Chủ nhật, 28/07/2024, 13:25[GMT+7]

Tự hào di tích quốc gia đặc biệt Chùa Keo

Thứ 6, 08/02/2013 | 17:33:11
1,847 lượt xem
Xuân này đối với Đảng bộ và nhân dân Thái Bình có thêm niềm vui phấn khởi, tự hào bởi trên địa bàn tỉnh đã có di tích đầu tiên được công nhận “Di tích quốc gia đặc biệt” – đó là Chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư).

Nhớ lại buổi lễ đón nhận Bằng Di tích quốc gia đặc biệt ngày 24-10-2012, niềm tự hào càng thêm lan rộng khi trước sự chứng kiến của đông đảo cán bộ, nhân dân và du khách thập phương, các cơ quan truyền thông đại chúng ở Trung ương và địa phương, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khẳng định những giá trị đặc biệt về văn hóa và kiến trúc nghệ thuật độc đáo, chỉ riêng có ở Chùa Keo Thái Bình.

Đồng chí Đặng Thị Bích Liên – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Keo cho đại diện Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình. Ảnh: Hà Anh

Không phải bây giờ mà từ rất lâu, Chùa Keo đã nổi tiếng khắp vùng và được người dân trong tỉnh, du khách thập phương chọn là điểm đến trong các chuyến du ngoạn thăm thú, nghiên cứu, chiêm bái Phật, Thánh cầu tài, cầu lộc. Nói đến Chùa Keo, nhiều người ấn tượng bởi đây là ngôi chùa cổ kính thâm nghiêm, tọa lạc trên địa hình đẹp; bởi lịch sử ra đời gắn liền với sự huyền bí linh thiêng, được cho là có sự sắp đặt của trời đất sau một cơn đại hồng thủy; bởi sự bề thế của quần thể di tích và kiến trúc bằng gỗ độc đáo nhất; bởi khác biệt ở đối tượng thờ tự và hệ thống Phật pháp, đồ tế khí phong phú hiện còn lưu giữ; và còn bởi nét văn hoá dân gian đặc sắc lưu truyền trong hai mùa lễ hội... 

Thi nấu cơm

Chùa Keo được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia từ năm 1962, đến tháng 9-2012, một vinh dự nữa lại đến với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình: Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27-9-2012 xếp hạng Chùa Keo là Di tích quốc gia đặc biệt cùng với 10 di tích khác của cả nước. Một lần nữa, du khách thập phương lại ấn tượng bởi nét độc đáo riêng có của Chùa Keo được khẳng định khi trong tổng số 11 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đợt 3 năm 2012, chỉ duy nhất có Chùa Keo được xếp hạng di tích đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật.

Du thuyền hát hội. Ảnh: Ngọc Linh

Tìm hiểu về nét đặc biệt của Chùa Keo, ông Đoàn Ngọc Hân - Trưởng ban Quản lý Di tích, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: Chùa Keo có kiến trúc nghệ thuật thời Lê. Điều đáng quý là qua 380 năm, tuy đã nhiều lần tu bổ, song Chùa Keo vẫn tồn tại khá nguyên vẹn so với kiến trúc ban đầu. Chùa  được đánh giá là công trình nghệ thuật lớn nhất bởi theo văn bia lưu từ năm 1632, quy mô các công trình của Chùa Keo, cộng cả Tam quan trong, ngoài và Nhà am, Nhà bia tất cả là 21 dãy, gồm 154 gian bằng gỗ. Hiện tại Chùa Keo còn tồn nguyên 102 gian, 12 toà chính là Tam quan ngoại, Tam quan nội, Chùa Phật, Toà chùa Ông Hộ, Toà ống muống, Toà Tam bảo, Đền Thánh, Toà Giá roi, Toà Thiêu hương, Toà Phụ quốc, Toà Thượng điện và Gác chuông. Cùng với 4 toà, 24 gian các công trình kiến trúc phụ trợ, Chùa Keo hiện có tổng số là 16 toà, 126 gian. Ngoài là công trình kiến trúc đồ sộ nhất, Chùa Keo còn đặc biệt so với các kiến trúc chùa chiền khác bởi là kiến trúc nghệ thuật lớn nhất được xây dựng toàn bằng gỗ lim với kỹ thuật cao, chạm trổ tinh tế; cách bố trí cũng khác biệt bởi có sự cao thấp, lớn nhỏ khác nhau tạo nên sự hấp dẫn cuốn hút người thưởng thức, khám phá nghệ thuật.

Đánh cờ người

Ngoài đặc biệt về quy mô và chất liệu xây dựng, quần thể Chùa Keo chứa đựng trong đó nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật riêng độc đáo, không nơi nào có, tiêu biểu như Tam quan nội, Tòa Giá roi, Hành lang đông tây, Gác chuông... Mỗi công trình nghệ thuật đặc sắc đó lại bao gồm những chi tiết nhỏ, là những kiệt tác nghệ thuật đặc sắc nổi bật về giá trị nghệ thuật cũng như giá trị kiến trúc. Điển hình như bộ cánh cửa ở Tam quan nội chạm rồng gồm có hai cánh, được đánh giá độc đáo nhất trong cả nước. Khi đóng, bộ cánh cửa trở thành một bức phù điêu hoàn chỉnh hình 4 con rồng chầu nguyệt, rộng 2,47m, cao 2,25 mét, thể hiện tính nghệ thuật cao của điêu khắc Việt Nam thế kỷ XVII (bộ cánh cửa thật hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bộ cánh cửa hiện tại ở Chùa Keo là bản sao phục chế). Gác chuông Chùa Keo làm theo kiểu chồng diêm cổ các, 3 tầng 12 mái với kết cấu gần 100 đàn đầu voi, làm nên vẻ trầm mặc, thâm nghiêm và uy linh chốn linh thiêng. Đây là công trình nghệ thuật có vẻ đẹp lộng lẫy, là viên ngọc quý trong gia tài kiến trúc Việt Nam. Toà Giá roi chỉ riêng có ở Chùa Keo (theo các nghiên cứu, chưa thấy chùa nào khác có Toà Giá roi); những con sơn nội sơn ngoại cũng đặc biệt, được chạm trổ đa dạng, phong phú các con vật linh, không chỉ có tác dụng đỡ đầu bẩy hay xà mà còn là yếu tố thẩm mỹ ấn tượng...

Lễ rước kiệu. Ảnh: Thành Tâm

Tự hào Chùa Keo là Di tích quốc gia đặc biệt, UBND huyện Vũ Thư nói riêng, tỉnh Thái Bình nói chung đã và đang thực hiện kế hoạch tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu; hoàn thiện cơ sở vật chất; thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, khai thác di tích, xây dựng thương hiệu mạnh trong các tuyến du lịch quốc gia; tổ chức tốt lễ hội nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, sinh hoạt tâm linh của nhân dân và du khách trong và ngoài tỉnh.

Hà Dung 
 

 

 


  • Từ khóa