Thứ 5, 23/01/2025, 07:04[GMT+7]

Khói vẫn ùn ùn “tấn công” người dân

Thứ 4, 12/06/2013 | 10:35:31
1,547 lượt xem
Mặc dù tiếng loa truyền thanh của xã Vũ Lạc (Thành phố Thái Bình) liên tục phát đi Công điện số 03/CĐ-UBND của UBND tỉnh về việc chỉ đạo không đốt rơm rạ để bảo vệ môi trường và trật tự an toàn giao thông, nhưng rất nhiều hộ dân ở đây vẫn “bỏ ngoài tai”, thản nhiên đốt rơm rạ trên khắp xứ đồng.

Nông dân xã Vũ Lạc (Thành Phố Thái Bình) vẫn thản nhiên đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa xuân.

Không riêng gì Vũ Lạc, trong những ngày 8-9/6, chúng tôi đi qua các huyện Vũ Thư, Hưng Hà, Kiến Xương… khói ở đồng ruộng vẫn ngùn ngụt bốc lên, lan tỏa mù mịt khắp các ngả đường, ngõ xóm.

Trong những năm gần đây, khi đời sống của người nông dân được nâng cao thì nhu cầu dùng rơm rạ để làm chất đốt phục vụ sinh hoạt cơ bản không còn, thay vào đó là dùng gas, điện hoặc than. Chính vì vậy, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, lượng rơm rạ tồn dư là rất lớn. Để không tốn công lao động và xử lý được nhanh, các hộ nông dân đã đốt luôn rơm rạ ở đồng, ven đường làng, đường trục xã, quốc lộ. Song, chính những việc làm này đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi người và gây ra nhiều vụ tại nạn giao thông thương tâm.

Để ngăn chặn, chấn chỉnh các hộ nông dân đốt rơm rạ, UBND tỉnh đã có Công điện gửi các huyện, thành phố triển khai các biện pháp không để xảy ra tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng, đường giao thông… Tuy nhiên, việc đốt rơm rạ vẫn xảy ra ở nhiều xã trên địa bàn các huyện, thành phố. Bà Nguyễn Kim Chức, thôn Thưởng Duyên, xã Văn Lang (Hưng Hà) cho biết: Hiện nay, hầu như không còn gia đình nào dùng rơm rạ để làm chất đốt nữa, do đó rất ít gia đình sau khi thu hoạch lúa xuân chở rơm rạ về nhà, thường là đốt luôn tại ruộng.

Khi chúng tôi hỏi việc các hộ dân có biết chủ trương cấm đốt rơm rạ của UBND tỉnh không, bà Chức thản nhiên trả lời: “người ta” chỉ cấm đốt ở đường thôi, chứ đốt ngoài ruộng ai cấm! Tại Vũ Lạc, khi chúng tôi đưa máy ảnh ra chụp hai ông bà khoảng 60 tuổi đang cặm cụi gảy rơm rạ cho dễ cháy, người đàn ông đã phản ứng gay gắt: “Các anh chụp để bôi xấu chúng tôi đấy à, chúng tôi không đốt thì biết làm gì, giờ tuổi đã cao có muốn thu gom rơm rạ về nhà cũng không được…”. Qua tiếp xúc với một số hộ nông dân cho thấy, việc tuyên truyền Công điện của UBND tỉnh ở một số xã chưa đến được với người dân, hoặc có biết nhưng do tuổi cao, thiếu lao động để thu gom rơm rạ… nên việc đốt rơm rạ vẫn diễn ra.

Đặc biệt hơn, ở các điểm chúng tôi đến người dân đốt rơm rạ đầy ruộng, khói bao trùm cả Thành phố Thái Bình và các thôn làng, nhưng không thấy bóng dáng cán bộ chính quyền sở tại nào đi nhắc nhở, xử lý. Công điện số 03/CĐ-UBND  đã nêu rõ: “Chủ tịch UBND các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn triển khai các biện pháp để thực hiện nghiêm túc trên địa bàn: không đốt rơm rạ ở đồng ruộng, không phơi thóc, rơm rạ, tuốt lúa, đốt rơm rạ trên đường giao thông.

Xử lý kịp thời và kiên quyết các vụ việc vi phạm theo quy định của pháp luật, chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã nếu xảy ra vi phạm”. Nếu xét theo Công điện 03/CĐ-UBND thì sau vụ lúa xuân này sẽ có bao nhiêu chủ tịch UBND xã sẽ bị kiểm điểm trách nhiệm? Thực tế cho thấy, ngay tại địa bàn Thành phố Thái Bình vào các ngày mùng 6 đến 9/6 cứ khoảng 4 giờ chiều, khói bắt đầu “tấn công” mù mịt trời, không khí trở nên ngột ngạt. Nếu ai đã từng đi qua các cánh đồng thuộc địa phận xã Vũ Lạc, Vũ Chính, phường Trần Lãm… nhìn những cột khói bốc lên mới thấy được môi trường bị “tận diệt” như thế nào.

Khói đặc quánh lại, cảm giác có thể xắt ra từng miếng được. Do đốt rơm rạ đã khiến không ít trẻ nhỏ bị ảnh hưởng đường hô hấp phải nhập viện, người lớn đi làm khó khăn. Chị Nguyễn Thị Quý, ở thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương) cho biết: Gia đình tôi ở Hải Phòng, nhân ngày cuối tuần cho con (3 tháng tuổi) về nhà  bố mẹ chồng chơi, nhưng suốt ngày phải đóng cửa không dám đi ra ngoài, bởi khói quá nhiều, ngột ngạt; mặc dù không ra ngoài nhưng cháu đang có biểu hiện ho, sốt; tôi rất lo lắng nếu tình trạng đốt rơm rạ kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cháu.

Để xử lý rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch lúa, ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo các hộ nông dân mua các chế phẩm vi sinh giúp rơm rạ phân hủy nhanh, như Azotobacterin, AT, Bio-vac… Tuy nhiên, các chế phẩm phân hủy rơm rạ hiện có giá khá cao, đồng thời phải mất công phun nên rất khó cho người dân khi bỏ số tiền lớn ra để xử lý. Theo khuyến cáo của tỉnh, trước mắt sau mỗi vụ thu hoạch, các hộ nông dân cần thu gom rơm rạ lại, quật thành đống vào góc ruộng để rơm rạ tự phân hủy. Nếu làm được việc này, không chỉ tránh được ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông mà còn giúp bà con có thêm lượng phân bón từ rơm rạ khi đã hoai mục, làm đất thêm tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt hơn.

            Bài, ảnh: Nguyên Bình

  • Từ khóa