Thứ 3, 23/07/2024, 14:17[GMT+7]

Làng “mất họ” xã Nam Cao

Thứ 2, 10/06/2013 | 08:26:39
6,371 lượt xem
Xã Nam Cao (Kiến Xương) nổi tiếng với làng nghề dệt đũi truyền thống. Tuy nhiên, ít người biết được nơi đây còn có “làng mất họ”.

Sẽ không còn thiệt thòi và hệ lụy cho các em khi tập tục “mất họ” được xóa bỏ.

Tình cờ tôi biết tới “làng mất họ” nhờ quen một chị bạn. Nghe họ của chị thật lạ tôi mới thắc mắc, chị bảo: “làng chị ngày trước có tập tục con gái sinh ra không được mang họ cha như nam giới. Thay vào đó, tên đệm của cha sẽ được dùng làm họ cho con gái”. Tập tục này giờ đây không còn nhưng những hệ lụy của nó thì đến nay chưa phải đã hết.

 

Nam Cao là xã đất chật, người đông với 2.026 hộ, 6.629 khẩu được chia làm 10 thôn. Xã có nhiều dòng họ: Nguyễn, Phạm, Ðinh…, trong đó dòng họ Nguyễn được xem là lớn nhất với nhiều chi: Nguyễn Thiên, Nguyễn Xuân, Nguyễn Văn, Nguyễn Tiến, Nguyễn Ðình, Nguyễn Duy… Và cũng chỉ ở họ Nguyễn trong xã mới xuất hiện tục lệ kỳ lạ: lấy tên đệm cha làm họ cho con gái. Không ai biết tập tục này có từ bao giờ, chỉ biết rằng nó đã tồn tại qua nhiều thế hệ, đi vào tiềm thức của người dân nơi đây. Nguyên do vì sao cũng chưa có sự thống nhất. Nhiều người cho rằng sở dĩ lấy tên đệm cha làm họ cho con gái để người khác nghe tên mà biết được rằng người con gái ấy thuộc chi, họ nào; cũng có người thì cho rằng, đó là do quan niệm cổ hủ trọng nam khinh nữ. Vì con gái lấy tên đệm của cha làm họ nên trong làng xuất hiện nhiều họ lạ và hay. Chẳng hạn, người cha tên Nguyễn Xuân Quang, khi sinh con gái sẽ lấy họ là Xuân như: Xuân Thị Hoa, Xuân Thị Hà… Ở Nam Cao, con gái có nhiều họ “độc” như: Xuân Thị, Văn Thị, Duy Thị, Ðình Thị… Cũng bởi lẽ đó mà anh em ruột thịt trong nhà nhưng lại mang họ khác nhau.

 

Trò chuyện với cán bộ tư pháp xã Nam Cao, chúng tôi được nghe không ít những câu chuyện dở khóc dở cười liên quan đến tục lệ lạ lùng này. Trong Ðiều 5, Nghị định số 158/2005/NÐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch khẳng định: "Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với giấy khai sinh của người đó". Và không ít rắc rối phát sinh bởi những họ lạ: Xuân Thị, Ðình Thị, Duy Thị, Hữu Thị… Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Thiên Ðịnh, Chủ tịch UBND xã Nam Cao cho biết: tục lệ lấy tên đệm của cha làm họ cho con gái ở Nam Cao không biết có từ bao giờ, chỉ biết trong gia phả nhiều đời đã thực hiện tục lệ này.

 

Mặc dù đây là một tập tục có từ lâu đời, song do có quá nhiều bất cập nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày, nhất là với phụ nữ, cũng vì thế, khoảng 20 năm trở lại đây, nhờ sự vận động, giải thích của các cán bộ tư pháp mà hiện tượng này đã giảm dần và tới giờ không còn nữa. Cán bộ tư pháp dẫn chứng với chúng tôi rất nhiều trường hợp phải “chạy đôn chạy đáo” chỉ để chứng minh mình là con ruột của người cha “không cùng họ” như: các vấn đề rắc rối khi làm giấy khai sinh, thủ tục nhập học, vay vốn… nhiều trường hợp “dở khóc dở cười”. Ðến kỳ nhập học, cán bộ xã lại khổ sở giải quyết các trường hợp xác minh, chứng thực cho các cháu học sinh khi làm thủ tục nhập học… Tìm hỏi đến các bậc cao niên trong xã, các cụ cũng lắc đầu chỉ biết tập tục này có từ rất lâu và cũng chỉ phỏng đoán rằng lấy tên đệm của cha làm họ cho con gái là để biết được rằng người con gái ấy thuộc chi họ nào mà thôi.

 

“Ðất lề, quê thói”, trên mỗi miền quê, đâu đâu cũng có và còn lưu giữ những tập tục truyền thống. Gìn giữ nét văn hóa ấy chính là bảo tồn hồn quê cho mai sau. Tuy nhiên, với những tập quán không ít bất cập như tục “mất họ” này nên xóa bỏ. Mong rằng chính quyền xã Nam Cao tích cực tuyên truyền, vận động đến người dân để không còn những quan niệm mang tính chất bất bình đẳng giới và gây không ít thiệt thòi cho các em gái trong việc sửa giấy tờ khớp với họ của cha.

Bài, ảnh:  Lưu Ngần

  • Từ khóa