Chủ nhật, 04/08/2024, 05:17[GMT+7]

Chăn nuôi an toàn và an toàn thực phẩm Thách thức và giải pháp

Thứ 2, 25/02/2013 | 08:58:49
872 lượt xem
Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi có bước phát triển vượt bậc bằng việc phát triển hình thức chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, an toàn sinh học. Toàn tỉnh hiện có 690 trang trại đạt tiêu chí trang trại theo Thông tư 27/2011 của Bộ Nông nghiệp & PTNT, trong đó có 487 trang trại lợn, 98 trang trại gia cầm và 105 trang trại tổng hợp gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, việc bảo đảm an toàn cho ngành chăn nuôi từ sản xuất giống, kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại, xử lý chất

Trang trại của hộ gia đình anh Lê Văn Trạm, xã Duyên Hải (Hưng Hà) thực hiện nghiêm các quy trình kỹ thuật nên đàn lợn luôn được bảo đảm an toàn.

 

Thực tế cho thấy, gần đây chăn nuôi nhỏ lẻ dần được thu hẹp, chăn nuôi theo phương thức trang trại, tập trung quy mô lớn phát triển khá mạnh, giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế nội bộ ngành nông nghiệp. Năm 2012, toàn tỉnh có tổng đàn trâu bò là 54.213 con, đàn lợn 1.099.089 con, đàn gia cầm gần 11 triệu con; tổng giá trị sản xuất theo giá thực tế đạt 9.442,712 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển chăn nuôi hiện nay thì vẫn chưa đáp ứng được. Cụ thể, chăn nuôi gia trại, chăn nuôi nhỏ vẫn chiếm tỷ trọng khá cao, gần 80% giá trị toàn ngành. Hình chức chăn nuôi trang trại còn đan xen với chăn nuôi truyền thống, biểu hiện qua việc chưa thực hiện đầy đủ quy trình chăn nuôi an toàn ở khâu chọn giống, sử dụng thức ăn, xử lý môi trường, tính toán hiệu quả kinh tế, tiếp cận thị trường. Chính vì vậy, dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn gây nguy hại cho gia súc, gia cầm, như bệnh tai xanh, lở mồm long móng, cúm H5N1 vẫn còn xảy ra ở một số nơi.

 

Năm 2012, bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc đã xuất hiện ở 9 xã của 4 huyện Vũ Thư, Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Đông Hưng và Thành phố; số gia súc phải tiêu hủy là 719 con. Tiếp đó, dịch bệnh tai xanh đã xuất hiện tại xã Bắc Hải (Tiền Hải), số lợn bị bệnh là 81 con, trong đó phải tiêu hủy là 24 con. Trên đàn gia cầm đã xuất hiện bệnh cúm H5N1 của 5 hộ ở Kiến Xương và Tiền Hải, số gia cầm phải tiêu hủy là 4.161 con. Đồng thời việc quản lý chất thải và bảo vệ môi trường chăn nuôi hiện đang báo động ở nhiều địa phương, nguyên nhân do chưa có hệ thống xử lý, các hộ xả trực tiếp chất thải ra môi trường, khu chăn nuôi nằm xen kẽ với dân cư. Hiện toàn tỉnh mới có khoảng 10.000 công trình Biogas để xử lý chất thải, trong khi đó có tới 200.000 hộ chăn nuôi lợn, 3.500 hộ nuôi gia cầm. Cùng với chăn nuôi, việc quản lý, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm cũng chưa chặt chẽ, giết mổ nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao. Hiện nay, toàn tỉnh mới có 6 cơ sở giết mổ do các doanh nghiệp đầu tư, sản phẩm chủ yếu là xuất khẩu, tiêu thụ ở thị trường nội địa rất ít, do đó người dân chưa được sử dụng sản phẩm đã qua kiểm soát của các ngành chức năng. Trong khi đó có tới 1.730 hộ giết mổ, những hộ này cơ bản chưa được kiểm dịch nên khi cung ứng sản phẩm cho người dân còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn thực phẩm (ATTP). Bên cạnh đó, hạ tầng chợ thực phẩm nông thôn trang thiết bị không đáp ứng được vệ sinh ATTP, chủ yếu sử dụng phản gỗ, tre và không được lau rửa hàng ngày để bán hàng, do đó nguy cơ nhiễm bẩn thực phẩm là rất cao…

