Thứ 4, 07/08/2024, 12:21[GMT+7]

Cây ruối "Thiên mộc sơn -36 phố phường Hà nội"

Thứ 2, 30/08/2010 | 16:03:00
3,195 lượt xem
Tại cuộc triển lãm sinh vật cảnh Đồng bằng sông Hồng chào mừng 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và mừng xuân Canh Dần. Trưng bày tại thành phố Thái Bình đầu năm 2010 Ban Chấp hành HSVC Thái Bình đã quyết định chọn cây ruối “Thiên Mộc Sơn” và cây Sung + Long Giáng hồi đầu của ông Nguyễn Văn Giáp xóm 5 xã Vũ Trung, Kiến Xương đi dự triển lãm SVC 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Cây cảnh vườn Bách Thuận Vũ Thư Thái Bình

Một điều trùng hợp ngẫu nhiên thú vị đó là cây ruối có 36 bông tay tương ứng với “36 phố phường Hà Nội”. Khách tham quan của các tỉnh bạn như Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định đều khen ngợi đây là một kỳ công có một không hai về lòng kiên trì theo đuổi ý tưởng tạo dáng 36 bông tay của chủ nhân cây ruối. Và cũng từ sau cuộc triển lãm này cây ruối lại mang tên “Cây ruối Thiên Mộc Sơn - 36 phố phường Hà Nội”.

Ông Nguyễn Văn Giáp cho biết: Cây ruối được khai thác từ Cấm Sơn - Hà Bắc đầu năm 1990, có chiều cao 1m, chiều rộng 1, 2m. Sau hơn 2 năm phục sức, tạo dựng bộ rễ cây ruối mới bắt đầu phát lộc và phải mất 10 năm liên tục kiên trì theo đuổi cắt tỉa bông tay, chăm sóc tạo dáng để có được 36 bông tay hình cầu tán nhỏ, chiếc to nhất có đường kính 22cm, chiếc nhỏ nhất có đường kính 12cm.

Năm 2002, công trình được hoàn thành, một cụ hội viên người cao tuổi hàng xóm sang chơi nói vui: Tôi trông cây ruối của anh như một chiếc rổ úp bát.  Quả thực nó gần giống như vậy vì gốc cây ruối rộng 1, 2m được trồng trong chiếc ang có chiều rộng 1,4m, trông xa như một cái rổ còn 36 bông tay được cắt tỉa tỉ mỉ, công phu như 36 chiếc bát cái to, cái nhỏ, chiếc cao chiếc thấp phủ gần kín gốc cây ruối.

Năm 1994, ông Nguyễn Văn Giáp, một nông dân làm ruộng lại bắt đầu một nghề mới  làm kinh tế sinh vật cảnh. Ông mạnh dạn phá bỏ 3, 5 sào vườn tạp trồng nhiều thứ cây của ông cha để lại, có những cây lâu năm như cây mít, cây cam, cây bưởi để lấy đất trồng cây cảnh. Năm 1998, ông mạnh dạn đầu tư 70 triệu đồng để mua cây giống các loại như si, đa, lộc vừng, tùng kim, tùng la hán... mua các loại cây có phôi lớn để tạo dáng, thế và chỉnh sửa cắt tỉa hoàn thiện với phương châm lấy ngắn nuôi dài.

Vừa học vừa làm, quan hệ giao lưu với các địa phương có phong trào sinh vật cảnh phát triển, tiên tiến như Nam Điền, Nam Trực (Nam Định); Quỳnh Phụ, Đông Hưng và các tỉnh bạn như Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Nội để nghiên cứu học tập và áp dụng các phương pháp chiết ghép tiên tiến... quan hệ trao đổi các tác phẩm có tính nghệ thuật cao để cung cấp cho thị trường các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương...

Đầu năm 2003, ông chuyển đổi san lấp 3 sào ruộng cấy lúa năng suất thấp sang làm vườn chuyên canh sinh vật cảnh nâng tổng số diện tích nhà vườn SVC là 6, 5 sào = 2340m2. Trung bình hàng năm cho thu hoạch từ 80 đến 120 triệu đồng. Số tiền thu được từ SVC hàng năm ngoài việc chi tiêu cho gia đình ông tập trung đầu tư trở lại cho nhà vườn như quay vòng, chuyển đổi và nâng cao giá trị nghệ thuật, chất lượng cho nhà vườn.

Sinh vật cảnh là một mô hình kinh tế phát triển tốt, lãi suất cao, thu hồi vốn nhanh và ít rủi ro. Trong nhiều năm qua nhà vườn SVC của ông Nguyễn Văn Giáp là một nhà vườn có thu nhập ổn định thường xuyên, có nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ và kinh tế cao như cây sung, cây ruối, có nhiều cây si, cây lộc vừng, tùng la hán bán với giá từ 20 đến 75 triệu đồng.

Theo tính toán của các giới kinh doanh các nhà vườn và các nghệ nhân sinh vật cảnh thì nhà vườn của ông Nguyễn Văn Giáp, giá gần 2 tỷ đồng trong đó có cây ruối “Thiên Mộc Sơn” được các nghệ nhân tỉnh bạn đặt giá trên dưới một tỷ đồng. Nhưng điều đáng nói ở đây là: Ông Nguyễn Văn Giáp từ một người nông dân sản xuất nông nghiệp thuần túy ở một vùng quê nghèo đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhạy bén sáng tạo, khắc phục khó khăn, dám nghĩ, dám làm mạnh dạn đầu tư, vươn lên làm giàu chính đáng.

 Minh Giám

  • Từ khóa