Thứ 2, 01/07/2024, 05:18[GMT+7]

Xuân và những người thợ đường dây

Thứ 4, 13/02/2013 | 18:08:45
1,029 lượt xem
Năm Nhâm Thìn khép lại nhường đón năm mới Quý Tỵ. Trên khắp các con phố, trong từng mái nhà, không khí ngày Tết với những mai, đào, quất và muôn hoa khoe sắc, đường phố nhộn nhịp đông vui. Riêng những người thợ điện lại cảm nhận không khí Tết trên từng đường dây, cột điện. Đối với họ, những ngày tết dường như bận mải hơn với việc kiểm tra, sửa chữa, vận hành an toàn hệ thống lưới điện để bà con nhân dân đón Tết trọn vẹn.

Nhân viên trực vận hành Phòng Điều độ (Công ty Điện lực Thái Bình) đang nhận báo cáo của các tổ đường dây. Ảnh: Đức Dũng

Có dịp cùng những người lính đường dây Điện lực Vũ Thư, Tiền Hải, Kiến Xương rong ruổi trên nhiều tuyến đường, tôi mới thấm thía hết những gian nan, vất vả mà các anh đã phải nếm trải trong suốt bao năm công tác. Bất kể thời tiết dù mưa hay nắng, dù sáng sớm hay chiều muộn, các anh vẫn thầm lặng bám trụ cùng những tuyến đường dây, vị trí cột, với từng chiếc cờ lê, mỏ lết, kìm, kẹp... để phát hiện và xử lý kịp thời những sự cố dù là nhỏ nhất. Tất cả chỉ bởi một lẽ giản đơn vì sự an toàn, thông suốt của dòng điện. Khi chuông điện thoại vừa vang lên, anh công nhân trực điện nhấc máy, đầu dây bên kia vang lên câu “Sao mất điện vậy anh?” hay “Mãi sao chưa có điện vậy?” điều mà trong tất cả các ca trực các anh không hề mong muốn. Sau khi hỏi kỹ vị trí mất điện và không quên nói câu thông cảm,  hai anh công nhân trực điện liền chuẩn bị dụng cụ và trang thiết bị an toàn cùng nhau lên xe đến vị trí mất điện, nhiệt độ ngoài trời lúc ấy khoảng 8OC. Đó là những việc thường ngày của lính thợ điện - anh Nguyễn Văn Sinh, Đội trưởng đội 2 Điện lực Vũ Thư chia sẻ.

 

Công nhân Điện lực Đông Hưng tu sửa, nâng cấp đường dây.

Ảnh: Thành Tâm

 

Với cán bộ, công nhân viên ngành điện, việc chia ca trực đảm bảo an toàn điện đã trở nên quá đỗi quen thuộc, trực nắng nóng, trực mưa giông, trực bão, trực giao thừa, trực bảo đảm điện cho các sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội quan trọng… Đối với mỗi người dân vào các dịp lễ hội, ngày kỷ niệm của đất nước, ngày tết cổ truyền của dân tộc là lúc nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí và sum họp gia đình, nhưng với cán bộ, công nhân viên ngành điện đây là những ngày làm việc căng thẳng nhất và trách nhiệm phải đặt lên cao nhất. Những ngày hè nắng nóng, sản lượng điện tiêu thụ tăng đột biến khiến cho nhân viên các ca trực phải liên tục xử lý sự cố từ nhảy aptomat, cột điện cháy đến quá tải cục bộ một nhánh ở trạm biến áp. Và rồi trong những cơn mưa giông gió giật, dưới cái rét cắt da cắt thịt, nhiệt độ ngoài trời xuống 6- 7OC, khi mọi người yên giấc dưới mái ấm gia đình thì những người công nhân ngành điện lại chạy đua cùng đêm tối để khắc phục sự cố.

 

Mỗi người dân Thái Bình chắc sẽ không quên cảnh tượng tan hoang mà bão số 8 đổ bộ vào cuối tháng 10/2012. Trên 800 cột điện cao thế, hàng nghìn cột hạ thế bị đổ, nghiêng, nhiều tuyến đường dây hư hỏng. Tất cả thợ điện đã phải có mặt trên các tuyến đường dây lúc 3h sáng, sau khi bão tan để khắc phục sự cố. Chỉ sau một ngày, một số khu vực của Thành phố Thái Bình đã có điện và sau hơn một tuần điện đã được thắp sáng toàn tỉnh.

 

người vẫn nghĩ cán bộ, công nhân viên ngành điện làm việc trong môi trường của ngành “độc quyền” thì đời sống rất khấm khá, nhàn  hạ. Nhưng thực tế, ngay cả những người không trực tiếp làm việc trên đường dây thì cường độ làm việc cũng rất căng thẳng. Có dịp tiếp xúc cùng cán bộ, nhân viên Phòng Điều độ - Công ty Điện lực Thái Bình, tôi càng hiểu thêm những vất vả, khó khăn cũng như sức ép công việc mà các anh đang hàng ngày phải đối mặt.

 

Chiều cuối năm, trong khi mọi người đã hoàn thành những công việc cuối cùng và đang lo mua sắm để chuẩn bị đón chào xuân mới thì bộ phận trực vận hành hệ thống điện của Phòng Điều độ vẫn miệt mài với công việc thầm lặng của mình nhằm điều hành hệ thống điện trong toàn tỉnh, bảo đảm phân phối, điều hòa dòng điện cung cấp cho nhu cầu phụ tải một cách đều đặn, nhịp nhàng. 3 máy điện thoại liên tục đổ chuông khiến 7 nhân viên trực vận hành hệ thống phải rất vất vả và đặc biệt phải tập trung: tai nghe, tay ghi, mắt nhìn mới có thể giải đáp hết các thắc mắc của khách hàng sử dụng điện và báo cáo của các tổ đường dây về tình hình sự cố, yêu cầu thao tác đóng, cắt điện. Nếu đầu óc thiếu tập trung một chút, điều hành sơ suất một chút sẽ dẫn đến sự cố, làm hư hỏng thiết bị điện, gây tai nạn cho đồng nghiệp và khách hàng. Anh Đỗ Thế Hệ, Trưởng phòng Điều độ nhớ lại: Đêm giao thừa năm 2012, do có sự cố tại xã Hoa Lư, Thăng Long (Đông Hưng), ngay cả đồng chí Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật của Công ty cũng phải trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo, khắc phục sự cố để sớm cấp điện trở lại cho nhân dân vui xuân đón Tết cổ truyền trọn vẹn.

 

Ngoài những giây phút mệt mỏi, mồ hôi thấm ướt đôi vai áo với không ít những hiểm nguy rình rập, bao người thợ đường dây ấy vẫn giữ cho mình lòng yêu đời, tinh thần lạc quan bởi với họ, được làm nghề là niềm vui, niềm yêu, niềm gắn bó để mỗi ngày trôi qua các anh lại miệt mài cùng dòng điện thắp sáng nơi thành thị rực rỡ đèn hoa hay những xóm thôn chan hòa ánh sáng… Chia tay họ, chúng tôi hiểu rằng, trong niềm vui đón Tết của mỗi nhà không thể thiếu vắng công lao vất vả và sự hy sinh lặng thầm của những người lính đường dây.

Đức Dũng

 

 

  • Từ khóa