Chủ nhật, 11/08/2024, 10:21[GMT+7]

Làng chài Cao Bình quẩn quanh bám biển

Chủ nhật, 16/06/2013 | 21:31:52
1,323 lượt xem
Được sự quan tâm của chính quyền các cấp, đặc biệt là Dự án hỗ trợ nhà ở của UBND tỉnh triển khai năm 2008, ngư dân làng chài Cao Bình đã từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống, con em Cao Bình dần thoát khỏi cảnh lăn tay điểm chỉ. Tuy nhiên để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nơi đây vẫn còn là một bài toán khó với chính quyền các cấp.

Khu định cư mới ở Cao Bình.

Từng được biết đến với cái tên: "làng điểm chỉ”, "làng mù chữ", "xóm nước đen"… cuộc sống của người dân làng chài Cao Bình (thôn Cao Bình, xã Hồng Tiến, Kiến Xương) một thời dường như bị "bỏ quên" trong đói nghèo, mù chữ và lạc hậu. Những năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, đặc biệt là Dự án hỗ trợ nhà ở của UBND tỉnh triển khai năm 2008, ngư dân làng chài Cao Bình đã từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống, con em Cao Bình dần thoát khỏi cảnh lăn tay điểm chỉ. Tuy nhiên để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nơi đây vẫn còn là một bài toán khó với chính quyền các cấp.

Ông Đỗ Đức Cảnh, Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến cho biết: Dự án hỗ trợ nhà ở cho ngư dân làng chài Cao Bình được triển khai năm 2008, giao cho Chi cục Phát triển nông thôn, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình làm chủ đầu tư. Mục tiêu chính của Dự án là bố trí, sắp xếp đất cho dân cư chưa có nhà ở tại thôn Cao Bình. Đến nay, Dự án đã hoàn thành giai đoạn 1, cấp đất cho 63 hộ vào đầu năm 2012. Mỗi hộ dân được cấp 100 m2 đất ở. Các công trình giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa thôn, trường mầm non đã hoàn thành. Ngoài ra, ở giai đoạn 1, mỗi hộ gia đình còn được trợ cấp 10 triệu đồng để xây nhà. Trong thời gian tới, 70 hộ còn lại trong giai đoạn 2 của Dự án cũng sẽ được cấp đất để người dân Cao Bình không còn cảnh lấy thuyền làm nhà.

Về Cao Bình trong những ngày cuối tháng 5, khi nơi nơi bà con hối hả thu hoạch lúa xuân, rơm thóc vàng óng trên từng mảnh sân, lối ngõ thì ở khu nhà ở của ngư dân làng chài mọi thứ như ngưng lại. Trên con đường mới rộng thênh thang, khu nhà ở của các ngư dân được bố trí, quy hoạch như một "khu phố”. Không khí vắng vẻ, yên lặng bao trùm nơi đây. Tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Thiệu, Phó trưởng thôn Cao Bình, thật may mắn cho chúng tôi khi không hẹn trước mà được gặp anh ở nhà. Bởi anh cho biết, anh cũng như hàng trăm hộ dân trong thôn, công việc mưu sinh hàng ngày gắn với thuyền, với nước. Có nhà ở ổn định như anh cũng ít khi ở nhà vì nghỉ ngày nào, cả nhà đói ăn ngày ấy.

Chỉ ra sân thóc trước cửa, anh Thiệu cho biết: bà con thôn khác mang rơm, thóc tới phơi nhờ vì đường thôn rộng rãi lại… ít người qua lại. Năm 1993, khi địa phương tiến hành chia ruộng cho người dân, ngư dân không có đất định cư nên cũng không thiết tha tới ruộng. Đến nay, khi các hộ trong thôn được cấp đất xây nhà lại không có tư liệu sản xuất, nghề phụ cũng không, bà con chỉ biết quay lại bám biển kiếm bát cơm. Cuộc sống lấy thuyền làm nhà có lẽ chỉ người dân Cao Bình mới thấu hiểu hết được. Nhưng "dù thế nào thì chúng tôi cũng có biển nuôi sống. Chính quyền chỉ cấp đất mà chưa tạo được việc làm nên nếu ở trên bờ chúng tôi chẳng biết sống bằng gì”. Cái vòng luẩn quẩn ấy xem chừng mơ hồ chưa lối thoát.

