Thứ 4, 21/05/2025, 07:30[GMT+7]

Bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp Vẫn còn buông lỏng

Thứ 4, 13/03/2013 | 08:54:29
763 lượt xem
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 3.000 doanh nghiệp hoạt động, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục vạn lao động và đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, cùng với đó thì tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng báo động. Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường cũng tinh vi hơn. Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý còn hạn chế nên vi phạm nhiều, phạt chẳng được bao nhiêu.

Rác thải rắn tại Khu công nghiệp Tiền Hải vẫn chưa được xử lý

Nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường (BVMT) của các dự án đầu tư đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết BVMT trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh, đồng thời nắm tình hình khó khăn, vướng mắc của đơn vị khi thực hiện các quy định pháp luật về môi trường để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, cuối năm 2012, đoàn kiểm tra liên ngành, gồm Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Công an môi trường, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội… đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư, đất đai, môi trường, lao động… tại 10 doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp: Nguyễn Đức Cảnh, Phúc Khánh và Tiền Hải. Qua kiểm tra, phát hiện hầu hết các doanh nghiệp đã vi phạm về lĩnh vực môi trường. 9/10 doanh nghiệp gồm các công ty: Trường Xuân, Dệt nhuộm Xuất khẩu Thăng Long, Đông Phong, Bitexco Nam Long, 27/7, Công nghệ gốm sứ OHIO, Sứ Đông Lâm, Phú Hà Thái, Tập đoàn Đại Cường có hồ sơ thủ tục hành chính về môi trường nhưng không đầy đủ thuyết minh báo cáo phương án BVMT; còn Công ty MTV May Đức Việt chưa trình được thủ tục hành chính về môi trường. Các doanh nghiệp đều không thực hiện quan trắc môi trường định kỳ, không nộp báo cáo công tác BVMT về Sở TN&MT. 2 doanh nghiệp (Đông Phong, Tập đoàn Đại Cường) tăng công suất lớn hơn so với đăng ký đầu tư nhưng không báo cáo với cơ quan có thẩm quyền và chưa bổ sung thủ tục hành chính về môi trường khi tăng công suất. Qua kiểm tra 7 doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh và Phúc Khánh về việc đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom nước thải tập trung thì vẫn còn 2 doanh nghiệp: Dệt nhuộm Xuất khẩu Thăng Long, Tập đoàn Đại Cường chưa thực hiện đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom. Các công ty này đều đưa ra lý do không có nước thải sản xuất mà chỉ có nước thải sinh hoạt.

Hàng năm, ngoài việc triển khai đoàn kiểm tra liên ngành, Thanh tra Sở TN&MT thường xuyên tổ chức thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về công tác BVMT tại các doanh nghiệp, song vẫn chỉ như “muối bỏ bể”. Trên thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp vi phạm về BVMT chưa được xử lý kịp thời, triệt để gây bức xúc trong dư luận. Tiêu biểu như vụ việc xả nước thải chưa qua xử lý của 12 cơ sở hoạt động nấu, giặt, tẩy nhuộm ở xã Thái Phương (Hưng Hà). Tình trạng ô nhiễm môi trường tại Công ty TNHH Chế biến thủy sản Thụy Hải (Thái Thụy); sản xuất hầm khí sinh học bằng vật liệu composite tại huyện Đông Hưng gây ô nhiễm môi trường, hay tình trạng sử dụng bụi, xỉ than làm vật liệu san lấp mặt bằng của Công ty TNHH Thép đặc biệt Shengly Việt Nam (Quỳnh Phụ). Không những thế, các chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất đã không được công ty thu gom, xử lý triệt để; khu lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật quy định…

Bên cạnh đó, việc xử lý rác thải cũng bộc lộ nhiều bất cập. Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng về BVMT tại các khu công nghiệp còn chậm; một số khu, cụm công nghiệp đã lấp đầy diện tích nhưng vẫn không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hiện tại mới chỉ có 2 khu công nghiệp (Nguyễn Đức Cảnh, Phúc Khánh) trên tổng số 25 khu công nghiệp, cụm công nghiệp xây dựng được hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ngoài ra, một số doanh nghiệp quy mô lớn đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, còn lại, hầu hết các doanh nghiệp đều xả nước thải chưa qua xử lý ra các sông, ao hồ, gây khó khăn cho việc kiểm soát chất lượng nước thải. Tại nhiều nơi, tình trạng ô nhiễm nguồn nước khá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống, gây bức xúc trong nhân dân. Hầu hết các làng nghề chưa có đất để xây dựng khu xử lý nước thải tập trung. Cùng với đó, lượng chất thải rắn phát sinh trong sản xuất công nghiệp rất lớn, khoảng 43.000 tấn/năm, trong đó chất thải rắn nguy hại chiếm 20%.

Tuy nhiên, việc thu gom, phân loại, xử lý chưa được quan tâm đầu tư. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vẫn chưa bố trí quỹ đất để tập kết chất thải rắn công nghiệp. Đến nay, chỉ có 1 khu chôn lấp chất thải rắn công nghiệp tại Khu công nghiệp Tiền Hải nhưng lượng chất thải được đưa đến đây còn rất ít, nhiều doanh nghiệp vẫn “tiện đâu đổ đấy”. Hơn nữa, việc thu gom rác thải rắn tại bãi rác thải tập trung cũng chỉ mới là chỗ chứa rác của các doanh nghiệp. Theo quy định, rác thải rắn sau khi đưa vào bãi rác sẽ được phân loại, xử lý theo đúng quy trình nhưng việc này vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Để nâng cao hiệu quả công tác BVMT của các doanh nghiệp, trong thời gian tới, Sở TN&MT cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về BVMT đối với những doanh nghiệp không chấp hành quy định của Luật BVMT. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm BVMT cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước về BVMT như: Ban quản lý các KCN, lực lượng Cảnh sát môi trường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động hoặc buộc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

                        Bài, ảnh: Minh Nguyệt

  • Từ khóa