Chủ nhật, 11/08/2024, 16:16[GMT+7]

Cựu thanh niên xung phong C895 Nỗi lòng ai tỏ

Thứ 3, 28/05/2013 | 14:38:33
76 lượt xem
Chiến tranh đã lùi xa nhưng với những người chiến sĩ thanh niên xung phong (TNXP) năm xưa nói chung và TNXP C895 nói riêng thì ký ức bi hùng ấy vẫn hiện hữu, vẫn tồn tại không thể xóa nhòa khi hàng ngày, hàng giờ họ vẫn đang phải vật lộn với nỗi đau cả về thể chất lẫn tinh thần giữa một cuộc sống đời thường bộn bề khó khăn.

Căn nhà “rêu phong” được làm từ năm 1968 của cựu TNXP Phùng Văn Hoa ở thôn Khả, xã Duyên Hải (Hưng Hà).

Khúc ca bi tráng

Gặp mặt trong một chuyến công tác về Hưng Hà, ông Ðinh Nhật Lệ, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện sôi nổi kể cho chúng tôi nghe chuyện ở Ga Gôi những năm 1965. Ga Gôi khi đó là cửa ngõ của hậu phương lớn, gần thủ đô Hà Nội, là nơi tập kết hàng để chuẩn bị vượt cầu Ninh Bình trên sông Ðáy. Thấy rõ vị trí quan trọng của Ga Gôi, máy bay Mỹ tập trung oanh tạc suốt ngày đêm nhằm biến Ga Gôi thành “ga chết”. Cuối năm 1965, Ðại đội 895 thuộc Ðội N89 TNXP đường sắt gồm 187 người đều quê ở huyện Duyên Hà, nay là huyện Hưng Hà được thành lập, đảm nhiệm việc nâng cấp, bảo dưỡng, khắc phục hậu quả chiến tranh khu vực từ Ga Gôi đến Ga Cát Ðằng (thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Ðịnh hiện nay).

Khoảng 17 giờ ngày 20/8/1966, địch cho một tốp máy bay bất ngờ bắn phá đoàn tàu vừa đến Ga Gôi đang chờ lệnh vượt cầu Ninh Bình để đưa vũ khí, hàng hóa vào chiến trường. Một số toa bị trúng bom và bốc cháy. Mọi người chạy vội ra để tham gia cứu hàng, cứu tàu. Lực lượng có mặt tại Ga Gôi lúc này lên đến hàng trăm người bao gồm Ðại đội 895, dân quân địa phương và công nhân đường sắt. Ai cũng hăng hái, bất chấp hiểm nguy để cứu tàu, cứu hàng. Những kiện hàng 50 - 60 kg được các chiến sĩ C895 vác trên vai chạy băng băng từ đám cháy ra nơi an toàn. Lúc ấy không ai biết đoàn tàu bị cháy có một toa chứa hóa chất, khói bốc lên từ toa tàu lan ra một vùng khá rộng làm nhiều người bị ngạt và lả đi. Người gục ngã đầu tiên và hy sinh ngay tại chỗ là chị Phạm Thị Nhớn, đội viên TNXP của Ðại đội 895.

Trong chuyến thăm lại Ga Gôi, thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh, cựu TNXP Nguyễn Thị Hồng Lê xúc động kể lại: “Khi ấy, hàng loạt người tham gia cứu hàng, cứu tàu ngã xuống ngất xỉu. Anh chị em nằm la liệt ở khu Ga Gôi, đường quốc lộ, sân kho thôn Phú Thứ. Bệnh viện của huyện, tỉnh chật cứng bệnh nhân. Một số anh em bị nặng được chuyển lên Bệnh viện Ðường sắt 1. Tôi không thể quên được hình ảnh chị Nguyễn Thị Hồng Mùi, người ở xã Chí Hòa, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2 cùng nhiều anh chị em khác lao ra hiện trường để cấp cứu đồng đội. Bản thân tôi cũng bị ngất vì khói độc và được chị Mùi cấp cứu. Chị Mùi trực tiếp cứu sống được 20 người, nhưng bản thân chị kiệt sức và hy sinh. Trong cuộc chiến ấy đã có 23 người gồm TNXP, công nhân đường sắt và dân quân địa phương hy sinh, trong đó có 13 TNXP là con em quê hương Thái Bình”.

Và nỗi đau đọng lại

Dáng người bé nhỏ, khuôn mặt già nua hằn nét khắc khổ là ấn tượng khi tôi gặp cựu TNXP Hà Ðức Lan. Căn nhà của ông ở cuối một con ngõ cụt thuộc thôn Nghĩa Thôn, xã Kim Trung, huyện Hưng Hà như nói lên cuộc sống khổ đau của gia đình ông bao năm qua. Năm 1965, ông đi TNXP đến năm 1975 mới chuyển ngành sang làm cầu đường. Năm 1974, ông nên duyên với bà Ðào Thị Nga vốn là đồng đội cùng ở C895 và cũng là người tham gia cuộc chiến ở Ga Gôi với ông năm xưa. Ðứa con trai đầu lòng ra đời mang đến niềm vui cho ông bà và gia đình chưa được bao lâu thì có biểu hiện ngực càng ngày càng dô cao lên,  thường xuyên bị ngứa, lở loét khắp người. Biết con bị ảnh hưởng bởi chất độc trong vụ cứu tàu năm xưa, hai ông bà chỉ biết ôm con khóc thầm. Năm 1979, ông bà sinh con thứ hai với hy vọng con khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác.

 

Cựu TNXP Hà Ðức Lan bên con trai bị ảnh hưởng chất độc hóa học.

Nơi ở đơn sơ của cựu TNXP Lê Thị Nữ ở thôn Duyên Nông, xã Ðiệp Nông (Hưng Hà).

