tình tạo cảnh “ngăn sông, cấm chợ”.

 

Lần theo nguồn tin phản ánh của người dân về việc xe cấp cứu bệnh nhân chậm, chúng tôi tìm đến Trung tâm cấp cứu 115. Tiếp chúng tôi, Thầy thuốc ưu tú, Bác sỹ CKII, Giám đốc Trung tâm cho biết, việc một số trường hợp cấp cứu chậm là có thật. Nguyên nhân chủ yếu do vị trí bệnh nhân phải đưa đi cấp cứu nằm trong thôn, xóm có đường cắm cọc tiêu hoặc dựng barie cố định khiến xe cấp cứu phải tìm đường vòng hoặc tìm người mở “rào chắn”. Tuy nhiên, cũng có nhiều địa phương đã xóa bỏ được “rào chắn” này. Những địa phương này dựng barie cố định một đầu, đầu kia có khóa để vận dụng linh hoạt. Song cũng còn một số người gác barie vẫn gây khó khăn đòi xe cấp cứu phải nộp phí mới cho qua. Thị sát trên địa bàn phường Hoàng Diệu (Thành phố), chúng tôi thấy một con đường mới  được sửa chữa vào tháng 3/2012 để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của người dân. Ðầu đường vào một cổng chào thiết kế bởi 2 cọc bê tông và khung sắt hàn xì rất chắc chắn đã trở thành vật ngăn không cho xe tải lớn, xe khách... đi vào.

 

Ðã có gia đình trong khu vực này những lúc có người ốm đau, bệnh hiểm nghèo phải đi cấp cứu bằng xe xích lô hoặc xe máy. Người dân gọi cấp cứu bằng xe cứu thương 115 nhưng đều phải đưa bệnh nhân đứng chờ ngoài đầu đường. Chị Nh, một người trong tổ dân phố ấm ức kể lại rằng: “Con nhỏ ốm, trời mưa to, xe cứu thương không vào được, tay ôm con, tay choàng áo mưa chạy bộ cả một đoạn đường dài vào lúc đêm khuya để ra xe cứu thương chờ ở ngoài đầu cầu. Mà đã cấp cứu thì thời giờ là vàng bạc đối với tính mạng bệnh nhân”. Ngoài ra, nếu khu dân cư xảy ra hỏa hoạn, lụt lội do vỡ đê thì những loại xe như xe cứu hỏa, xe hộ đê... chắc bó tay? 

 

Thiết nghĩ, đường được xây dựng nên bằng tiền từ ngân sách Nhà nước, từ sự đóng góp của nhân dân nên việc bảo vệ đường là cần thiết. Song đường là để đảm bảo thuận tiện lưu thông, phục vụ dân sinh, chứ không thể vì “nghèo” mà quá lệ thuộc, coi trọng “ông đường”  hơn cả tính mạng, sức khỏe con người. Các cấp, các ngành, đặc biệt là các khu, tổ dân cư cần có phương án đảm bảo hài hòa giữa thuận tiện cho dân và bảo vệ đường. Nên chăng cần chỉ đạo, thực hiện dùng các cọc tiêu, cổng di động để có thể sử dụng trong trường hợp cần kíp như đã nêu ở trên. Những xe ô tô quá khổ lưu hành vào đường phải có trách nhiệm tự nguyện đóng khoản phí nhất định đảm bảo sửa chữa, bảo dưỡng đường. Việc cho phép mức phí tuân theo quy chế của thôn, tổ và không trái với quy định của pháp luật.

Phan Lợi

 

  • Từ khóa