Thứ 7, 12/10/2024, 03:29[GMT+7]

Sản xuất công nghiệp vẫn chưa hết khó

Thứ 5, 11/04/2013 | 19:27:32
561 lượt xem
Sau một thời gian dài tăng trưởng nhanh và ổn định, từ cuối năm 2010 sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu chững lại và liên tiếp sụt giảm. Rất nhiều doanh nghiệp kỳ vọng năm 2012 đà suy giảm đã chạm đáy và bắt đầu hồi phục. Tuy nhiên thực tế sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm 2013 cho thấy vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan, tốc độ tăng trưởng không thể vượt mốc một con số.

Công ty may xuất khẩu Thái Bình bảo đảm đủ việc làm và thu nhập ổn định cho công nhân.

Để chặn đà suy giảm, thời gian qua các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong việc tiết kiệm chi phí đầu vào, phát triển sản xuất theo chiều sâu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ sản phẩm… Về phía các ngành chức năng cũng đã triển khai nhiều giải pháp mạnh và cụ thể nhằm chia sẻ bớt khó khăn cùng doanh nghiệp. UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị đối thoại để lắng nghe những kiến nghị từ phía cộng đồng doanh nghiệp và đưa ra các giải pháp kịp thời gỡ khó cho các doanh nhân.

 

Riêng ngành Ngân hàng đã tổ chức hội nghị đối thoại chuyên đề tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn, đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn điều chỉnh giảm lãi suất cho vay cả với nợ cũ và vay mới; từng bước nới lỏng tín dụng, duy trì mức tăng trưởng tín dụng hợp lý ở mức hai con số (cao hơn nhiều so với trung bình cả nước), trong quý I/2013 các ngân hàng thương mại đã cho vay gần 24.000 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó cho vay phát triển CN- XDCB-TMDV chiếm 78% tổng dư nợ. Ngành thuế cũng đã triển khai kịp thời chính sách miễn, giãn, giảm thuế cho các doanh nghiệp theo nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Với ngành Công Thương, đã chỉ đạo giải ngân nhanh các nguồn vốn khuyến công, khuyến thương để hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động, đổi mới công nghệ; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, bước đầu đã tìm kiếm thêm các thị trường mới như Lào, các nước châu Phi nhằm giải phóng nhanh nguồn hàng tồn kho cho doanh nghiệp…

 

Tuy nhiên, các giải pháp đó vẫn chưa đủ để cứu các doanh nghiệp thoát khỏi đà suy giảm. Minh chứng rõ nét nhất là tổng giá trị sản xuất CN- TTCN toàn tỉnh quý I/2013 chỉ đạt 3.100 tỷ đồng, tăng 6,83% so với cùng kỳ năm 2012 và đạt 21,8% kế hoạch năm. Trong đó chỉ số sản xuất CN-TTCN của tháng 3 năm 2013 chỉ tăng 2,03% so với cùng kỳ năm trước. Ngay đến khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong nhiều năm liên tục duy trì đà tăng trưởng ở mức hai con số, thậm chí có thời điểm tăng tới 50% thì đến quý I năm nay mức tăng trưởng giảm sâu chỉ còn 4,7%. Các thành phần kinh tế khác tuy có khá hơn nhưng cũng không vượt quá 8%. Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực sụt giảm sản xuất như: Phôi thép giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2012, thức ăn gia cầm giảm 9,14%, thịt lợn đông lạnh giảm 14,6%, loa các loại chưa đóng hộp giảm 21,59%... Các sản phẩm khác tuy vẫn tăng nhưng không cao, chủ yếu từ 5-8% như: Bia các loại tăng 4,12%, áo sơ mi tăng 4,07%, sứ vệ sinh các loại tăng 5,1%, khăn các loại tăng 7,89%...

 

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sản xuất công nghiệp gặp khó khăn là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới tác động tiêu cực đến việc xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp khiến lượng hàng tồn kho lớn, nhất là ngành hàng vật liệu xây dựng. Cùng với đó, chi phí đầu vào liên tục tăng và giữ ở mức cao; tỉnh thực hiện chủ trương của Chính phủ thắt chặt đầu tư công nên nhiều sản phẩm công nghiệp tiêu thụ chậm do có ít công trình khởi công mới. Công tác xúc tiến đầu tư, nhất là thu hút đầu tư vào các khu - cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt thấp; một số dự án đã đăng ký đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ. Cơn bão số 8 năm 2012 làm thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng và nguyên liệu, sản phẩm đến nay vẫn chưa khắc phục được hoàn toàn. Ngoài ra, sản xuất tại nhiều làng nghề cũng đang gặp khó khăn do thiếu lao động, đa số lao động trẻ đều chọn đi làm tại các công ty vì có thu nhập cao hơn lại được bảo đảm về chế độ…

 

Trong những tháng tới đây, dự báo sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó, trong khi mục tiêu giá trị sản xuất CN- TTCN 9 tháng cuối năm cần đạt 11.118 tỷ đồng mới hoàn thành kế hoạch cả năm (14.218 tỷ đồng). Rõ ràng nhiệm vụ là rất nặng nề đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc từ phía các doanh nghiệp, chủ động vượt lên khó khăn, điều chỉnh sản xuất cho phù hợp với thực tế. Đồng thời cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các ngành chức năng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc về vốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm và triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, nhất là chính sách về thuế, tiếp cận lãi suất tín dụng ưu đãi...

 

Bài, ảnh: Vũ Mạnh

 

 

  • Từ khóa