Thứ 5, 25/07/2024, 08:32[GMT+7]

Bấp bênh đời sống công nhân

Thứ 2, 06/05/2013 | 08:41:19
863 lượt xem
Lương thấp, giá cả mọi mặt hàng leo thang, việc làm không ổn định là nguyên nhân khiến rất nhiều công nhân không mặn mà, gắn bó với doanh nghiệp. Thế nhưng rời bỏ doanh nghiệp thì cuộc sống của công nhân sẽ càng trở nên bấp bênh giữa thời "bão giá”. Hiện nay, các công ty liên tục tuyển người vào để thay thế số lượng công nhân bỏ việc; tuy nhiên, việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định và nâng cao mức sống cho công nhân lao động vẫn là tương lai xa vời

Mua thức ăn chín là lựa chọn để tiết kiệm của nhiều công nhân lao động.

Việc làm không ổn định, thu nhập thấp trong khi giá cả các mặt hàng thiết yếu liên tục tăng đã khiến những người công nhân lao động phải "thắt chặt chi tiêu" một cách tối đa.

Đìu hiu "chợ công nhân"
17 giờ. Từng tốp công nhân làm tại Công ty TNHH phát triển Neo - Neon ùa ra cổng. Một công nhân khoảng 20 tuổi vừa mua mớ rau muống và túi đậu rán sẵn trước cổng công ty nói: "Trước đây giá cả chưa tăng, chúng em còn mua đồ sống về nấu, giờ cái gì cũng đắt đỏ đành mua thức ăn chín về ăn, dù biết là không ngon nhưng mua vậy rẻ hơn được chút ít nên cũng giúp chúng em vừa tiết kiệm được chi tiêu lại vừa có thêm thời gian nghỉ ngơi".

Hỏi chuyện một chị bán khoai luộc bên cạnh, chị cho biết: "Chợ này gọi là chợ công nhân bởi chợ họp trước cổng công ty và chỉ họp trên dưới một tiếng đồng hồ vào trước giờ làm và giờ tan ca của công nhân. Chợ cũng có đủ rau, cá, quần áo, hoa quả và cả thức ăn chín. Vì phục vụ các "thượng đế” là công nhân nên giá cả ở đây cũng "mềm" hơn, hợp với túi tiền của công nhân hơn và quan trọng là đáp ứng nhu cầu nhanh, rẻ của những công nhân vừa tan ca. Thế nhưng dạo này cũng ế ẩm lắm". Cách hàng của chị một đoạn là hàng bán quần áo với chiếc loa ra rả "đại hạ giá hàng công ty trước bán 120.000 đồng giờ chỉ còn 25.000 đồng" nhưng quan sát cũng chỉ thấy lác đác người ghé qua… xem. Anh bán quần áo buồn bã nói: Thời gian này công nhân ít việc, lương thấp nên hàng hóa tiêu thụ chậm. Công nhân chỉ ghé qua mua ở các hàng bán thực phẩm chứ ít "nhòm ngó” đến quần áo. 

Tại chợ Quang Trung, khu chợ khá lớn được coi là chợ của sinh viên, công nhân này cũng trầm lắng theo sức mua của những "thượng đế”… nghèo. "Trước đây bán hàng, nhất là hàng quần áo "khoái" lắm, nhưng ở vào cái thời bão giá này, công nhân lo miếng ăn còn chật vật thì nói gì đến quần với áo" một chị bán hàng quần áo than thở.

Còn Nhàn, công nhân đang làm tại một công ty may tâm sự: "Lương trung bình bây giờ chỉ từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng, có tháng ít việc lương chưa nổi 2 triệu đồng. Tiền thuê nhà hết 300.000 đồng, chưa kể tiền điện, tiền nước, tiền xăng xe và hàng trăm thứ cần phải chi tiêu khác. Giờ đi chợ chỉ dám mua những đồ rẻ tiền thôi. Còn trẻ như bọn em ai chẳng thích diện quần áo đẹp nhưng...". Câu nói bỏ lửng ấy khiến tôi và những người nghe được đều nhói lòng trước một cuộc sống quá chật vật của công nhân lao động.

Doanh nghiệp "lao đao", công nhân thiếu việc
Chị Vũ Thị Dinh - công nhân Công ty TNHH phát triển Neo - Neon cho biết: "Dạo này công ty chúng tôi ít việc nên rất hiếm khi phải làm tăng ca. Công nhân về sớm vì không có hàng để làm. Cách đây ít ngày, tôi cùng mấy chục công nhân được công ty cho "nghỉ phép" dài ngày. Vừa rồi mới được gọi đi làm lại nhưng trong lòng cứ nơm nớp chẳng biết lúc nào lại "được nghỉ phép". Tưởng tôi định xin vào làm, chị khuyên tôi nên chọn công ty khác chứ ở đây lương thấp, việc làm không ổn định rồi không "trụ” được lâu dài.

Được biết, trong thời gian qua không chỉ có Công ty Neo - Neon mà nhiều doanh nghiệp khác trong tỉnh cũng lao đao vì kinh doanh khó khăn, thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu việc làm cho công nhân. Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh, năm qua toàn tỉnh có gần 1.900 lao động thiếu việc làm; hơn 660 lao động mất việc làm tập trung ở ngành, địa phương. Thu nhập bình quân của công nhân là 2,9 triệu đồng/người/tháng. Cá biệt có những trường hợp thu nhập chỉ được gần 1,2 triệu đồng/người/tháng. Trước tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn, ngoài việc giảm giờ làm, cho công nhân về nhà nghỉ sớm, nhiều công ty còn cho công nhân "nghỉ phép" đồng loạt như là cách để doanh nghiệp "cầm hơi". Đó là nỗi lo lắng luôn ám ảnh của phần lớn công nhân khi được hỏi về công việc và cuộc sống hiện tại. Họ không sợ vất vả, không ngại tăng ca, họ chỉ lo thiếu việc làm. Thiếu việc là đồng nghĩa với không có thêm thu nhập. Chỉ tròng trọc tiền lương cơ bản, nuôi sống bản thân và gia đình là cả một bài toán nan giải đối với những công nhân lao động hiện nay.

Không những thế, mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngoài Nhà nước có xu hướng diễn biến phức tạp. Tình trạng vi phạm pháp luật về lao động như tổ chức tăng ca, chế độ của doanh nghiệp trả cho người lao động làm thêm chưa phù hợp với sức lao động và quy định của Nhà nước… đã gây áp lực và ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của người lao động. Cùng với đó, thu nhập của công nhân lao động quá thấp so với nhu cầu tối thiểu, thời gian, nội quy lao động của một số doanh nghiệp quá "hà khắc", vẫn còn những doanh nghiệp vi phạm quyền, nhân phẩm và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động là những nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp lao động hiện nay.

Lương thấp, giá cả mọi mặt hàng leo thang, việc làm không ổn định là nguyên nhân khiến rất nhiều công nhân không mặn mà, gắn bó với doanh nghiệp. Thế nhưng rời bỏ doanh nghiệp thì cuộc sống của công nhân sẽ càng trở nên bấp bênh giữa thời "bão giá”. Hiện nay, các công ty liên tục tuyển người vào để thay thế số lượng công nhân bỏ việc; tuy nhiên, việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định và nâng cao mức sống cho công nhân lao động vẫn là tương lai xa vời mà nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được.

Bài, ảnh: Mai Thư

  • Từ khóa