Thứ 7, 10/08/2024, 00:20[GMT+7]

Những người mang nước sạch về cho dân

Thứ 4, 06/02/2013 | 16:07:30
897 lượt xem
Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Trong khi một số trạm cung cấp nước sạch do thiếu cơ chế về quản lý, vận hành và kinh phí nên không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí thì nhiều cơ sở tư nhân cung cấp nước sạch ở huyện Kiến Xương được xây dựng và hoạt động tốt, góp phần đáng kể cải thiện chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Trạm nước sạch của gia đình ông Nguyễn Trung Tính xã Quang Trung

Lê Lợi là một trong những xã phát triển mạnh các ngành nghề truyền thống, đặc biệt là nghề chạm bạc. Bên cạnh những lợi ích mà các ngành nghề này mang lại cũng dẫn tới hạn chế lớn là ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước do các chất thải hóa học trong quá trình sản xuất. Do không được xử lý, các chất thải từ quá trình thau rửa bạc, đồng… đổ trực tiếp ra sông gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. Năm 1999, trạm cung cấp nước sạch đầu tiên của xã được đưa vào sử dụng. Ban đầu, khi chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch nên chỉ có vài chục hộ đăng ký dùng. Sau một thời gian, do nguồn nước tự nhiên bị ô nhiễm nặng, người dân đã nhận thức được việc sử dụng nước sạch là nhu cầu thiết yếu nên số công tơ ngày càng tăng lên. Đến nay, toàn xã đã có 3 trạm tư nhân cung cấp nước sạch cho khoảng 90% các hộ trong xã. Tất cả người dân địa phương đều vui mừng, phấn khởi vì giờ đây họ được sử dụng nguồn nước bảo đảm an toàn cho sức khỏe.

 

Được Trung tâm ứng dụng của Sở Khoa học - Công nghệ đầu tư về thiết bị, công nghệ, gia đình ông Nguyễn Trung Tính, thôn Thượng Phúc, xã Quang Trung đã mạnh dạn xây dựng nhà máy lọc nước, cung cấp nước sạch cho người dân quanh vùng. Chia sẻ với chúng tôi, ông Tính cho biết, là một người từng trải nhiều ngành nghề: sản xuất vôi, gạch, kinh doanh vận tải… ông có cơ hội được đi nhiều nơi. Sau một thời gian trăn trở tìm hướng đi bền vững, ông quyết định xây dựng mô hình cung cấp nước sạch. Do địa chất của vùng là đất bồi, nước dùng cho sinh hoạt được khoan ở độ sâu 8 mét, sâu hơn nữa là gặp mặn. Nguồn nước bị ô nhiễm nặng từ chính sinh hoạt của người dân, không đảm bảo cho sức khỏe. Ông cùng gia đình đã gom góp, vay mượn của anh em bè bạn, mạnh dạn xây dựng nhà máy nước này. Ban đầu, ông dự định xây dựng trạm xử lý nước với quy mô nhỏ để cung cấp nước sạch cho gia đình và một số hộ dân quanh vùng sử dụng. Nhưng được sự quan tâm, động viên, tạo mọi điều kiện hỗ trợ của các cấp, ngành, đặc biệt nước sạch lại là một trong những tiêu chí nông thôn  mới đã khiến ông một lần nữa “bạo tay” mở rộng cả quy mô lẫn địa bàn phục vụ. Đưa vào sử dụng từ năm 2010, đến nay trạm cung cấp nước sạch của gia đình ông đã lắp đặt và đưa vào sử dụng gần 3.000 đồng hồ đo đếm nước, đảm bảo phủ kín toàn bộ các hộ trong địa bàn hai xã với tổng vốn đầu tư khoảng 19 tỷ đồng. Hiện tại trạm vận hành 24/24 giờ, cung cấp khoảng 2000m3/ngày đêm với giá 5.750đ/m3, là mức giá hợp lý, được người dân đồng tình.

 

Kiến Xương có khoảng 10 trạm tư nhân cung cấp nước sạch. Các chủ khai thác nước sạch mong muốn các ngành chức năng có chính sách hỗ trợ đầu tư ban đầu, hỗ trợ kinh phí lắp đồng hồ cho các hộ dân thuộc diện nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn nhằm nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, khuyến khích và mở rộng mô hình “xã hội hóa cung cấp nước sạch”.

 

Bài, ảnh: Ngân Huyền

  • Từ khóa