Thứ 4, 07/08/2024, 03:59[GMT+7]

Những tuổi hai mươi thành sóng nước…

Thứ 4, 24/04/2013 | 15:15:09
994 lượt xem
Họ là đại diện cho một thế hệ đã hiến dâng trọn cuộc đời cho độc lập, tự do của dân tộc. Ðã có nhiều thơ ca, tiểu thuyết, phim ảnh ngợi ca về họ. Một thế hệ mang bầu nhiệt huyết “Sáng nay, tuổi hai mươi bùng lên như viên đạn” và “Con đã sống những ngày cao đẹp nhất/ Tuổi hai mươi chỉ có một lần…”.

Bên nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Thái Bình. Ảnh: Hiền Trâm

Liệt sĩ Vũ Duy Tiến, sinh năm 1954, nhập ngũ năm 1971, hy sinh năm 1972; liệt sĩ Nguyễn Xuân Quý, sinh năm 1955, nhập ngũ 1971, hy sinh năm 1972; liệt sĩ Vũ Sĩ Huỳnh, sinh năm 1950, hy sinh năm 1970… Ðó là những dòng chữ trên bia mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Thái Bình. Gần 1.000 tấm bia, phần lớn đều ghi danh những liệt sĩ hy sinh ở độ tuổi mười tám, hai mươi như vậy. Họ là đại diện cho một thế hệ đã hiến dâng trọn cuộc đời cho độc lập, tự do của dân tộc. Ðã có nhiều thơ ca, tiểu thuyết, phim ảnh ngợi ca về họ. Một thế hệ mang bầu nhiệt huyết “Sáng nay, tuổi hai mươi bùng lên như viên đạn” và “Con đã sống những ngày cao đẹp nhất/ Tuổi hai mươi chỉ có một lần…”.

 

Tuổi hai mươi của những thế hệ sinh ra sau chiến tranh nghĩ gì về chiến tranh, về sự hy sinh của thế hệ cha anh?

 

Gần tròn 20 năm sau khi kết thúc chiến tranh, thế hệ chúng tôi bước chân vào giảng đường đại học. Các thầy hay nói đùa với sinh viên: các em là những sản phẩm tình yêu đầu tiên của ngày đoàn tụ. Ngồi trên giảng đường, nghe thầy đọc những bài thơ về chiến tranh thấy thế hệ mình thật may mắn và hạnh phúc: “…Chúng con đi như dòng sông chảy xiết/ Chúng con đi rung từng trận gió rừng/ Cả thế hệ xoay trần đánh giặc/ Mặc quần đùi khiêng pháo lội qua bưng…”. Cả lớp rỉ tai nhau: sao thầy đọc thơ chiến tranh hay thế? Sau mới biết thầy là một trong số ít sinh viên của trường nhập ngũ năm 1971 và trở về sau những mùa hè bỏng rát đạn bom và khói súng.

 

Ðêm, ký túc xá mất điện. Cả phòng lao xao kể chuyện ngày nhỏ cắp ghế mộc theo mẹ ra sân kho hợp tác xã xem “Nổi gió”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”…, nao nao đọc lại bài thơ chép vội trên giảng đường: “Trả cho em nước mắt/ Lăn ngang ngực đàn bà/ Trả cho anh cát bụi/ Trên đường hành quân xa…”. Thế hệ 7x - những “sản phẩm tình yêu của ngày đoàn tụ” không đi qua chiến tranh nhưng đã cảm, đã khóc trước “Nỗi buồn chiến tranh”, và hiểu “thời gian đằng đẵng, không gian mênh mông” trong mắt mẹ khi bố đi công tác xa, con ốm, hè oi nồng, mất điện… Họ cảm ơn thế hệ trước bởi có sự hy sinh ấy nên hai mươi năm sau, khi bước vào tình yêu, họ được có những tình yêu trọn vẹn, ngọt ngào, không còn bị chia cắt bởi hai đầu đất nước. Kết quả của tình yêu, một thế hệ mới chào đời. Khi đó, thế hệ ấy đã bước vào tuổi mười tám, đôi mươi. 

