Chủ nhật, 30/06/2024, 19:54[GMT+7]

Giải khát vỉa hè “sốt “ theo thời tiết

Thứ 2, 10/06/2013 | 14:01:31
1,121 lượt xem
Nền nhiệt độ trên 37oC những ngày hè đã tạo lên “cơn sốt” về nhu cầu thức uống giải khát, giải nhiệt của người dân. Các mặt hàng từ trà đá, nhân trần đến nước dừa, mía đá, nước uống đóng chai… luôn hút khách với mức tiêu thụ “chóng mặt” so với ngày thường.

Hàng giải khát hút khách

Chỉ với một chiếc xe đẩy hàng với những loại nước ngọt sẵn có, bình trà đá, nhân trần, hộp me đá, sấu đá, thuốc lá và vài chiếc ghế nhựa đã trở thành quán nước bên hè phố Quang Trung, Hai Bà Trưng, Lê Quý Ðôn, Lý Thường Kiệt (Thành phố Thái Bình). Phục vụ những sản phẩm bình dân, giá rẻ nên giải khát vỉa hè rất hút khách. Chị Nga chủ quán nước trên đường Quang Trung chia sẻ: “Mía được mua cất từ chợ đầu mối với giá khoảng 10.000 đồng/cây, được cạo vỏ, làm sạch ép được 4-5 cốc mía đá, bán 10.000/cốc.

Nước hoa quả ngâm như sấu, me đá 10.000 đồng/cốc; dừa lấy nước giá từ 20.000 - 40.000 đồng/quả tùy loại; ly trà đá, nhân trần giá 2.000 - 3.000 đồng/cốc khách hàng đã có thể giải khát, xua tan cái nóng nực mùa hè”. Buổi tối, giải khát vỉa hè mới thực sự là điểm đến lý tưởng của người dân, đặc biệt là giới trẻ đi hóng mát, xả nhiệt oi bức. Tận dụng lợi thế không gian, bãi cỏ rộng rãi, thoáng mát nên các quán giải khát ven sông Trà Lý, chân cầu Bo (Thành phố Thái Bình) thu hút rất đông khách. Hầu hết những quán nước này hoạt động chuyên nghiệp, quy mô và có đầu tư. Mỗi quán đều trang bị máy ép nước mía có giá tối thiểu là 4 triệu đồng/chiếc và có từ 2 - 3 nhân viên phục vụ. Cô Loan - một người bán hàng lâu năm ở đây cho biết: “Giá mía đá, dừa đá, sấu đá… dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/cốc.

Từ đầu hè, thời tiết nắng nóng gay gắt nên lượng khách tăng vọt, bình thường bán được 30 - 50 cốc nước/tối thì nay bán được tới 50 - 70 cốc/tối, tính ra lãi được trên 500.000 đồng/tối. Cô phải huy động chồng và con gái thay nhau trông xe, bưng bê nước cho khách. Ngày nào cũng tất bật từ 7h tối đến gần 11h đêm”. Theo cô Loan, có đến hơn 20 quán nước như gia đinh cô trên đoạn đê này. Ðể có địa điểm bán hàng thuận lợi ven đê, các hộ kinh doanh nước giải khát phải đăng ký với Ủy ban nhân dân phường, hàng tháng nộp lệ phí hơn 300.000 đồng tiền vệ sinh và bảo đảm an ninh trật tự. Khách hàng chủ yếu là thanh niên, học sinh, sinh viên tụ tập để trò chuyện, tán gẫu. Từng nhóm bạn trẻ khoảng 5 - 7 người ngồi dưới bãi cỏ, gọi một đĩa hướng dương và vài ly nước là có thể thoải mái “chém gió” cùng nhau. Minh Tân (sinh viên đại học Thái Bình), một khách ruột giải khát vỉa hè chia sẻ: “Thời tiết nắng nóng, phòng trọ của mình không khác gì lò thiêu nên nhiều buổi tối mình rủ bạn đi uống nước, buôn chuyện cho vui. Bọn mình chọn giải khát vỉa hè hợp túi tiền, quan trọng là có thể “buôn” thoải mái”.

Tiềm ẩn những nguy cơ…

Nước mía "siêu sạch" liệu có thật sự sạch!?

Ðiều đáng nói là những dịch vụ giải khát kiểu này luôn tiềm ẩn những nguy cơ ngộ độc thực phẩm do không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thực phẩm. Gọi là giải khát vỉa hè bởi từ nguyên liệu, công cụ chế biến đến sản phẩm đều được bày bán ngay sát đường giao thông, nơi phương tiện và người qua lại. Bụi đường, khói xe độc hại mắt thường khó thấy bám vào từng khúc mía tươi được cạo lớp vỏ, vào trái dừa hay chai lọ đựng nước ngọt... Việc vệ sinh dụng cụ cốc chén, thông thường, sau khi được hàng trăm khách luân phiên dùng chung được sục vào một xô, hoặc chậu đựng nước cho cả ngày. Ngoài ra, phần lớn các cơ sở giải khát thường sử dụng các loại đá cây đập nhỏ dùng trong công nghiệp, hương liệu có sẵn, đường hóa học để pha chế nước giải khát bất chấp sức khỏe, tính mạng của khách hàng. Ðây thực sự là những mối lo về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm với người tiêu dùng.

Bài, ảnh:  Nguyễn Thơi

  • Từ khóa