Thứ 5, 01/08/2024, 23:25[GMT+7]

Những điều kiện dẫn đến bất bình đẳng giới trong xã hội

Thứ 2, 01/04/2013 | 09:35:15
3,953 lượt xem
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của phụ nữ trong công cuộc dựng nước và giữ nước, ngay sau khi giành được độc lập năm 1945, Ðảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm và đặt nền móng cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội được cải thiện. Sự bình đẳng nam, nữ đã được Hiến pháp khẳng định và được thể hiện ở nhiều chủ trương, chính sách và luật pháp của Ðảng và Nhà nước.

Những năm gần đây, nhờ có những chính sách tiến bộ trong công cuộc đổi mới đất nước, phụ nữ Việt Nam đã có những  điều kiện thuận hơn để vươn lên, họ đã có mặt trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… Ðịa vị của phụ nữ Việt Namon> ngày càng được khẳng định và đề cao bởi những đóng góp to lớn của họ cho những thành tựu chung của cả nước. Tuy nhiên, do những điều kiện cả khách quan và chủ quan mà người phụ nữ Việt Namon> vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi do bất bình đẳng giới đem lại.

Về điều kiện khách quan:

Một là: Trong điều kiện kinh tế còn nghèo nàn, kém phát triển, gánh nặng bất bình đẳng nam nữ sẽ tăng lên gấp bội. Ðặc biệt, đối với những nước chậm phát triển như nước ta hiện nay, gánh nặng đói nghèo chồng chất lên đôi vai người phụ nữ, họ vừa phải làm những công việc ngoài xã hội để có thu nhập trang trải cuộc sống, vừa phải làm những công việc nội trợ trong gia đình mà rất ít có sự chia sẻ của nam giới. Cũng do điều kiện kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu nên nhiều trẻ em gái và phụ nữ lớn tuổi vẫn phải tham gia lao động, nhất là ở nông thôn, họ không có điều kiện được chăm sóc, nghỉ ngơi. Một thực tế nữa đang diễn ra, đó là, do quá trình mở rộng phát triển các khu công nghiệp và do đô thị hóa mà tình trạng ruộng đất ngày càng một co hẹp, dẫn tới không có đất sản xuất, hoặc thiếu đất để sản xuất và hệ quả tiếp theo của nó dẫn đến thiếu việc làm, thu nhập khiến cho phụ nữ ở nông thôn phải rời quê hương ra thành phố để kiếm sống. Thêm vào đó, do sản xuất nông nghiệp có tính thời vụ, thời gian nông nhàn quá dài, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp lại thấp nên càng thúc đẩy người lao động nông thôn (đặc biệt là lao động nữ) đi tìm kiếm việc làm ở các thành phố. Ðể có thể kiếm sống, kiếm tiền, nhiều chị em cần phải có những điều kiện lao động nhất định, nhưng để đạt được điều đó họ lại đang vi phạm vào những điều cấm của xã hội như bán hàng rong, thậm chí đẻ thuê. Như vậy, chính do điều kiện kinh tế thấp kém, nghèo nàn khiến cho phụ nữ không có điều kiện để vươn lên bình đẳng với nam giới.

Hai là: Sự bất bình đẳng nam nữ trong xã hội hiện nay còn do yếu tố lịch sử để lại. Ðó là tư tưởng “trọng nam khinh nữ” - tàn dư của chế độ phong kiến.

 Ba là: Ðịnh kiến giới còn khá phổ biến trong xã hội. Ðó là quan niệm coi thường phụ nữ của phái nam và những định kiến về phía xã hội. Nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Phụ nữ luôn phải chịu sự khắt khe trong đánh giá của các đồng nghiệp nam. Quan niệm xã hội, thường cho rằng, phụ nữ sinh ra là để làm các công việc gia đình nên họ không thể làm được những công việc phức tạp, yêu cầu độ tư duy cao, đòi hỏi sức bền bỉ tổng hợp cả về thể chất và tư duy, do đó tham gia vào lĩnh vực khoa học không phù hợp với nữ. Những định kiến giới đó, hiện nay còn diễn ra khá phổ biến ở nước ta. Chính vì vậy so với nam giới, phụ nữ thường ít được quan tâm đào tạo hơn và còn tồn tại nhiều quan niệm không đúng về giá trị nhân công nữ. Lao động nữ thường bị đánh giá là yếu, năng suất không bằng lao động nam, thường chỉ làm được các công việc giản đơn… Một số cơ quan, đơn vị khi tuyển dụng lao động còn ghi từ ưu tiên chọn nam giới.

