Thứ 7, 10/08/2024, 00:25[GMT+7]

Kỷ niệm ngày truyền thống lực lượng TNXP (15/7/1950 - 15/7/2013) Thanh niên xung phong Thái Bình - Tự hào truyền thống anh hùng

Chủ nhật, 14/07/2013 | 22:46:20
1,190 lượt xem
Những đóng góp và sự hy sinh to lớn của thanh niên xung phong (TNXP) còn mãi với non sông đất nước, là tấm gương sáng cho các thế hệ thanh niên hôm nay và mai sau. Trong những chiến công lớn lao của TNXP Việt Nam có nhiều đóng góp của TNXP Thái Bình.

Ảnh: Tư liệu

Xông pha trong lửa đạn

 

Là tỉnh đồng bằng, sớm có phong trào cách mạng từ những năm 1930, trong kháng chiến chống Pháp, Thái Bình là một trong những tỉnh có phong trào TNXP sớm. Một đại đội TNXP Thái Bình được thành lập cuối năm 1953 làm nhiệm vụ phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ đã đi bộ vượt quãng đường dài, qua nhiều đồn bốt giặc, địa hình khó khăn, đời sống thiếu thốn, dũng cảm hoàn thành nhiệm vụ mở, bảo vệ đường, góp phần vận chuyển hàng hóa, vũ khí cho các đơn vị bộ đội vào chiến dịch. Sau những năm kháng chiến chống Pháp, cả miền Bắc tập trung phát triển kinh tế. Từ năm 1959 đến năm 1965, Thái Bình đã huy động gần 10.000 TNXP đi xây dựng kinh tế mới. Đường 12B Hòa Bình, Công trường 112 Lào Cai - Lai Châu, Công trường Lào Cai - 114 Bắc Thái, các nông trường chè, khu kinh tế mới ở Lai Châu, Lào Cai, khu gang thép Thái Nguyên..., nơi nào cũng in dấu TNXP Thái Bình với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, nơi nào khó có thanh niên”.

 

Bước vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thái Bình có hơn 30.000 người đi TNXP với nhiệm vụ chủ yếu là khắc phục những đoạn đường vừa bị máy bay Mỹ đánh phá, bảo vệ kho tàng, bốc xếp hàng hóa, bảo đảm thông tàu, xe, đưa hàng từ Bắc vào Nam, vừa làm thêm đường tránh, vừa đào hầm bảo vệ tàu. Với tinh thần “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc”, lực lượng TNXP Thái Bình đã góp công sức không nhỏ vào thành tích chung của TNXP cả nước. Chiến công của những người lính TNXP được ghi đậm từ năm 1966 trên các tuyến đường sắt phía Bắc, năm 1968 - 1975 trên đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh. Cùng với bộ đội và TNXP các tỉnh, TNXP Thái Bình mở đường, bảo vệ đường, bảo đảm giao thông luôn thông suốt, góp phần đưa hơn 1 triệu tấn hàng hóa, vũ khí, hàng triệu lượt người ra tiền tuyến, phục vụ thắng lợi từng chuyến đi, từng chiến dịch.

 

Những đóng góp của TNXP Thái Bình cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc là hết sức to lớn và đáng trân trọng. Gần 4.000 TNXP đã hy sinh, bị thương, bị nhiễm chất độc hóa học... Đảng ta, nhân dân ta mãi mãi ghi nhớ những chiến công vẻ vang, sự hy sinh to lớn của lực lượng TNXP.

 

Tỏa sáng giữa thời bình

 

Không khí ở trang trại của cựu TNXP Trịnh Văn Kim (thôn Quý Sơn, xã Song An, huyện Vũ Thư) khiến chúng tôi có cảm giác mát dịu dưới cái nắng tháng 6. Ông kể, năm 1966 ông tham gia TNXP làm nhiệm vụ ở khu vực đường 10, đường 39, cầu Tân Đệ. Hết nhiệm kỳ, năm 1969 ông đi học đại học rồi về làm tại Tổng cục Địa chất; đến năm 1980 chuyển công tác về Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình. Năm 1991 ông xin nghỉ theo diện giảm biên chế. Ngày mới nghỉ, để lo cho cuộc sống gia đình 6 miệng ăn, ông cùng vợ làm đủ nghề rồi xoay sang nấu rượu, làm men, nuôi lợn. Do số lượng lợn nuôi nhiều, lại không có hệ thống xử lý chất thải bảo đảm vệ sinh nên ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Suy nghĩ làm sao để bà con không bị ảnh hưởng bởi việc kinh doanh của gia đình, ông quyết định xin chính quyền thuê vùng đất cấy lúa kém hiệu quả ở ngoài bãi để làm trang trại.

 

Những năm 2003 - 2004, khu đất rộng hơn 2 ha được ông Kim đầu tư 1,2 tỷ đồng xây dựng 700 m2 chuồng trại nuôi trên 1.100 con gà, gần 1.000 con ngan, vịt, đào 2 ao thả cá thu hoạch 3 vụ/năm với tổng sản lượng gần 6 tấn cá. Ông còn đầu tư 2 máy ấp trứng trị giá gần 100 triệu đồng, mỗi máy ấp một lứa cho 2 vạn con giống để phục vụ nhu cầu của người chăn nuôi trong và ngoài huyện. Mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, từ số lãi năm đầu chỉ gần 40 triệu đồng, đến nay gia đình ông thu lợi nhuận được hơn 1 tỷ đồng/năm. Ông còn góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương trung bình 3 triệu đồng/người/tháng. Hiện ông đang nuôi thí điểm chim bồ câu Pháp và nuôi rắn với mong muốn mở rộng, phát triển mô hình trang trại của mình.

 

Cũng như ông Trịnh Văn Kim, cựu TNXP Phạm Minh Quang ở thôn 4, xã Vũ Đoài huyện Vũ Thư sau khi đi TNXP giai đoạn 1977 - 1980 trở về quê hương cũng phải vất vả mưu sinh. Cuối năm 2002, ông cùng gia đình quyết tâm xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp. Lúc nào trong chuồng nhà ông cũng có khoảng 50 con lợn và 60 con nhím. Ngoài ra, ông còn đào 3.600 m2 ao thả cá, mỗi năm cho thu hoạch 1,5 tấn cá. Ông bảo: “Mình xuất thân từ nông dân, đi TNXP  khổ gấp trăm lần còn chịu được huống hồ là bây giờ. Dù ban đầu vất vả nhưng cho kết quả bền vững mai sau”. Hàng năm gia đình ông thu lãi khoảng 200 triệu đồng, năm cao đạt từ 400 - 500 triệu đồng.

 

Xông pha trong lửa đạn, tỏa sáng giữa thời bình - những cựu TNXP như các ông Trịnh Văn Kim, Phạm Minh Quang và còn rất nhiều cựu TNXP khác đang công tác trên các lĩnh vực là những tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, vượt khó vươn lên trong cuộc sống, đại diện cho ý chí, nghị lực, tinh thần TNXP của biết bao cựu TNXP Thái Bình. Qua những năm tháng đạn bom khốc  liệt, những chàng trai, cô gái TNXP quê hương 5 tấn một thời xông pha lửa đạn vẫn giữ vẹn nguyên trong tim mình tinh thần lạc quan, xung kích. Truyền thống khắc phục khó khăn, gian khổ của TNXP vẫn tỏa sáng và phát huy trong mọi hoàn cảnh, họ xây dựng cuộc sống ấm no, xứng đáng với truyền thống TNXP Việt Namon> anh hùng.

Mai Thư

 

 

  • Từ khóa