Thế nhưng, ước nguyện đó một lần nữa bị dập tắt, nước mắt thêm một lần chảy ngược vào tim bởi người con ấy đã 34 năm nay dở điên, dở dại, bao phen khiến ông bà điêu đứng. Ông kể: “Không ngày nào là nó không lên cơn. Từ bé tôi đã phải xích nó trong nhà, cổng lúc nào cũng phải khóa. Khi lên cơn nó chẳng biết gì, cả bố mẹ cũng đánh nên vợ chồng tôi luôn phải “ở thế” đề phòng. Có hôm nó lên cơn đúng giờ ăn cơm, vợ chồng tôi mỗi người cầm bát cơm chạy một góc để tránh khỏi bị con đánh. Sinh hoạt cá nhân hàng ngày nó cũng không thể tự chăm sóc bản thân, nó còn đánh lại nếu ai động vào người.

Vì thế nhà cửa lúc nào cũng bừa bộn, hôi hám. Cũng  may là vợ chồng tôi còn có đứa con thứ ba mạnh khỏe bình thường, giờ đã lập gia đình và sinh con làm nguồn động viên để chúng tôi tiếp tục sống. Chỉ lo sau này mình già chết đi rồi nó (người con thứ hai - PV) sẽ ra sao?”.

 Cùng cảnh ngộ như ông Lan, bà Nga là gia đình cựu TNXP Trần Hùng Khái: Con trai cả của ông bị ung thư máu chết khi vừa tròn 18, con út bị dị tật qua đời khi chưa đầy tháng, cô con gái còn lại thì có lớn mà chẳng có khôn… Giờ đây, ông và con gái sống lay lắt qua ngày ở thôn Chấp Trung, xã Ðoan Hùng. Hay gia đình anh Len, chị Nga ở xã Kim Trung có một con gái câm điếc; chị Kiều ở xã Minh Khai không thể có con... Cũng có những người may mắn hơn đồng đội của mình là có gia đình và con cái không bị ảnh hưởng chất độc nhưng cuộc sống gia đình bộn bề khó khăn bởi sức khỏe giảm sút, bệnh tật, đau ốm liên miên.

Nỗi lòng ai tỏ

Ông Ðinh Nhật Lệ, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Hưng Hà cho biết: “Bắt đầu từ tháng 3 năm 1994, tôi cùng một số đồng đội làm đơn gửi rồi trực tiếp đi “gõ cửa” các ngành chức năng từ tỉnh đến trung ương để mong được giải quyết chế độ cho những cựu TNXP C895 bị nhiễm chất độc hóa học, nhưng hết năm này qua năm khác, đã gần 20 năm rồi, đơn từ đã nhận cả mà việc giải quyết chế độ chính sách của anh em vẫn chưa có hồi âm”. Tại Văn phòng Hội Cựu TNXP tỉnh, tôi được ông Hoàng Công Ánh, Chủ tịch Hội cho xem một loạt những giấy tờ liên quan đến việc xin được giải quyết chế độ cho cựu TNXP C895. Ông cho biết: “Năm 2009, tại kỳ họp Quốc hội khóa XII, khi đại diện Hội Cựu TNXP Việt Nam nêu sự kiện hàng trăm TNXP C895 dũng cảm cứu tàu, cứu hàng ngày 20/8/1966 bị nhiễm chất độc hóa học đến nay chưa được giải quyết chế độ, các đại biểu Quốc hội đã đồng tình và đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương báo cáo Chính phủ giải quyết chế độ chính sách cho cựu TNXP C895.

Ngày 23/9/2010, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) tổ chức hội nghị với sự tham gia của một số bộ, ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo UBND, Sở LÐ-TB&XH, Hội Cựu TNXP hai tỉnh Nam Ðịnh, Thái Bình, giao Hội Cựu TNXP tỉnh chỉ đạo đơn vị C895 lập danh sách các đội viên xuất ngũ, số đã chết, số còn sống, số bị bệnh tật để báo cáo UBND tỉnh và  Bộ LÐ-TB&XH. Chúng tôi đã làm các thủ tục cần thiết theo hướng dẫn nhưng đến giờ câu trả lời vẫn là sự im lặng”.

Không cam lòng, Ban Chấp hành Hội Cựu TNXP tỉnh cùng Ban liên lạc  C895 đã làm việc với Sở LÐ-TB&XH Thái Bình, Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh về việc thực hiện chế độ; thậm chí các ông còn trực tiếp làm việc với Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương, Bộ LÐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Binh chủng Hóa học... Thế nhưng “quả bóng” vẫn được đá đi, đá lại để chờ… chỉ đạo giải quyết. Ông Ánh bảo: Trong số những TNXP của Ðại đội 895 bị nhiễm chất độc hóa học 18 người đã chết vì bệnh ung thư. Những người còn lại đều già cả rồi, lại thêm bệnh tật, đau ốm, chẳng biết có chờ được đến ngày hưởng chế độ hay không?

Trong nỗi buồn vì chế độ, chính sách của mình chậm được giải quyết, các cựu TNXP C895 lại được đón nhận một tin vui: Ngày 25/4/2013, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Ðại đội TNXP C895 tỉnh Thái Bình và liệt sĩ Nguyễn Thị Hồng Mùi, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Ðại đội 895, Ðội N89. Trong niềm vinh dự, tự hào, các cựu TNXP C895 vẫn ấp ủ mong muốn việc giải quyết chế độ chính sách cho họ sẽ sớm được các ngành chức năng quan tâm giải quyết, vừa là sự ghi nhận công lao của những người đã cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, vừa để niềm vui đón nhận danh hiệu cao quý thêm trọn vẹn.

Bài, ảnh: Mai Thư

  • Từ khóa