Ngoài những điều kiện trên, gánh nặng công việc gia đình cũng là một rào cản khiến cho phụ nữ không có điều kiện vươn lên bình đẳng với nam giới. Ðó là sự khó khăn của phụ nữ khi phải thực hiện chức năng kép, là sự kết hợp giữa vai trò làm mẹ, làm vợ và những yêu cầu, đòi hỏi của công việc xã hội. Với việc thực hiện đồng thời hai chức năng này, thì phụ nữ khó có thể có điều kiện phấn đấu cho sự nghiệp của mình. Thêm vào đó, ngày nay lại có xu hướng kéo dài thời gian con cái phụ thuộc vào cha mẹ và từ trách nhiệm người mẹ chuyển sang trách nhiệm người bà. Như vậy, do gánh nặng công việc nội trợ gia đình đè nặng lên đôi vai người phụ nữ, khiến cho họ dù tâm huyết với sự nghiệp, thì cũng chỉ có thể bắt đầu sự nghiệp của mình khi họ đã cơ bản  hoàn thành trách nhiệm làm vợ, làm mẹ và đó là lúc con cái đủ lớn để tự lập được, còn với nam giới, họ có thể rảnh tay để bắt đầu sự nghiệp của mình ngay từ những ngày đầu sau khi tốt nghiệp đại học. Từ đó, ảnh hưởng đến vị thế người phụ nữ trong gia đình và năng suất, việc làm của họ ngoài xã hội, dẫn đến khoảng cách giữa nam và nữ ngày càng doãng rộng ra, sự bất bình đẳng giới từ đó càng sâu thêm.

Về điều kiện chủ quan:

* Bản thân phụ nữ:  

- Một thực tế đáng buồn là bản thân người phụ nữ không nhận thức được đầy đủ các quyền của mình, bởi vậy khi bị đối xử bất công trong gia đình và có vi phạm xảy ra họ đành cam chịu hoặc là không biết phải khiếu nại, tố cáo ở đâu và không biết phải tự bảo vệ mình như thế nào.

- Do trình độ học vấn của phụ nữ thấp hơn nam giới, nên người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc chạy đua tìm việc làm trên thị trường lao động, khi nhiều ngành nghề mới phát triển lại đòi hỏi người có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao và năng lực quản lý nhạy bén. Do lịch sử để lại, trình độ kiến thức của phụ nữ nói chung đã thấp hơn nam giới (đến nay tình trạng nhiều trẻ em bỏ học thì tỷ lệ em gái bao giờ cũng cao hơn em trai). Ðó là điểm yếu khiến nhiều chị em khó đảm nhiệm được những công việc chuyên môn, khoa học kỹ thuật cao và cũng là nguyên nhân cơ bản hạn chế việc phát huy tài năng sáng tạo, làm cho họ chịu nhiều thiệt thòi trong hưởng thụ vật chất và tinh thần.

