Chủ nhật, 04/08/2024, 23:12[GMT+7]

Sinh viên và chuyện làm thêm

Thứ 4, 24/04/2013 | 16:33:45
1,509 lượt xem
Sinh viên đi làm thêm không còn là chuyện mới hiện nay. Ở những thành phố lớn, sinh viên có nhiều cơ hội tìm việc với thù lao khá. Sinh viên các trường tại Thái Bình cũng tìm cho mình những công việc phù hợp với khả năng, điều kiện của bản thân. Họ đi làm thêm vì nhiều lý do, không đơn thuần chỉ để kiếm thêm thu nhập mà còn là cơ hội cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, mở rộng quan hệ... phục vụ công việc sau này.

Nhóm bạn của Thúy bán hoa trong ngày 8/3

Mê toán và là “cây toán” của lớp từ khi học phổ thông, nên ngay từ năm đầu Thu Huệ - sinh viên năm thứ 2 trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình đã dễ dàng tìm được một “mối” dạy thêm môn toán cấp 2 vào buổi tối thông qua lời giới thiệu của người quen. Huệ chia sẻ: “ Mới đầu mình bị bố mẹ ngăn cản vì đi dạy về muộn, sợ ảnh hưởng đến học tập, nhưng sau khi mình giải thích rằng việc đi gia sư sẽ giúp mình nâng cao kỹ năng sư phạm, tích lũy kinh nghiệm và ở trường có nhiều anh chị, bạn bè cũng đi dạy thêm thì bố mẹ ủng hộ. Hơn nữa, một tuần dạy 3 buổi tối, với số tiền 70 nghìn đồng/buổi mình cũng chủ động hơn trong việc chi tiêu”. Ngoài thời gian đến trường và đi dạy thêm, Huệ vẫn tích cực tham gia công tác đoàn, hội ở trường, nên cô bạn nhỏ này luôn được bạn bè yêu mến. Trần Văn Nhật sinh viên trường Cao đẳng Y Thái Bình thì chọn cho mình công việc phục vụ bàn ở quán cà phê Morining. Học buổi sáng, buổi chiều hàng ngày từ 15h – 22h Nhật đi làm thêm với mức lương 1,8 triệu đồng/tháng. Nhật cho biết: “ Lớp mình có 2 bạn gái cũng đang làm ở đây, cùng có chung hoàn cảnh khó khăn, nhà xa phải thuê trọ nên bọn mình rủ nhau đi xin việc. Công việc tuy bó buộc về mặt thời gian, nhưng không vất vả lắm, tiền lương giúp chúng mình chủ động chi tiêu cho sinh hoạt và học tập, đỡ gánh nặng cho bố mẹ. Làm cùng một ca nên bọn mình có thể giúp đỡ, hỗ trợ nhau khi cần thiết”.

Cũng làm thêm theo nhóm, nhưng Thúy (Ðại học Thái Bình) và các bạn của mình lại góp vốn để mua hoa về bán trong những ngày lễ như Valentine, 8/3, 20/11... Thúy chia sẻ: “Trước những dịp lễ, nhóm mình thường đặt mua hoa tươi ở Vũ Chính, Hoàng Diệu (Thành phố Thái Bình) rồi đem bán ở khu vực trường Cao đẳng Sư phạm, chợ Quang Trung và một số cổng trường học trên địa bàn Thành phố Thái Bình. Ngoài ra, bọn mình tranh thủ làm hoa voan bán cho các cửa hàng lưu niệm. Công việc kinh doanh thời vụ giúp mình vừa có thêm thu nhập, vừa hiểu được tâm lý khách hàng, rất hữu ích cho chuyên ngành Quản trị kinh doanh của mình sau này”. Khuôn mặt lấm tấm mồ hôi nhưng rạng rỡ, đầy tự hào về thành quả lao động chính đáng là điều mà chúng tôi ghi nhận được khi trò chuyện cùng nhóm bạn trẻ.

Hầu hết sinh viên đi làm thêm đều mong tìm được một công việc ưng ý, hợp với khả năng để vừa đi làm, vừa yên tâm học hành nhưng điều đó cũng không phải dễ dàng. Trải qua một thời gian dài “lẽo đẽo” chạy theo những “mối” dạy thêm của các trung tâm giới thiệu việc làm, biết mình bị lừa nên Nguyễn Văn Tiến – sinh viên Ðại học Thái Bình đành chấp nhận bỏ cuộc, chịu mất tiền đặt cọc là 150 nghìn đồng. Vốn có chút hoa tay, ngay sau đó Tiến quyết định vay tiền để đầu tư đồ nghề dán điện thoại, laptop. Hàng ngày, vào buổi sáng Tiến ngồi làm ở vỉa hè trên đường Lý Thái Tổ, hay khu cổng chợ Quang Trung (Thành phố Thái Bình). Tiến cho biết: “Tuy không đông khách như người khác, nhưng thu nhập cũng khá ổn. Khi mới làm công việc này, gặp bạn bè, người quen mình cũng ngại, xấu hổ nhưng sau đó mình hiểu được rằng công việc đang làm là chân chính. Ðược mọi người ủng hộ nên mình cũng tự tin hơn nhiều. Với mỗi miếng dán chống xước trung bình khoảng 20 nghìn đồng/chiếc, mình lãi được 10 nghìn đồng. Bình quân mỗi buổi sáng được gần chục khách hàng, vừa làm mình vừa có thể hoàn thành tốt việc học nên mình dự định sẽ tiếp tục gắn bó với công việc này cho tới khi ra trường”.

Làm thêm đã và đang trở thành xu hướng của những sinh viên năng động, ham học hỏi và rèn luyện. Họ đều là những người trẻ giàu nhiệt huyết, có động lực phấn đấu để hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn tìm được một công việc ưng ý. Bên cạnh những mặt tích cực, không ít sinh viên ngoài sự nhọc nhằn còn phải đón nhận những nỗi buồn và cả những cạm bẫy. Ðó là những sinh viên mất tiền đặt cọc vào các trung tâm giới thiệu việc làm “lừa đảo” như Tiến hay một bộ phận sinh viên lựa chọn đi tiếp thị bia, rượu, thuốc lá, mỹ phẩm... ở các nhà hàng, quán karaoke... hoặc nhiều công việc khác. Ðó là một thế giới với nhiều cám dỗ, sự thiếu hiểu biết cộng với giấc mơ kiếm được nhiều tiền, kiếm tiền một cách nhanh chóng đã khiến nhiều sinh viên không thể vượt qua. Hơn nữa khi đi làm thêm, cuộc sống của mỗi sinh viên sẽ vất vả, bận rộn hơn thường lệ dễ dẫn đến việc bỏ bê các hoạt động của lớp, của trường, thậm chí bỏ bê cả việc học, tất yếu sẽ phải học lại, thi lại nhiều lần, ảnh hưởng đến kết quả cả khóa.

Làm thêm là nhu cầu chính đáng không chỉ của sinh viên nói riêng mà còn của rất nhiều bạn trẻ nói chung. Những tấm gương sinh viên vừa học vừa làm rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, với sự phức tạp của các mối quan hệ xã hội như hiện nay nếu không biết giữ mình, phân biệt tốt, xấu và có bản lĩnh vượt qua, các bạn trẻ rất dễ gục ngã. Ðể không tự biến mình thành nạn nhân của những cám dỗ, mỗi học sinh, sinh viên cần xây dựng cho mình một ý thức học tập, lối sống lành mạnh và chọn những địa chỉ uy tín, tin cậy để làm thêm.

Bài, ảnh: Nguyễn Thơi

  • Từ khóa