Thứ 5, 25/07/2024, 08:27[GMT+7]

Theo dõi thời tiết bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân

Thứ 2, 18/03/2013 | 09:08:08
769 lượt xem
Để chủ động phòng tránh hiệu quả phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: sự cảnh báo tương đối chính xác của cơ quan khí tượng thủy văn; việc chuyển tải kịp thời các thông tin đến người dân và các cấp chính quyền; ý thức trách nhiệm tham gia của người dân.

Thiệt hại do cơn bão Sơn Tinh gây ra tại Thái Bình

Trong những năm qua, thiệt hại về người và tài sản do bão lũ gây ra là rất lớn trên toàn thế giới cũng như ở nước ta. Khác với động đất và sóng thần diễn ra quá nhanh chỉ trong vòng 2 - 3 giờ và gần  như không kịp phòng tránh, bão lũ diễn ra chậm hơn và biết trước. Song, để chủ động phòng tránh hiệu quả phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: sự cảnh báo tương đối chính xác của cơ quan khí tượng thủy văn; việc chuyển tải kịp thời các thông tin đến người dân và các cấp chính quyền; ý thức trách nhiệm tham gia của người dân.

Kinh tế càng phát triển thì thiệt hại do bão lũ gây ra về người và tài sản càng lớn. Hiện nay, khoa học và nền kinh tế phát triển đã tạo điều kiện phổ cập các phương tiện nghe nhìn thiết yếu nhất đến hầu khắp các vùng trong cả nước. Các bản tin dự báo thời tiết nói chung và dự báo về tình hình bão, lũ nói riêng đã phát nhiều lần trong ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo mức độ nguy hiểm có thể chia các bản tin dự báo đó làm hai loại: bản tin bình thường và bản tin dự báo thời tiết thủy văn nguy hiểm. Bản tin bình thường dự báo nhiệt độ, mưa, nắng, độ ẩm, gió cho một hoặc nhiều ngày sau đó không có các trị số cực đoan, gây hại cho đời sống và tài sản. Loại bản tin này  nếu quên không theo dõi thì có thể gặp khó khăn cho sinh hoạt và công việc hàng ngày chứ không nguy hiểm đến tính mạng. Loại bản tin nguy hiểm trong đó dự báo những yếu tố thời tiết thủy văn nguy hiểm đến tính mạng con người và tài sản như gió từ cấp 6 trở lên, mưa lớn, lũ từ báo động số 2 trở lên. Khi có loại bản tin dự báo này, người dân và những cơ quan có trách nhiệm cần phải liên tục theo dõi từ bản tin đầu tiên đến bản tin cuối cùng. Một cơn bão thường tồn tại trên biển Đông từ 2 đến 7 ngày, khi bão vào gần bờ, cơ quan khí tượng phát 8 bản tin một ngày. Nếu chỉ có một bản tin để dự báo cho cả cơn bão thì thật sai lầm, vì sau đó bão có thể mạnh lên, di chuyển với tốc độ khác hoặc đổi hướng.

Thiên tai ở nước ta chủ yếu do bão, lũ gây ra. Thái Bình không có đồi núi nên không có sạt lở đất và lũ quét. Do đê điều được củng cố hàng năm nên từ năm 1972 đến nay chưa xảy ra vỡ đê chính. Từ khi các hồ thủy điện đưa vào vận hành, đỉnh lũ  được giảm, thời gian lũ được điều tiết. Tuy nhiên nếu hình thế gây mưa bất lợi và bão lũ cùng xuất hiện hoặc các hồ đầy nước phải giữ an toàn cho các đập sông Đà, Sơn La  thì khả năng vỡ đê chính vẫn có thể xảy ra. Bão ảnh hưởng đến nước ta có thể di chuyển từ hướng tây bắc Thái Bình Dương vào, hình thành trên biển Đông hoặc ngay trên vịnh Bắc Bộ. Tác động của biến đổi khí hậu đến bão là rất rõ. Trước đây, bão hình thành từ tháng 5 đến tháng 10, theo thời gian dịch dần từ Bắc vào Nam.

