Thứ 3, 23/07/2024, 20:31[GMT+7]

Ngư dân Thái Thụy nhọc nhằn bám biển

Thứ 5, 30/05/2013 | 08:26:43
880 lượt xem
Bao đời nay, mưu sinh trên biển là nghề của hàng ngàn người dân ven biển Thái Thụy. Thế nhưng, thời gian gần đây giá xăng dầu liên tục tăng, nguồn lợi hải sản ngoài khơi dần cạn kiệt, phương tiện đánh bắt lạc hậu, tiêu thụ sản phẩm khó khăn… khiến cho cuộc sống của ngư dân ngày càng vất vả, khốn khó.

Ngư dân Thái Thụy kiểm tra lại ngư cụ chuẩn bị ra khơi

Đi biển từ năm 15 tuổi, ngót 30 năm tuổi nghề, ngư dân Nguyễn Đình Dũng (xã Thụy Xuân) đúc rút kinh nghiệm xương máu “Làm nghề khai thác hải sản chẳng khác gì đánh cược với biển cả. Mưu sinh trên biển ngày càng cực nhọc, vất vả”. Chúng tôi gặp anh tại bến cá Tân Sơn (xã Thụy Hải) khi đang mải miết sắp xếp lại ngư lưới cụ, kiểm tra từng thiết bị, phương tiện trên tàu chuẩn bị cho chuyến ra khơi vào sáng hôm sau. Anh chia sẻ: “Trước đây, tôi đi thuyền sau đó mua tàu ximăng lưới thép khai thác hải sản ven bờ nhưng tôm cá đánh bắt càng về sau càng ít đi, cuộc sống rất khó khăn. 2 năm trước, 4 anh em dốc toàn bộ vốn liếng, vay mượn ngân hàng đóng 1 đôi tàu công suất 400CV vươn ra khơi khai thác ở vùng biển Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng.

Thời gian đầu, một chuyến đi khai thác từ 2 đến 3 tấn tôm cá. Sau khi trừ chi phí: xăng dầu, ngư lưới cụ, trả công lao động… mỗi tháng gia đình cũng có thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng, hai vợ chồng chắc mẩm chỉ 2 đến 3 năm sẽ thu hồi được vốn đóng tàu. Nhưng từ cuối năm 2012 đến nay tôm cá ít, sản lượng đánh bắt giảm chỉ bằng một nửa, chuyến nào may lắm thì bằng 2/3 trước đây, trong khi xăng mấy lần tăng giá nên có chuyến ra khơi tiền bán cá không đủ mua nhiên liệu. Thời gian tới là mấy tháng mùa mưa bão, biển động khai thác sẽ còn khó khăn gấp bội. Ra khơi thì sợ lỗ nhưng để thuyền nằm bến thì cả 4 gia đình cộng thêm gần chục lao động đều trông cả vào tàu biết sinh sống thế nào đây. Vì vậy, chúng tôi vẫn phải cố ra khơi, tìm ngư trường mới, tăng giờ đánh bắt vừa để mưu sinh vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

Cùng suy nghĩ với anh Dũng, ngư dân Hà Văn Sơn (xã Thụy Xuân) đứng cạnh đó than thở: “Tàu của ngư dân Thái Thụy hầu hết đánh bắt cá tạp bán làm cá mồi phục vụ nuôi trồng thủy sản hoặc cung cấp cho nhà máy chế biến bột cá. Giờ đây, kiếm được cá ngoài biển đã khó nhưng bán cá còn khó hơn. Trước đây, Nhà máy Bột cá Thụy Hải còn hoạt động, tàu cập bến đến đâu bán hết cá ngay đến đó với giá mua ổn định. Nhưng giờ nhà máy đóng cửa, đầu mối tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên thường xuyên bị ép giá. Khổ  nỗi, cá đã đem vào bờ rồi, họ trả giá bằng nào cũng phải bán, muốn giữ lại cũng không được”. Rời bến cá Tân Sơn, chúng tôi ra bến cá Vĩnh Trà (Thị trấn Diêm Điền), hàng chục tàu khai thác cũng vừa cập bến.

Thời buổi đi biển khó khăn, trên nét mặt của ngư dân không chỉ biểu lộ sự mệt mỏi mà còn nặng nỗi ưu tư, lo lắng. Ngư dân Bùi Văn Mão (khu 9, Thị trấn Diêm Điền) tính toán với chúng tôi: “Để đóng mới một con tàu công suất từ 360 đến 400CV chúng tôi cần số tiền từ 1,6 đến 2 tỷ đồng, không phải ai cũng có để đầu tư, phải có từ 3 đến 4 người, thậm chí 5 đến 6 người chung nhau đóng. Người nào có tàu to cũng đều phải vay ngân hàng từ 200 đến 500 triệu đồng. Nhà tôi cũng không ngoại lệ, cả gia tài dồn vào đây. Tàu to, chi phí sản xuất lớn trong khi vốn ít nên chúng tôi chỉ đi biển 2 đến 3 ngày phải quay vào bờ. Lượng tôm cá phụ thuộc vào từng mùa, theo luồng, theo vùng trong khi thời gian đánh bắt ngắn nên sản lượng cũng giảm theo. Nếu tình trạng này kéo dài không biết đến bao giờ chúng tôi mới trả hết nợ”.

