Thứ 3, 21/01/2025, 11:12[GMT+7]

Nông dân Thái Thụy trăn trở sau vụ lúa xuân

Thứ 2, 24/06/2013 | 09:41:30
1,133 lượt xem
Ðến thời điểm này, Thái Thụy cơ bản thu hoạch xong lúa xuân, các địa phương tập trung làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa mùa. Vụ này, lúa đạt năng suất cao trên tất cả các trà, các giống, nhưng sau niềm vui được mùa, nông dân cũng còn nhiều trăn trở

Nông dân Thái Thụy thu hoạch lúa xuân trong niềm vui chưa trọn vẹn

Chúng tôi về thăm cánh đồng mẫu với diện tích 50 ha của xã Thụy Trình đang vào mùa thu hoạch rộ. Những tưởng cánh đồng mẫu gieo sạ liền vùng, cùng trà, nông dân sẽ đưa máy vào thu hoạch đồng bộ nhưng khi ra ruộng hầu hết diện tích đều thu hoạch thủ công, hết cắt rồi lại kéo lúa vào bờ rất nhọc nhằn, vất vả. Chị Tạ Thị Kiều (thôn Ðông) chia sẻ: ”Gia đình tôi cấy 7 sào, trong đó có 2 sào RVT trên cánh đồng mẫu. Ðược hỗ trợ toàn bộ giống, thuốc trừ cỏ, lại gieo sạ nên cũng tiết kiệm khá nhiều chi phí, công lao động. Năng suất lúa đạt khoảng 2 tạ/sào. Xã vận động thu hoạch bằng máy để đỡ vất vả hơn nhưng ngặt nỗi nhà chỉ cấy có vài sào ruộng, không nghề phụ đến mùa gặt mà thuê máy nữa mình biết làm gì, phải tận dụng sức lao động để lấy công làm lãi”. Còn Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Thụy Trình Nguyễn Ðắc Dự cho biết: “Vụ xuân năm 2013, Thụy Trình gieo cấy 371 ha, trong đó 50 ha quy vùng cánh đồng mẫu cấy giống RVT.

Ngoài phần hỗ trợ về giống, thuốc trừ cỏ của huyện, HTX trích kinh phí hỗ trợ thêm nông dân mỗi sào 42.000 đồng. Sản xuất trên cánh đồng mẫu, xã viên rất phấn khởi, chấp hành tốt quy trình gieo sạ, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên lúa đạt năng suất cao, trung bình trên 2 tạ/sào. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là lúa thu hoạch về nhưng không có đơn vị nào đứng ra thu mua cho nông dân. RVT là giống mới, dù nấu cơm rất dẻo và thơm nhưng tư thương rất e dè không muốn mua nên giá bán chỉ tương đương với giống lúa lai. Như vậy, cánh đồng mẫu của địa phương mới chỉ thành công ở khâu tổ chức sản xuất, nếu không có đầu mối tiêu thụ ổn định sẽ rất khó nhân rộng ở những vụ sau”. Khác với Thụy Trình, nhiều năm nay xã Thụy Ninh xây dựng thành công mô hình liên kết sản xuất lúa giống BC15 cho Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình.

Riêng năm 2012, toàn xã cung ứng được 800 tấn thóc giống, gấp 1,6 lần so với năm 2011 và gấp 3 lần so với năm 2010, giá trị sản xuất tăng thêm 1,6 tỷ đồng so với cấy lúa thịt. Trên đà thắng lợi, vụ xuân năm nay toàn xã quy vùng cấy 130 ha lúa giống BC15, lúa tốt bời bời, năng suất đạt khoảng 74 tạ/ha, dự kiến cung ứng 600 tấn thóc hàng hóa. Nhiều gia đình có từ 2 đến 3 mẫu ruộng cấy 100% lúa BC15 chắc mẩm sau vụ thu hoạch sẽ bỏ túi vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, do nhiều lý do nên vụ này Công ty không thu mua thóc cho nông dân mà chỉ hỗ trợ thóc giống nên bà con ai cũng buồn. Một nông dân nói với chúng tôi: ”Hàng tấn thóc trong nhà bán ra ngoài thị trường đến bao giờ cho hết. Trong khi giá thóc xuống thấp, gọi thương lái đến họ còn ngúng nguẩy, nói khó mỗi lần mới cân cho 1 hoặc      2 tạ”.