 

Thật ngạc nhiên và rất buồn khi không ít bạn trẻ độ tuổi mười tám, đôi mươi hôm nay không biết rõ ngày 30 tháng 4 là ngày gì? Với các bạn, ngày 30 tháng 4 là ngày “chúng cháu được nghỉ học, được đi chơi, đi picnic!”. Tại Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố, những ngày lễ lịch sử, nhiều người đến viếng mộ nhưng không có nhiều các bạn trẻ. Khi những thế hệ đi qua cuộc chiến hàng năm vẫn gặp mặt ôn lại truyền thống hào hùng và nguyện ước đừng bao giờ có chiến tranh nữa thì một bộ phận lớp trẻ lại thích tìm cảm giác mạnh trong những game chiến khủng có xe tăng, đại bác, chiến binh ngã xuống như ngả rạ.

 

Trong dịp 30 tháng 4 này, các rạp chiếu phim, đài truyền hình đã phát lại một số bộ phim về đề tài chiến tranh. Chúng ta có dịp được sống lại với những cảm xúc trong veo trong “Chuyện cổ tích cho tuổi 17”, và lại được thao thức với nỗi cô đơn ám ảnh trong “Bến không chồng”. Nhưng liệu có mấy bạn trẻ tuổi teen sẽ ngồi xem những bộ phim ấy. Những mùa hè bỏng rát chưa nguôi ngoai trong tâm thức những người cựu chiến binh, những mùa hè sôi động vẫn về với các bạn trẻ. Quảng trường thênh thang cho các “teen” đi xe đạp đôi, trượt pa-tanh. Có ghen tỵ không khi các em được sống trong yên ấm, đủ đầy? Câu trả lời là không. Các em có quyền được sống như thế, bởi đó cũng chính là nguyện ước cháy bỏng, là sức mạnh niềm tin để cả một thế hệ đã “Chiến trường đi chẳng tiếc tuổi xanh”. “…Các em ơi đã học chưa?/ Các anh dựng cho em trường mới nữa/ Chúng nó chẳng còn mong dội lửa/ Trường của em đứng giữa đồi quang/ Tiếng các em thánh thót quanh làng…”. Nhưng có đáng trách và đáng tiếc khi lớp trẻ dường như càng ngày càng ít xúc cảm trước quá khứ và những ngày lịch sử?

 

Hai năm nữa là tròn 40 năm kể từ ngày đất nước dứt tiếng súng, hết khói bom. Khắp nơi trên đất nước, những hố bom đã được lấp đầy, dấu vết chiến tranh chỉ còn nằm lại trong bảo tàng hay ghi trên những tấm bia liệt sĩ… Bạn trẻ ơi, xin đừng đi lướt qua mà hãy dừng lại, đọc những tấm bia ghi tên những người con trung hiếu của Tổ quốc và suy ngẫm. Khi bạn hai mươi, bạn mơ ước gì? Bạn có bao giờ nghĩ về những khái niệm “lý tưởng” và “hoài bão”…

 

Khi chưa tròn hai mươi tuổi, hàng triệu chàng trai, cô gái đã tạm biệt quê hương, gia đình, giấu tình yêu đôi lứa vào tim, lỗi hẹn với giảng đường đại học, hăng hái lên đường vì hai tiếng thiêng liêng “Tổ quốc”. Họ đã ngã xuống để lại “mãi mãi tuổi hai mươi”. Ngày hôm nay khác ngày hôm qua. Ngày mai sẽ khác ngày hôm nay. Cuộc sống là một dòng chảy liên tục và bất tận. Nhưng trong hiện tại ngày hôm nay có nền tảng và những giá trị tinh thần vô giá của ngày hôm qua. Chúng ta mãi mãi không có quyền quên quá khứ, nhất là quá khứ ấy đã thấm dầy mồ hôi, nước mắt và cả máu của những thế hệ đi trước. Nếu không có quá khứ, hiện tại sẽ thật vô nghĩa. Gần 40 năm đi qua, thời gian đã gấp đôi tuổi của những người lính năm xưa khi ngã xuống. Xin được hát mãi bài ca về “những tuổi hai mươi thành sóng nước”…, hôm nay và cả mai sau!

Trần Thu Hương

  • Từ khóa