Thứ 3, 30/07/2024, 23:19[GMT+7]

Thu trạm xá phí - xóa bỏ thói quen “miễn phí”

Thứ 3, 18/06/2013 | 08:04:17
912 lượt xem
Cũng như khi đến bệnh viện phải đóng tiền viện phí, việc thu trạm xá phí là việc làm bình thường bởi đây cũng là quy định trong hoạt động khám chữa bệnh tại trạm y tế. Song, vì nhiều lý do, từ nhiều năm qua, tại hầu hết các trạm y tế không thực hiện được quy định này.

Khám bệnh cho trẻ em tại Trạm Y tế xã Tân Hòa (Vũ Thư).

Không thu tiền khám vì “toàn người làng, người xóm”

 

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Trạm y tế xã Tân Hòa (huyện Vũ Thư) cho biết, mỗi ngày Trạm tiếp đón từ 5 - 7 bệnh nhân đến khám bệnh. Trừ tiền mua thuốc và chi phí cho một số thiết bị thiết yếu phục vụ bệnh nhân, Trạm không thu tiền khám và miễn phí nhiều loại dịch vụ khác.

 

Là một trong những trạm y tế được đánh giá hoạt động tốt của huyện Vũ Thư, có số lượng bệnh nhân đông, mỗi ngày tiếp đón trung bình từ 40 - 50 bệnh nhân đến khám bệnh nhưng cũng giống như ở Tân Hòa, Trạm Y tế xã Tân Phong cũng không thu tiền phí khám chữa bệnh. Bác sĩ, Trưởng trạm Nguyễn Thị Loan cho biết, không chỉ miễn phí tiền khám mà nhiều dịch vụ y tế khác Trạm cũng hoàn toàn không thu tiền.

 

“Toàn người làng, người xóm cả, một vài nghìn chẳng đáng là bao nên chúng tôi không thu của bà con!”. Đó là câu trả lời chung của đội ngũ cán bộ trạm y tế xã khi được hỏi về vấn đề thu phí trạm y tế. Một số trưởng trạm khác chia sẻ: Có muốn thu cũng chẳng thu được vì việc khám miễn phí đã thực hiện nhiều năm rồi.

 

Cùng với việc không thu phí khám bệnh và miễn phí một số dịch vụ kỹ thuật khác, các trạm y tế cũng không thu được trạm xá phí theo đúng quy định. Mức thu phí một lần khám bệnh tại trạm y tế theo quy định hiện nay là 5.000 đồng song tại các trạm y tế đang thực hiện thu với mức chỉ đạt từ 40 - 60% số thu theo quy định. Bác sĩ Đỗ Văn Siu, Giám đốc Trung tâm Y tế Hưng Hà cho biết: tại Hưng Hà, chỉ có một số trạm y tế thực hiện thu tiền khám bệnh song các trạm này chỉ áp dụng mức thu từ 3.000 - 3.500 đồng cho một lần khám bệnh.

 

Là một trong những trạm y tế hoạt động tốt tại huyện Kiến Xương, mỗi ngày Trạm Y tế xã Bình Nguyên khám trung bình từ 40 - 50 bệnh nhân. Theo Trưởng trạm Trịnh Thanh Bình, mặc dù việc thu phí đã thực hiện nền nếp từ rất lâu nhưng để phù hợp với điều kiện của người dân địa phương, Trạm chỉ thu ở mức 2.000 đồng/lần khám. Đang thực hiện được khoảng 80% trong tổng số 176 kỹ thuật được phân cấp, tuy nhiên mức thu các dịch vụ kỹ thuật khác cũng chỉ ở mức 20 - 40%.

 

Phân tích cụ thể hơn về việc không thu hoặc giảm thu trạm xá phí, cả giám đốc các trung tâm y tế và nhiều trưởng trạm đều chia sẻ: việc thu trạm xá phí nếu theo đúng quy định, một số dịch vụ có phí cao chưa thực sự phù hợp với mặt bằng đời sống của nhân dân vùng nông thôn nên rất khó thực hiện. Hơn nữa, nếu thu được, UBND xã sẽ đối trừ cắt hoặc giảm kinh phí hoạt động của trạm y tế. “Chẳng dại gì mà thu phí để nhân dân xa rời trạm y tế” - đó cũng là cách giải thích và lối suy nghĩ để không ít trạm y tế lơ là và chưa quan tâm đến vấn đề thu phí tại trạm.