Vụ xuân năm 2013, Thái Thụy gieo cấy 12.782 ha, trong đó lúa ngắn ngày chiếm 99,05% diện tích. Về cơ cấu giống: 32,7% giống lúa lai, 43,5% giống lúa thuần, 23,8% lúa chất lượng. Diện tích gieo sạ hàng cải tiến, gieo vãi và gieo mạ khay cấy bằng máy đạt 3.060 ha, góp phần giảm chi phí sản xuất và công lao động cho nông dân. Thời tiết từ đầu đến cuối vụ cơ bản thuận, công tác điều tiết nước, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh được chỉ đạo sát sao, thực hiện đồng bộ ở từng thời điểm, nên đã tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Ðặc biệt, vụ xuân này, huyện tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ giống lúa chất lượng RVT cho các xã xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp, mô hình cánh đồng mẫu với diện tích 284 ha ở 6 xã.

Ngoài ra, 9 xã và HTX cũng liên kết với các công ty sản xuất lúa giống: BC15, Q5, RVT, T10, DS1 với diện tích 515 ha. Ước tính, năng suất lúa trung bình toàn huyện đạt trên 71 tạ/ha, trong đó lúa lai đạt 76 tạ/ha. Nhiều xã, năng suất lúa đạt cao như: Thụy Quỳnh 73 tạ/ha, Thụy Sơn 72 tạ/ha, Thái Thịnh 70 tạ/ha, Thái Tân 72,5 tạ/ha, Thụy Ninh 74 tạ/ha, Thụy Chính 75 tạ/ha... Mặc dù được mùa, nhưng niềm vui của nông dân Thái Thụy không trọn vẹn. Không riêng gì Thụy Trình, Thụy Ninh mà tất cả các xã xây dựng mô hình cánh đồng mẫu cấy RVT và sản xuất lúa giống BC15 đều không tìm được mối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Sau nhiều vụ được mùa liên tiếp, hiện tại lượng thóc còn trữ trong các gia đình khá lớn, cộng thêm sản lượng thu hoạch vụ này toàn huyện ước đạt 90.752,2 tấn, bài toán tiêu thụ nông sản cho bà con càng trở nên nan giải.

Trong khi giá thóc trên thị trường hiện ở mức rất thấp: thóc thuộc dòng lúa lai giá từ 5.500 đồng đến 5.800 đồng/kg; lúa chất lượng như BC15, Hương thơm, Tám… giá từ 6.200 đồng đến 6.500 đồng/kg, nếu trừ chi phí sản xuất thì người nông dân không có lãi. Ðặc biệt, năm nay sâu bệnh trên lúa xuân của Thái Thụy diễn biến khá phức tạp, nhất là bệnh đạo ôn, một số diện tích phải phun trừ tới 5 đến 7 lần khiến chi phí sản xuất càng tăng cao. Anh Dự dẫn chứng thêm: ”Tổng sản lượng thóc của Thụy Trình mỗi vụ ước đạt 2.000 đến 2.500 tấn, trong đó 1/3 phục vụ nhu cầu lương thực hàng ngày của các gia đình. Chăn nuôi hầu hết dùng cám công nghiệp nên lượng còn lại chủ yếu bán ra thị trường, nếu giá lúa thấp gây rất nhiều khó khăn cho nông dân. Nhà tôi cấy 3 sào ruộng, thu hoạch được 6,5 tạ thóc. Nếu tính giá thóc 6.500 đồng/kg sẽ thu được 4,225 triệu đồng, trong khi tiền mua thóc giống, công cày bừa, phân bón, thuốc trừ sâu… hết 2,25 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, hai vợ chồng chỉ còn 2 triệu đồng mà chia đều cho gần 4 tháng, mỗi người thu nhập 250 ngàn đồng/tháng từ cấy lúa. Với số tiền ấy thử hỏi nông dân sống làm sao nếu không làm thêm nghề khác”.

“Mất mùa thì được giá, được mùa thì rớt giá” dường như đang là một thực tế lâu nay vẫn đè nặng lên vai người nông dân. Bài toán về quy hoạch vùng sản xuất, liên kết tìm đầu mối tiêu thụ nông sản cho nông dân đang rất cần các cấp, các ngành vào cuộc tìm ra lời giải, góp phần phát triển nông nghiệp ổn định, bền vững.

Bài, ảnh:  Nguyễn Hình 

  • Từ khóa