Thứ 3, 30/07/2024, 23:31[GMT+7]

Thấy gì từ lao động, việc làm hiện nay?

Thứ 3, 09/04/2013 | 08:28:29
568 lượt xem
Lao động, việc làm là vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu, vừa là yếu tố của kinh tế, vừa là vấn đề xã hội. Vậy chúng ta có thể thấy gì từ lao động và việc làm qua những con số thống kê trong quý I/2013.

Ảnh minh họa

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, một số chỉ tiêu về lao động, việc làm trong quý I/2013 như sau.

 

Lực lượng lao động (bao gồm những người trong tuổi lao động có khả năng lao động và những người trên tuổi thực tế lao động) đến thời điểm 1/4/2013 đã tăng 251.800 người so với thời điểm đầu năm.

 

Trong tổng số lực lượng lao động, số người trong độ tuổi (nam từ 15-60, nữ từ 15-55) có khả năng lao động chiếm 89,1%, tăng 183.600 người so với thời điểm đầu năm. Số người trên tuổi lao động thực tế lao động khoảng 5,77 triệu người, chiếm gần 11,1% tổng số người đang làm việc và tăng 68.200 người so với cuối năm trước. Đây là tỷ lệ không nhỏ, một mặt thể hiện sự nỗ lực của các bậc cha, mẹ vẫn tiếp tục làm việc để vừa hỗ trợ hoặc giảm bớt gánh nặng cho con cháu, vừa là vui tuổi già. Mặt khác cũng đặt ra trách nhiệm cho con cháu cố gắng vươn lên để bậc cha, mẹ có thể được nghỉ ngơi sau một đời làm lụng vất vả để nuôi dạy con cháu.

 

Bên cạnh đó, số người trong tuổi lao động cũng tăng 183.600 người - thể hiện số người đến tuổi lao động tạo sức ép giải quyết công ăn việc làm hàng năm vẫn còn lớn. Còn số lao động đang làm việc trong cả nước tăng 337.700 người hay tăng gần 0,66% so với bình quân năm 2012. Điều đó chứng tỏ số lao động đang làm việc tiếp tục tăng lên, vừa là sự nỗ lực của người lao động trong việc tìm kiếm việc làm, vừa là sự cố gắng giữ chân người lao động của các doanh nghiệp, vừa là hỗ trợ tích cực của Nhà nước. Song đây cũng là tín hiệu cho thấy khả năng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế khó duy trì được tốc độ tăng như các năm trước (bình quân 2006-2010 tăng 2,77%/năm, 2011 tăng 2,66%, 2012 tăng 2,68%).

 

Tỷ trọng lao động công nghiệp -xây dựng giảm

 

Về cơ cấu lao động, số liệu thống kê cho thấy, cơ cấu này tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng tỷ trọng lao động đang làm việc trong nhóm ngành nông, lâm nghiệp-thuỷ sản giảm xuống (còn 47%, giảm 0,4 điểm phần trăm); tỷ trọng lao động đang làm việc trong nhóm ngành dịch vụ tăng lên (đạt 32,2%, tăng 0,8 điểm phần trăm).

 

Tuy nhiên, tỷ trọng lao động đang làm việc trong nhóm ngành công nghiệp-xây dựng giảm xuống (còn 20,8%, giảm 0,4 điểm phần trăm). Việc giảm tỷ trọng lao động đang làm việc trong nhóm ngành công nghiệp-xây dựng cần được cảnh báo, bởi nhóm ngành này chiếm tỷ trọng cao nhất trong GDP, có tỷ trọng thấp nhất trong tổng số lao động đang làm việc, có năng suất lao động cao gấp 4 lần nhóm ngành nông, lâm nghiệp-thuỷ sản, cao gấp rưỡi nhóm ngành dịch vụ .

 

4 điểm cần cảnh báo từ tỷ lệ thất nghiệp thấp

 

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý I năm nay là 2,1%, trong đó ở khu vực thành thị là 3,45%, ở khu vực nông thôn là 1,57%, cao hơn tỷ lệ tương ứng của năm 2012 (1,99%; 3,25% và 1,42%). Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I năm nay là 3,58%, trong đó ở khu vực thành thị là 2,54%, ở khu vực nông thôn là 4% - cao hơn các tỷ lệ tương ứng của năm 2012 (2,8%; 1,58% và 3,35%).

 

Các tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm của Việt Namon> tuy thuộc loại thấp so với nhiều nước trên thế giới nhưng có 4 điểm cần cảnh báo.

 

Thứ nhất, tỷ lệ thấp có một phần quan trọng như Tổng cục Thống kê trong báo cáo năm 2012 đã lý giải là do mức sống của người dân thấp, hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển mạnh nên người lao động không chịu cảnh thất nghiệp kéo dài mà chấp nhận làm những công việc không ổn định với mức thu nhập thấp và bấp bênh (trong khi tỷ lệ lao động phi chính thức có xu hướng tăng lên: năm 2010 là 34,6%, năm 2011 là 35,8%, năm 2012 là 36,6%). Nói cách khác, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tiềm ẩn thật sự là không thấp.

 

Thứ hai, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm quý I năm nay cao hơn năm trước.

 

Thứ ba, thất nghiệp, thiếu việc làm ảnh hưởng đến thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán của dân cư, làm cho nhu cầu tiêu dùng “co lại” là một trong những nguyên nhân làm cho tồn kho cao, tăng trưởng kinh tế bị trì trệ.

 

Thứ tư, thất nghiệp, thiếu việc làm là một trong những yếu tố góp phần gây ra các tệ nạn xã hội, không những xã hội mất đi một lực lượng lao động, mà tệ nạn còn làm tha hoá con người, nhà nước, xã hội, gia đình còn phải tốn kém kinh phí, thời gian khắc phục nó.

 

Mới qua một quý thì chưa thể có đầy đủ thông tin để nói về năng suất lao động - một trong những yếu tố quan trọng nhất của việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, từ phát triển chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu. Năng suất lao động của Việt Nam hiện còn thấp, tốc độ tăng năng suất lao động mấy năm nay lại chậm lại (bình quân thời kỳ 2006-2010 tăng 4,13%/năm, thì năm 2011 còn tăng 3,2%, năm 2012 tăng 2,3%). Đây là một vấn đề cần quan tâm.

 

Nguồn chinhphu.vn

  • Từ khóa