Thái Thụy hiện có 1.612 lao động bám biển mưu sinh. Tuy nhiên, những năm gần đây khai thác hải sản gặp rất nhiều khó khăn, trong đó thiên tai và những nguy hiểm trên ngư trường là trở ngại lớn nhất. Ngoài ra, giá nhiên liệu liên tục tăng cao trong khi sản lượng đánh bắt giảm, giá sản phẩm không tăng khiến lợi nhuận mỗi chuyến đi biển của ngư dân giảm khoảng 30% đến 40% so với năm trước, thậm chí lỗ. Hiện nay, đã có một số tàu thuyền nằm bờ hoặc có số ngày đi biển ít hơn thường lệ. Số lượng phương tiện cũng giảm.

Nếu năm 2012, Thái Thụy có 458 phương tiện khai thác hải sản với tổng công suất 32.976 CV thì đến thời điểm này giảm chỉ còn 443 chiếc với công suất 32.211 CV. Ước tính, 6 tháng đầu năm 2013, sản lượng khai thác hải sản toàn huyện đạt 11.458 tấn, bằng 71,68 % so 6 tháng đầu năm 2012. Theo lời của nhiều ngư dân: nguồn lợi hải sản gần bờ hiện nay đang cạn dần, muốn đánh bắt được nhiều cá tôm phải có tàu công suất lớn, khai thác dài ngày trên biển. Ngặt nỗi, hơn một nửa tàu thuyền trong huyện đang hoạt động hiện nay (255 chiếc) phục vụ khai thác ven bờ có công suất dưới 40CV. Còn lại, tàu khai thác tầm trung từ 40 đến 90CV là 105 tàu, tàu khai thác xa bờ công suất trên 90CV chỉ có 83 tàu.

Trong đó, rất ít tàu đóng mới mà hầu hết các tàu đều có tuổi từ 5 đến 7 năm, thậm chí trên 10 năm, nay đã xuống cấp, trang thiết bị, máy móc lạc hậu không bảo đảm điều kiện an toàn để vươn khơi xa khai thác dài ngày trên biển. Nguồn thu nhập từ biển bấp bênh, chi phí để tái sản xuất đã khó  nói gì đến chuyện cải hoán, đóng mới tàu. Hàng ngày, ngư dân vẫn bám biển trên những con tàu cũ, hỏng đến đâu sửa chữa đến đó nên hiệu quả khai thác không cao. Thời gian tới, nếu khai thác hải sản vẫn khó khăn như hiện nay, cuộc sống của nhiều ngư dân sẽ lâm vào cảnh khốn khó, tiến thoái lưỡng nan. Chỉ có một số lao động trẻ khỏe có thể chuyển nghề, còn lại đa số ngư dân không có ruộng và do cả đời bám biển, bỏ tàu rời biển cũng không biết làm gì để mưu sinh.

Khó khăn chồng chất, nhưng hầu hết ngư dân Thái Thụy đều chung một suy nghĩ, quan điểm giống như anh Dũng: “Bám biển vừa để mưu sinh, vừa để bảo vệ chủ quyền biển đảo”. Ở một số xã đã thành lập các tập đoàn đánh cá hỗ trợ nhau trong sản xuất, khi gặp thiên tai. Vì vậy, hiện nay ngư dân mong muốn các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ họ một phần kinh phí phí xăng dầu như đã hỗ trợ bà con vào năm 2008 theo Quyết định 289 của Thủ tướng Chính phủ. Tạo điều kiện cho chủ tàu vay vốn với lãi suất ưu đãi để cải hoán, đóng mới tàu, mua sắm ngư lưới cụ vươn khơi xa, tăng sản lượng khai thác. Thái Thụy cũng cần có cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp vào đầu tư thu mua chế biến hải sản để có đầu mối tiêu thụ sản phẩm ổn định cho ngư dân. Hỗ trợ tàu thuyền các trang thiết bị bảo đảm an toàn khi ra khơi trong mùa mưa bão, đầu tư kinh phí nạo vét luồng lạch vì hiện nay các bến cá trên địa bàn bị bồi lắng quá nông, tàu thuyền ra vào khó khăn… có như vậy mới tạo thu nhập ổn định cho ngư dân, thúc đẩy nghề khai thác hải sản của huyện phát triển.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa