Chủ nhật, 30/06/2024, 19:52[GMT+7]

Quỳnh Phụ Thách thức về môi trường trong chăn nuôi

Thứ 4, 23/01/2013 | 07:34:04
1,392 lượt xem
Cùng với sự phát triển chung của nông nghiệp, lĩnh vực chăn nuôi của huyện Quỳnh Phụ những năm gần đây đã giúp hàng ngàn lao động có việc làm và thu nhập ổn định, nhiều gia đình từ nghèo khó đã trở thành hộ giàu. Tuy nhiên, bên cạnh đó hoạt động chăn nuôi, giết mổ đã và đang gây ra ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe của cộng đồng. Vậy đâu là giải pháp giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi?

Nước thải từ trại lợn của ông Trình chảy qua rãnh thoát nước ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân thôn An Lạc 3

Ai cũng biết, việc tìm ra lời giải cho bài toán ô nhiễm môi trường trong hoạt động chăn nuôi là con đường ngắn nhất hướng tới  phát triển bền vững. Thế nhưng trên thực tế, để làm được điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà quan trọng nhất vẫn là tư duy, cách làm và đồng vốn của những người trực tiếp chăn nuôi. Hiện, toàn huyện có gần 2.000 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có 160 trang trại (30 trang trại quy mô lớn), chủ yếu nuôi lợn, với gần 155.000 con lợn, trên 1.430.000 con gia cầm, 9.370 con trâu, bò. Các trang trại, gia trại phần nhiều là phát triển tự phát, quy mô nhỏ, chưa theo quy hoạch, chủ yếu trên đất vườn nhà, đất mua hoặc thuê tại địa phương. Số lượng các chuồng gia súc, gia cầm nằm ngay cạnh khuôn viên nhà ở, trong khu dân cư không phải là điều hiếm gặp. Nhưng, chỉ cần một gia đình nuôi 5-7 con lợn không vệ sinh chuồng trại, xử lý phân không hợp lý thì tất cả các hộ xung quanh cùng phải chịu hậu quả: nguồn nước, không khí bị ô nhiễm và nguy hiểm hơn là việc lây lan dịch bệnh rất nhanh, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của chăn nuôi.

Không chỉ có chăn nuôi nhỏ lẻ mà chăn nuôi quy mô lớn cũng không được cải thiện nhiều, tuy một số trang trại đã nằm tách biệt với khu dân cư nhưng việc xử lý chất thải trong chăn nuôi chủ yếu bằng biện pháp: Thải trực tiếp ra môi trường; ủ làm phân bón cho cây trồng; và xử lý bằng công nghệ khí sinh học (hầm biogas) dẫn đến việc ô nhiễm môi trường là điều không tránh khỏi. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về các quy định pháp luật bảo vệ môi trường trong chăn nuôi còn rất hạn chế. Họ chỉ biết nuôi, còn ảnh hưởng đến môi trường như thế nào họ không mấy quan tâm, dù có biết, nhưng vì cuộc sống họ cũng không thể chuyển sang nghề khác.

Tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn tại nhiều nơi đã đến mức báo động. Còn nhớ cách đây không lâu, trong bài viết "Ô nhiễm do trang trại nuôi lợn nằm trong khu dân cư” Báo Thái Bình số ra ngày 24/9/2012 phản ánh trại chăn nuôi lợn của hộ ông Trịnh Vũ Trình và ông Dương Duy Quân, thôn An Lạc 3, xã An Vinh gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Mặc dù cơ sở này đã bị chính quyền địa phương phạt hành chính, nhắc nhở nhiều lần. Đồng thời, yêu cầu các hộ gia đình này phải khắc phục tình trạng ô nhiễm.

Tuy nhiên, đến thời điểm này trại nuôi lợn của ông Quân, Trình vẫn là “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường khiến người dân xung quanh bức xúc. Anh Phạm Văn Đoát, một người dân sống trong cảnh bị ô nhiễm từ trại chăn nuôi lợn cho biết, chúng tôi đã nhiều lần viết đơn phản ánh đến các cơ quan chức năng mấy năm nay nhưng chẳng thấy người gây ô nhiễm bị xử lý triệt để, điều này làm mất lòng tin của người dân đối với cơ quan công quyền. Hay như ở xã Quỳnh Châu, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng ngày càng báo động do chất thải từ các hộ chăn nuôi nằm xen lẫn khu dân cư. Tại thôn Hoàng Xá, hầu hết nước thải trong chăn nuôi được xả thẳng ra môi trường làm cho hệ thống cống rãnh, mương máng trong thôn có màu vàng đen, bốc mùi hôi thối. Theo ông Lưu Xuân Huân, Chủ tịch UBND xã thì: Chính quyền địa phương vẫn chưa tìm ra biện pháp nào để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Bởi, đa số người dân vẫn chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, nằm rải rác khắp các thôn. Mặc dù, công tác tuyên truyền đã được chú trọng nhưng nhận thức của người dân vẫn chưa thay đổi.

Thời gian qua, huyện Quỳnh Phụ đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về công tác bảo vệ môi trường. Các phòng, ban chức năng của huyện phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức đánh giá hiện trạng tác động của môi trường đối với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và có biện pháp xử lý đối với các cơ sở gây ô nhiễm. Đồng thời vận động người dân đầu tư các nguồn lực để xây dựng mô hình biogas để tránh ô nhiễm, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi; phổ biến rộng rãi việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi để giảm mùi hôi thối, diệt khuẩn có hại và tăng khả năng phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi. Tuy nhiên, để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi, các ngành chức năng trên địa bàn huyện cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; quy định cụ thể trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trách nhiệm phục hồi môi trường trong trường hợp các cơ sở sản xuất, chăn nuôi gây ô nhiễm. Thiết nghĩ, việc giải bài toán ô nhiễm môi trường do sản xuất, chăn nuôi gây ra một cách kiên quyết, triệt để là con đường hướng tới phát triển xanh, bền vững môi trường nông thôn trong tương lai.

Bài, ảnh: Đức Dũng

  • Từ khóa