* Vấn đề tâm lý. Ðó là tâm lý ngại phải va chạm, ngại đương đầu với những khó khăn, ngại những ý kiến phản đối, ngại những mâu thuẫn nội bộ tất yếu phải xảy ra trong quá trình làm việc, cộng với những thiên kiến xã hội còn tồn tại (đã tìm hiểu ở trên) đã cản trở việc đưa phụ nữ giữ các chức vụ lãnh đạo quản lý và mất cơ hội trong tìm kiếm việc làm. Quan điểm đưa phụ nữ trở lại gia đình, chỉ làm công việc chăm sóc con cái, nội trợ bếp núc… cũng được một số người nêu lên và có những ý kiến ủng hộ. Thậm chí nhiều chị em phụ nữ cũng chấp nhận, không phản đối đấu tranh. Ðó là tâm lý tự ti, rụt rè, không tin vào bản thân mình. Khi cơ chế thị trường phát triển, thông tin liên lạc được mở rộng trong cả nước và giữa các nước, phụ nữ lại thường là lớp người chậm nắm bắt được các thông tin cần thiết cho công việc của mình. Bởi vì, họ rất ít có thì giờ và điều kiện mở rộng các quan hệ giao lưu với xã hội để nắm bắt thông tin mới, đồng thời họ lại rất ít đọc sách báo, nghe đài, ti vi để bổ sung vào việc giao lưu bạn bè ít ỏi. Như vậy, rõ ràng là so với người phụ nữ, người vợ thì nam giới, người chồng có ưu thế và điều kiện hơn trong việc nắm bắt các thông tin của thị trường vì sự giao lưu, các quan hệ xã hội của họ rộng rãi. Rõ ràng đây là khuyết điểm chủ quan của chính bản thân phụ nữ. Nhiều phụ nữ còn an phận, không muốn tham gia vào các chức vụ trong chính trị và kinh tế. Chẳng hạn như không muốn làm lãnh đạo, có nhiều phụ nữ đã làm lãnh đạo, không được quan tâm thích đáng dù đã có nhiều cố gắng, nhưng khi xã hội và gia đình không đánh giá đúng, không ủng hộ, thiếu động viên thì họ lại lùi bước, rút lui vào cuộc sống gia đình. Chính vì vậy, nếu phải lựa chọn người phụ nữ sẵn sàng  từ bỏ công việc yêu thích, vị trí công tác để làm tròn trách nhiệm với gia đình, lo cho mái ấm gia đình. Công bằng mà nói, đây không phải là một khuyết điểm, nhưng nó đã cản trở sự vươn lên của phụ nữ về mặt xã hội.

* Sự hiểu biết về giới và bình đẳng giới của các cấp, các ngành và của nhân dân còn nhiều hạn chế. Nhiều nghiên cứu về Giới ở nước ta cho tới nay mới khoanh vùng ở một giới cụ thể là phụ nữ và bỏ qua một đối tác quan trọng trong quan hệ giới là nam. Một thực tế mà chúng ta thường thấy là, trong các chương trình, dự án nếu liên quan đến nữ, thì chủ yếu chỉ thấy phụ nữ tham gia. Hơn thế nữa, một thời kỳ dài, chúng ta thường quy các thế lực hàng đầu áp bức phụ nữ chỉ gồm ngoại bang (thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ), và giai cấp phong kiến. Ðến khi nước ta sạch bóng các thế lực ngoại xâm, kẻ áp bức phụ nữ lại được nhận diện là “tàn dư hệ tư tưởng phong kiến” hay tập quán “trọng nam khinh nữ”. Nhìn chung chúng ta chưa nhận diện một cách khách quan. Nói tóm lại, vấn đề giới bị lẫn lộn với vấn đề dân tộc và giai cấp và về phương diện này, nam giới vắng mặt trong các nghiên cứu về giới.

- Sự hiểu biết không đúng về Giới còn tồn tại ở rất nhiều cán bộ các cấp, các ngành. Nhiều người vẫn nghĩ rằng nói đến giới là nói đến phụ nữ, điều này không chỉ xảy ra đối với tầng lớp nhân dân, mà ngay cả đối với lãnh đạo các cơ quan (mà lãnh đạo lại thường là nam giới). Cho nên khi nhận được giấy mời có nội dung về tập huấn Giới hay hội thảo về Giới là họ thường cử thành viên là nữ giới tham dự. Ở địa phương, cơ sở khi mở lớp tập huấn về Giới cũng thường là tổ chức cho phụ nữ và do Hội Phụ nữ ở địa phương tổ chức.

* Việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mặc dù Chính sách, luật pháp của Nhà nước liên quan đến bình đẳng giới đã có nhiều, nhưng từ văn bản đến thực tế thực hiện vẫn còn một khoảng cách khá xa.

 

Thạc sĩ Trần Thị Nụ

(Trường Chính trị Thái Bình)

  • Từ khóa