Khoảng  chục năm lại đây, bão xuất hiện vào hầu hết các tháng trong năm, hướng di chuyển cũng không theo mùa như trước. Quy luật chung là đầu mùa bão đi vào Bắc Bộ, sau đó đi vào Trung Bộ, cuối mùa ảnh hưởng đến Nam Bộ. Thực tế những năm gần đây cho thấy đầu mùa bão mạnh đã đi vào Nam Bộ, giữa và cuối mùa bão mạnh đi vào Bắc Bộ, thậm chí di chuyển lên tận Hàn Quốc, Nhật Bản mới tan. Quy định về mùa bão không còn phù hợp và đã điều chỉnh.

Nhiệm vụ phòng tránh bão, lũ được Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể trong quyết định số 17 ngày 14/3/2011. Việc theo dõi bão lũ và đưa ra các bản tin dự báo được phân thành ba cấp.Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương chịu trách nhiệm phát tin trên phạm vi toàn quốc, trên cơ sở đó các Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh ra các bản tin cho tỉnh mình. Các Đài Khí tượng thủy văn khu vực chịu trách nhiệm trong khu vực. Trên cơ sở các bản tin dự báo đó, Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo việc phòng tránh bão lũ cho địa phương mình, các ngành tuỳ theo chức năng có trách nhiệm cùng  phối hợp trong công tác này.

Tuy nhiên, việc ra bản tin dự báo mới là khâu đầu tiên trong công tác phòng tránh bão, lũ. Người dân và các cấp chính quyền phải tiếp nhận được các bản tin ấy qua hệ thống truyền thông. Để phòng tránh bão, lũ tốt thì phải có các bản tin dự báo kịp thời, đủ độ tin cậy, dễ hiểu, chính quyền các cấp phải chủ động và nhanh chóng tiếp nhận thông tin trên cơ sở đó tập trung chỉ đạo sát sao, người dân ủng hộ các chỉ đạo ấy bằng việc tích cực triển khai thực hiện các phương án phòng tránh.

Dự báo bão là việc rất khó. Trình độ khoa học hiện nay trên thế giới mới cho phép dự báo đủ độ tin cậy trước 24 giờ. Với những cơn bão di chuyển không quá phức tạp thì thời gian dự báo chính xác có thể dài hơn, với những cơn bão di chuyển quá phức tạp thì chỉ có thể dự báo tin cậy trước 12 giờ. Các bản tin dự báo trước 48, 72 giờ mang ý nghĩa tham khảo. Trong việc phòng tránh bão, dư luận thường hay chú ý  vị  trí  đổ  bộ  của  tâm bão. Việc đó là đúng nhưng chưa đủ. Bão là một khối mây khổng lồ cách mặt đất vài chục mét lên cao 5 - 10 km vừa xoay quanh một tâm vừa di chuyển. Tâm bão có bản kính khoảng 30 - 50 km, với những cơn bão mạnh cấp 11, cấp 12 trở lên (chưa kể gió giật) thì vùng gió mạnh cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 200 km, vùng gió mạnh cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 300 km xung quanh tâm bão. Đối với những cơn bão như vậy khi đi vào đồng bằng Bắc Bộ thì các tỉnh từ Nam Định đến Hải Phòng nằm trọn trong vùng gió mạnh nguy hiểm. Cơn bão số 8 năm 2012 (bão Sơn tinh) là một ví dụ. Thấy được phạm vi gió mạnh của một cơn bão để không chủ quan trong công tác phòng tránh.

Từ khoảng gần hai chục năm lại đây công tác phòng tránh bão đi vào nền nếp và có kinh nghiệm. Ngư dân trên biển được quản lý chặt chẽ, chấp hành tốt chỉ huy của lực lượng Biên phòng và Ban tìm kiếm cứu nạn, có thiết bị theo dõi tin bão nên không có ngư dân chết trên biển Đông do bão. Đó là cố gắng rất lớn của Nhà nước. Trên đất liền thiệt hại về người cũng giảm rất nhiều. Chỉ tính ở Thái Bình, bão năm 1986 có 117 người chết, bão số 2 năm 1996 có 17 người chết, năm  2012 chỉ có 3 người chết.

Để không còn người thiệt mạng do bão, thiệt hại về tài sản giảm xuống mức thấp nhất thì việc chủ động tìm hiểu về bão, cách phòng tránh, thường xuyên theo dõi thời tiết nói chung và các cơn bão nói riêng là rất quan trọng. Chính vì thế, chủ đề Ngày Khí tượng thế giới năm 2013 là “Theo dõi thời tiết bảo vệ tính mạng và tài sản người dân”.

Trần Văn Nghênh

(Giám đốc TT Khí tượng thủy văn tỉnh)

  • Từ khóa