Thứ 5, 22/05/2025, 07:49[GMT+7]

Định hướng phát triển các khu công nghiệp

Thứ 3, 12/03/2013 | 07:44:59
920 lượt xem
Để từng bước phá thế thuần nông, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, thời gian qua tỉnh ta đã đầu tư xây dựng một số khu công nghiệp (KCN) tập trung bảo đảm sẵn sàng về mặt bằng phục vụ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Khu Công nghiệp Gia Lễ. Ảnh: Thành Tâm

Đó là chủ trương và giải pháp hoàn toàn đúng đắn nhằm tạo bước đột phá về tăng trưởng và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Song cũng cần có những điều chỉnh kịp thời để các KCN phát huy hết vai trò góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững trong tương lai.

KCN đầu tiên hình thành trên địa bàn tỉnh ta vào năm 2002. Thời kỳ đầu, công tác quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức nên chỉ số ít khu- cụm CN có quyết định thành lập, số còn lại phần lớn hình thành tự phát. Giai đoạn 2005 trở lại đây, làn sóng đầu tư vào tỉnh ngày càng tăng mạnh cả về quy mô và số lượng. Để đáp ứng nhu cầu mặt bằng, kêu gọi các nhà đầu tư, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, gồm 18 KCN tập trung với tổng diện tích đất là 4.659 ha. Tuy nhiên, sau đó theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc hạn chế sử dụng đất lúa để phát triển công nghiệp nhằm bảo đảm an ninh lương thực, UBND tỉnh đã điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn đến năm 2020. Theo quy hoạch mới này, số lượng các KCN giảm còn 15 điểm với tổng diện tích giảm còn 3.172 ha.

Tính đến hết năm 2012, trên địa bàn toàn tỉnh có 6 KCN được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích đất gần 1.000ha. Trong đó có 4 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào danh mục các KCN của Việt Nam để mời gọi đầu tư gồm: KCN Phúc Khánh (178,4ha), Nguyễn Đức Cảnh (102ha), Sông Trà (150ha) và Gia Lễ (84,7ha). Ngay sau khi hoàn thiện quy hoạch, UBND tỉnh đã huy động nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư xây dựng hạ tầng KCN. Chỉ riêng vốn ngân sách tỉnh và Trung ương hỗ trợ đã lên tới 270 tỷ đồng đầu tư cho 4 KCN.

Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN và các doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư xây dựng hạ tầng 1.822 tỷ đồng, trong đó số vốn thực hiện đạt gần 768 tỷ đồng. Điển hình như KCN Phúc Khánh đã đầu tư trên 215 tỷ đồng xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong đó vốn ngân sách chiếm 70 tỷ đồng, còn lại là vốn doanh nghiệp. Hiện tại, các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút 132 dự án với tổng số vốn theo đăng ký là 11.550 tỷ đồng. Trong đó có 31 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), số vốn bình quân đạt 164 tỷ đồng/ dự án. Tính chung cả khu vực đầu tư trong nước và nước ngoài có 7 dự án quy mô từ 300 tỷ đồng trở lên, 27 dự án có quy mô từ 100- 300 tỷ đồng, còn lại là dự án có vốn đầu tư dưới 100 tỷ đồng.

Năm 2012, mặc dù điều kiện SX - KD có nhiều khó khăn song tổng giá trị sản xuất (GTSX) của các doanh nghiệp tại KCN vẫn đạt 4.326 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2011 (tốc độ tăng trưởng chung của ngành công nghiệp chỉ đạt 8,24%), chiếm 34% tổng GTSX công nghiệp chung toàn tỉnh. Nộp ngân sách Nhà nước gần 410 tỷ đồng. Tạo việc làm cho khoảng 46.000 lao động với mức lương bình quân 2,4 triệu đồng/ người/ tháng…

Những kết quả đạt được là không thể phủ nhận. Tuy nhiên quá trình phát triển các KCN ở tỉnh ta thời gian qua cũng bộc lộ không ít bất cập như: Phần lớn diện tích quy hoạch nằm trên đất lúa, một số KCN nằm giữa đô thị, gần khu dân cư; tình trạng ô nhiễm môi trường trong và gần các KCN khá nghiêm trọng; tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật còn chậm; việc quy hoạch bố trí các ngành nghề trong KCN chưa hợp lý và khoa học. Ngoài ra, việc đền bù giải phóng mặt bằng tại các KCN còn phức tạp; một số doanh nghiệp vẫn để đất trống, sử dụng đất không đúng mục đích; việc tổ chức đào tạo và cung ứng lao động cho các KCN còn nhiều hạn chế dẫn tới thiếu lao động kỹ thuật và tình trạng cạnh tranh lao động không lành mạnh giữa các doanh nghiệp…

Để khắc phục những hạn chế nói trên, đồng thời phấn đấu hoàn thành mục tiêu đưa tổng GTSX công nghiệp trong các khu - cụm CN toàn tỉnh năm 2015 đạt 11.500 tỷ đồng, chiếm 58% tổng GTSX công nghiệp chung của cả tỉnh, tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2011- 2015 đạt 20,5%/năm. Giải quyết việc làm cho khoảng 80.000 lao động. Theo đó, tới đây tỉnh chủ trương phát triển các KCN hướng ra phía biển, trên các vùng đất canh tác kém hiệu quả, hạn chế tối đa việc sử dụng đất nội đồng để quy hoạch các khu - cụm CN. Triển khai quy hoạch chi tiết các KCN ven biển thuộc 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải nhằm tận dụng nguồn khí mỏ từ thềm lục địa Vịnh Bắc Bộ để phát triển các ngành công nghiệp nặng. Bên cạnh đó sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực theo hướng xã hội hoá để tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các KCN còn lại gồm Gia Lễ, Cầu Nghìn, Tiền Hải và Sông Trà theo đúng quy hoạch được phê duyệt. Đồng thời bố trí vốn đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng ngoài KCN, nhất là hệ thống giao thông nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc nhập nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác thẩm định dự án và kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động đầu tư, ưu tiên lựa chọn các dự án thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và có giá trị gia tăng cao. Chú trọng việc hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư theo chiều sâu, hàng năm dành khoảng 30 - 40% kinh phí phát triển khoa học - công nghệ của tỉnh để hỗ trợ đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng sẽ dành khoản ngân sách kết hợp huy động các nguồn lực khác để hỗ trợ đào tạo nguồn lao động tại chỗ, xây dựng các công trình xử lý chất thải. Đồng thời tiếp tục đổi mới toàn diện công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là về thủ tục hành chính, cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư nhằm tạo thuận lợi và mời gọi ngày càng nhiều doanh nghiệp đến với Thái Bình

Vũ Mạnh

  • Từ khóa