 

Hình thành thói quen “trả phí, nhận dịch tốt”

 

Có một “bài ca muôn thuở” mà các trạm y tế và địa phương hay mượn để lý giải nguyên nhân trì trệ trong hoạt động của mình là do “khó khăn về kinh phí”. Song một nghịch lý đang diễn ra là khi được phép thu và phải thu theo đúng quy định thì các trạm lại không thu vì “chẳng đáng là bao”. Bác sĩ Phạm Gia Lai, Phó giám đốc Sở Y tế phân tích: việc không thu trạm xá phí không chỉ đơn thuần là việc không chấp hành đúng quy định trong hoạt động của trạm y tế mà còn là lực cản đối với hoạt động khám chữa bệnh tại hệ thống trạm y tế cơ sở.

 

Thói quen “miễn phí”, “xin - cho” trong cả cán bộ lẫn nhân dân đã hình thành nên cung cách làm việc: cán bộ y tế cơ sở khám bệnh qua quýt, đại khái, không hết trách nhiệm và khả năng chuyên môn của mình; nhân dân đi khám bệnh, cán bộ khám sao, nghe vậy, chẳng dám “ho he” ý kiến gì vì mang tư tưởng của người được “miễn phí”. Đó chính là lý do tại sao việc thực hiện kỹ thuật được phân cấp tại trạm y tế còn rất hạn chế. Tại nhiều trạm y tế, dù có đến hai bác sĩ nhưng không thực hiện được một vết khâu rách da thông thường, phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Vòng tròn luẩn quẩn “không làm - không thu phí, không thu phí - không làm” đã khiến “cỗ xe” trạm y tế trở nên ì ạch. Không thu phí, các trạm y tế chỉ trông chờ vào ngân sách địa phương cấp, do đó không có khả năng tự đầu tư trang thiết bị, không nâng được chất lượng hoạt động.

 

Trở lại với kinh nghiệm thu trạm xá phí tại huyện Kiến Xương (là huyện thực hiện tốt nhất quy định này), bác sĩ Phạm Quang Vũ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: sở dĩ có nhiều trạm y tế thực hiện được quy định này là vì UBND huyện đã có công văn quy định về việc thu trạm xá phí và yêu cầu UBND các xã không đối trừ cắt hoặc giảm kinh phí hoạt động của trạm. Kinh phí do trạm y tế thu được giao cho trưởng trạm quản lý, điều tiết để đầu tư mua sắm trang thiết bị hoạt động và hỗ trợ đời sống cán bộ. Thực hiện tốt chỉ đạo này nên đến nay Trạm Y tế xã Bình Nguyên đã có cơ sở vật chất, trang thiết bị khá đầy đủ, hoạt động khám chữa bệnh rất hiệu quả. Việc thu phí khám bệnh và trả phí cho các dịch vụ đã trở thành việc thường ngày mà mỗi người dân địa phương đều đồng thuận. Không những thế, nhiều người dân các xã khác cũng sang Bình Nguyên khám và họ hài lòng với việc thu phí và được khám, điều trị tại đây. 

 

Bác sĩ Phạm Gia Lai cho biết: “Khi thu tiền khám của bà con, cán bộ tự biết mình phải có trách nhiệm hơn với công việc của mình. Bà con mất tiền để khám, họ cũng có quyền đòi hỏi về chất lượng khám, điều trị. Sự ràng buộc trách nhiệm này sẽ giúp đội ngũ cán bộ y tế cơ sở làm việc tốt hơn. Không thu phí không phải là tốt cho nhân dân mà chính thu phí mới là thương dân”. Vì vậy, “Trả phí, nhận dịch vụ tốt” là điều mà chúng ta cần tích cực tuyên truyền đến nhân dân. Bản thân đội ngũ cán bộ cơ sở cũng cần hiểu sâu sắc về vấn đề này để thay đổi thói quen “miễn phí” đã hình thành trong nếp nghĩ từ lâu nay. Cùng với đó, kinh nghiệm trong việc chỉ đạo từ huyện Kiến Xương và thực tế triển khai tại xã Bình Nguyên sẽ là kinh nghiệm hay cho các địa phương trong thực hiện thu trạm xá phí. Sự thay đổi cách thức và phương thức phục vụ sẽ là động lực thúc đẩy các trạm y tế nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh.

Bài, ảnh: Trần Thu Hương

 

  • Từ khóa