Anh Thiệu cho biết thêm: Toàn thôn hiện có 171 hộ với gần 800 khẩu, trong đó trên 90% hộ lênh đênh thuyền nước. Trong số 63 hộ trong Dự án được bố trí chỗ ở cũng mới chỉ có 40 hộ làm được nhà tạm thời hoặc kiên cố, còn lại hơn 20 hộ chỉ làm móng để đó. Tuy có nhà cửa kiên cố nhưng phần lớn thời gian trong năm, ngư dân ở trên thuyền, chỉ có người già, trẻ em mới ở nhà.

Ngồi tựa bậc cửa, ánh mắt nhìn xa xăm mong ngóng những đứa con từ biển trở về, bà Nguyễn Thị Phượng cho biết: "Được chính quyền địa phương cấp đất, hỗ trợ tiền xây nhà nên gia đình bà cũng cố gắng dành dụm xây dựng được căn nhà cấp 4. Tuy nhiên, không ruộng cũng chẳng có nghề nào khác, các con bà lại vác lưới ra biển. Ngày thường, bà chăm sóc hai cháu nhỏ đang học cấp 1. Hè đến, các cháu được nghỉ học nên theo bố mẹ đi biển, một mình bà còm cõi trong xóm mới vắng vẻ”. Người bạn thường xuyên lui tới trò chuyện, trông nom nhau lúc ốm đau là bà Trần Thị Mạnh cũng trong hoàn cảnh tương tự. Bà Mạnh cho biết: "Cả đời ông bà cũng chỉ ước ao có mảnh đất lấy chỗ trú mưa nắng, từ ngày Nhà nước quan tâm, hỗ trợ ngư dân làng chài, bà con phấn khởi lắm. Thế hệ các bà không được biết tới cái chữ nhưng giờ đây nhìn các cháu cầm sách đọc vanh vách, bà mừng lắm. Dù hàng tháng phải bỏ tiền thuê người chở cháu đi học nhưng bà thấy "cái chữ, cái học" còn đáng giá hơn nhiều".

Là một trong ít những hộ trụ lại trên bờ, gia đình chị Nguyễn Thị Tròn đã xây dựng được căn nhà khang trang. Bán thuyền lên cạn, anh lên Hà Nội làm thuê còn chị hàng ngày buôn cá, chạy chợ nuôi ba con ăn học. Chị Tròn tâm sự: ngày vợ chồng chị bước chân lên bờ, anh em ai cũng khuyên ngăn bởi đã quen với cuộc sống trên biển, ngoài mảnh đất, anh chị tay trắng dựng nhà. Nhưng nghĩ tới tương lai các cháu, muốn con cái thoát cảnh tăm tối như bố mẹ, anh chị vay mượn anh em, họ hàng dựng nhà định cư. Nhớ lại những ngày còn lênh đênh trên thuyền, để con đến được với cái chữ thật gian nan. Ngày nước lớn, thuyền cập gần bờ thì còn đỡ, hôm nào nước cạn, thuyền phải đậu từ xa, chồng chị cõng con gái còn chị vác xe đạp vào bờ cho con. Mỗi trưa, dù đánh bắt ở đâu cũng phải tạt thuyền vào bờ để đón con về. Đường đất lầy lội, quần áo lấm lem nhưng con chị vẫn ham tới trường. Đó chính là niềm vui lớn nhất với anh chị. Chị Tròn cũng cho biết, gia đình chị cũng như số ít hộ ở lại đất liền thường xuyên nhận thêm các cháu là con của anh em ngư dân làng chài ở nhờ để đến trường. Nhà ít thì 2,3 cháu, nhà nhiều thì 5, 6 cháu. Để được đi học, các cháu phải xa bố mẹ ở nhờ nhà người thân, thậm chí bất kể nhà nào đồng ý cho ở nhờ. Hè đến, các em lại theo bố mẹ đi biển. Nhưng theo sóng gió của biển cả, con chữ liệu có còn?

Không chỉ 70 hộ ở giai đoạn 2 mà còn nhiều hộ tách khẩu sau khi Dự án được triển khai đang mong ngóng từng ngày để được cấp đất lên bờ. Nhưng cũng như các hộ bà Phượng, bà Mạnh, chị Tròn đều mong muốn chính quyền các cấp sớm cấp ruộng, có chính sách hỗ trợ, tạo việc làm để họ ổn định cuộc sống, có như vậy mới sớm thoát khỏi cái vòng nghèo đói – mù chữ - lạc hậu.

Bài, ảnh: Quang Hà

  • Từ khóa