Thứ 7, 10/08/2024, 06:42[GMT+7]

Người dân Quỳnh Lâm Rời vùng sạt lở về nơi ở mới

Thứ 5, 06/06/2013 | 09:15:58
739 lượt xem
Quỳnh Lâm là một trong những xã nghèo của huyện Quỳnh Phụ, với 3 mặt tiếp giáp sông Luộc, hệ thống đê bối dài 7,8 km. Trước đây, hàng trăm hộ dân ven tuyến đê này phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ vì đất thổ cư bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng. Thế nhưng đến nay, các hộ dân nơi đây đã được cấp đất ở để di chuyển đến nơi an toàn, cách nơi ở cũ hơn 400 m, giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Người dân vùng sạt lở Quỳnh Lâm đang xây dựng nhà tại nơi ở mới.

Sự quan tâm của Nhà nước

Nhiều năm qua, hơn 100 hộ dân thuộc diện phải di dời khẩn cấp tại thôn Đồng Mỹ và Nghi Phú (xã Quỳnh Lâm) đều mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước để di dời đến nơi ở mới, giúp ổn định cuộc sống, tránh những hiểm họa khôn lường do thiên tai gây ra. Bởi, dọc tuyến sông Luộc chạy qua địa phận xã Quỳnh Lâm, nhiều diện tích đất vườn, nhà ở bị sạt lở, ăn sâu vào chân đê, kéo dài từ thôn Đồng Mỹ đến thôn Nghi Phú với trên 1 km.

Trong đó, thôn Đồng Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, tại đây nhiều đoạn đê bị khoét sâu từ 3-5 m, tạo thành vách đứng chơi vơi, chỉ cần một tác động nhỏ của lũ bão là cả mấy chục mét vuông đất bị lún sâu xuống lòng đất. Trước thực trạng đó, năm 2008, UBND tỉnh đã nhất trí thông qua việc di dời các hộ dân từ ngoài đê vào trong đê bối xã Quỳnh Lâm. Tỉnh đã đầu tư xây dựng đường giao thông, đường điện sinh hoạt, khoan giếng cấp nước sạch, làm hệ thống tiêu thoát nước và quy hoạch đất ở cho dân vào khu vực trong đê bối thuộc thôn Ngọc Tiến, với tổng diện tích quy hoạch là 43.972,5 m2. Ngày 19/12/2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2994/QĐ-UBND hỗ trợ các hộ gia đình di chuyển chỗ ở từ vùng xung yếu ngoài đê vào khu tái định cư xã Quỳnh Lâm.

Theo đó, mỗi hộ dân di dời đến khu ở mới được giao một lô đất với diện tích 150 m2, được miễn tiền sử dụng đất, một giếng nước khoan. Những hộ có diện tích đất ở tại nơi ở cũ lớn hơn diện tích được giao tại vùng tái định cư (đất nằm trong hạn mức quy định đối với Quỳnh Lâm là 200 m2/hộ) thì được hỗ trợ bằng tiền đối với diện tích đất chênh lệch theo giá đất của bảng giá đất hiện hành do UBND tỉnh phê duyệt; những hộ có diện tích đất nhỏ hơn sẽ phải nộp thêm tiền cho diện tích đất chênh lệch nhưng trước mắt cho nợ lại. Đối với đất vườn liền kề được hỗ trợ 50% mức bồi thường; các công trình xây dựng trên đất được hỗ trợ 80% mức bồi thường; cây lâu lăm hỗ trợ 50% mức bồi thường. Đồng thời hỗ trợ 20 triệu đồng kinh phí di chuyển.

Niềm vui bên những ngôi nhà mới

Vùng sạt lở xã Quỳnh Lâm có 102 hộ phải di chuyển chỗ ở từ vùng xung yếu ngoài đê vào khu tái định cư. Đến nay, 47 hộ đã được giao đất tại nơi ở mới, 21 hộ chuẩn bị nhận đất, các hộ còn lại chưa nhận đất ở nơi ở mới do chưa đủ điều kiện pháp lý về đất đai theo quy định, hoặc cố tình không di chuyển vì ở xa sông, sát đường, nhà chỉ có người già.

Theo cán bộ địa chính xã Quỳnh Lâm, chúng tôi đến nơi ở mới của người dân vùng sạt lở để chung vui cùng bà con bên những ngôi nhà mới. Không khí lao động khẩn trương, rộn ràng khắp “khu phố”. Nhà nhà cùng chạy đua với thời gian, ai cũng mong sớm có nhà mới để ở trước mùa mưa bão năm nay. Bác Nguyễn Công Hiên, một trong những hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ mưa lũ nhớ lại: “Mùa mưa lũ năm 2011, đặc biệt là cơn bão số 8 năm 2012, hơn 30 m2 đất vườn của gia đình bị sụt lún, có đoạn ăn sâu hơn 3 m. Từ mép sông vào ngôi nhà chỉ còn cách khoảng 5 m. Gia đình tôi luôn sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ mỗi khi có mưa bão. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, người dân vùng sạt lở chúng tôi rất vui mừng. Gia đình tôi được hỗ trợ trên 400 triệu đồng cùng 150 m2 đất và 1 giếng nước khoan ở nơi ở mới”.

Ngôi nhà kiên cố của gia đình bác đang trong giai đoạn hoàn thiện, không đầy tháng nữa bác sẽ chuyển về nơi ở mới và không còn phải lo cảnh chạy lũ mỗi khi mưa bão về. Đẫm mồ hôi bên đống vữa xi măng vừa trộn, bác Nguyễn Văn Đẩu chỉ ngôi nhà đang xây của mình, bộc bạch: “Nhờ Nhà nước hỗ trợ thêm, chứ bà con chúng tôi dễ gì làm được những ngôi nhà như thế này. Nhà nào cũng kiên cố, nhà ít thì một tầng, còn hầu hết bà con đều cố vay mượn để xây 2 tầng vừa rộng rãi, thoáng mát vừa đỡ phải xây dựng thêm khi con cái lớn lên. Ngày ở ngoài đó, cứ mưa bão là lo, nhiều nhà phải đi ở nhờ để tránh mưa bão. Mùa bão lụt tới đây, không còn chịu cảnh đó nữa rồi. Gia đình tôi được hỗ trợ 310 triệu đồng, cộng với số tiền tích góp nhiều năm, ngôi nhà 2 tầng kiên cố rộng 150 m2 sắp hoàn thiện, đó là niềm mơ ước bấy lâu nay”.

Ước mơ được chuyển vào khu tái định cư, chấm dứt cảnh lo âu, sợ hãi mỗi khi mùa mưa bão về, đối với những người dân như bác Hiên, bác Đẩu giờ đã thành hiện thực. 47/47 hộ nhận đất tại khu tái định cư đều đang xây dựng nhà. Với hệ thống đường giao thông, đường điện đã hoàn chỉnh, khu tái định cư dành cho các hộ di dân thôn Đồng Mỹ, Nghi Phú giờ đây trở thành một làng đẹp của xã Quỳnh Lâm.

Bài, ảnh: Minh Nguyệt

  • Từ khóa