 

Trước thực trạng chăn nuôi, giết mổ và hoạt động của các chợ thực phẩm hiện nay, tỉnh đã có những động thái tích cực định hướng cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững, đáp ứng được thị trường nội địa và xuất khẩu. Cụ thể, năm 2011 UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ vắc xin 4 bệnh đỏ cho đàn lợn, lở mồm long móng cho đàn lợn nái, đực giống, trâu bò; hóa chất khử trùng khi có dịch bệnh xảy ra; có quyết định về cơ chế quản lý, thực hiện quy hoạch khu chăn nuôi tập trung và cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn giai đoạn 2012 - 2015… Đặc biệt, hiện nay Dự án “Cạnh tranh chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP)” tỉnh đang triển khai thực hiện sẽ đóng góp tích cực vào các mục tiêu của UBND tỉnh đã đề ra.  Năm 2012, Ban quản lý dự án LIFSAP tỉnh đã lựa chọn và thành lập 4 vùng chăn nuôi an toàn (GAHP), trong các vùng này chia ra làm 37 nhóm với 708 hộ tham gia. Các nhóm GAHP được tập huấn và xây dựng mô hình trình diễn, với 10 chuyên đề về thực hành chăn nuôi tốt. Đồng thời hoàn thành gói thầu mua sắm nâng cấp hệ thống cảnh báo trang thiết bị cho 5 xã GAHP, 3 trạm thú y các thiết bị máy tính, máy FAX đa chức năng…; mở 1 khóa đào tạo cho cán bộ thú y cấp xã, huyện và 4 khóa về thú y cho các hộ tham gia GAHP… Cùng với đó, 4 vùng GAHP đã có 175 hộ được hỗ trợ lắp đặt công trình Biogas để xử lý chất thải và tạo ra chất đốt.

 

Đối với nâng cấp cơ sở giết mổ, Ban quản lý dự án LIFSAP đã thực hiện khảo sát thiết kế 1 lò mổ tại An Ninh (Quỳnh Phụ), với công suất 100 - 150 con/ ngày. Tại các huyện tham gia GAHP đã có 7 chợ thực phẩm  được nâng cấp và bàn giao cho các xã đưa vào sử dụng. Các chợ được hỗ trợ xây dựng nhà bán thực phẩm tươi sống và các công trình phụ trợ như nhà rửa dụng cụ, hệ thống xử lý chất thải, trang thiết bị bảo đảm an toàn lao động vệ sinh môi trường… Thông qua việc nâng cấp chợ và tập huấn cho các tiểu thương về ATTP, hiện các hộ buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm  đã thay đổi thói quen cũ, thực hiện nghiêm các quy định đề ra; bước đầu thực phẩm đã được kiểm tra, kiểm soát thông qua ban quản lý chợ, cán bộ thú y, y tế, dần hình thành được thương hiệu chợ thực phẩm an toàn.

 

Theo mục tiêu phấn đấu của tỉnh, đến năm 2020 sản phẩm gia súc, gia cầm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng của nhân dân cơ bản là thịt sạch, bảo đảm vệ sinh thú y, ATTP. Theo đó, từng bước thực hiện chăn nuôi an toàn theo chuỗi khép kín, từ sản xuất đến giết mổ và cung cấp sản phẩm sạch đến người tiêu dùng; quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, tách các hộ chăn nuôi ra khỏi khu dân cư để giải quyết đồng bộ về sản xuất hàng hóa tập trung, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thực hiện kiểm soát dịch bệnh; xây dựng các mô hình giết mổ an toàn để nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh…

Bài, ảnh: Nguyên Bình

 

 

  • Từ khóa