Chủ nhật, 04/08/2024, 23:15[GMT+7]

Khi trẻ sống xa cha mẹ

Thứ 2, 15/07/2013 | 15:33:08
11,007 lượt xem
Con cái là tài sản lớn nhất của cha mẹ, vì nghĩ đến tương lai của con cái, vì “không muốn con khổ”, không ít bậc làm cha, làm mẹ ở nông thôn chấp nhận xa con đi làm ở các thành phố lớn. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều ông bố bà mẹ sau khi đã bảo đảm được cuộc sống đầy đủ vật chất cho con, khi trở về, ở bên cạnh con nhưng lại không thể dạy dỗ, uốn nắn được con mình...

Ảnh: Quang Viện

“Mẹ ra Quảng Ninh làm với bố rồi, Ý ở nhà với ông bà ngoan nhé”. Chị Lượm vừa nói dứt lời, cu Ý đã vứt điện thoại không nghe nữa, lăn ra khóc, vừa khóc vừa hét thật to: “ Thế mà sáng mẹ bảo chiều mẹ về, thế mà mẹ bảo mẹ ở nhà với Ý, dạy Ý học bài. Mẹ toàn nói dối Ý thôi, thế này thì không học nữa”. Nói xong, thằng bé lại khóc, lại gào “đầy đau khổ”. Quả thực, nếu không phải là người trong cuộc chắc tôi cũng không thể tin được một đứa trẻ 5 tuổi lại có phản ứng dữ dội như vậy trước việc bố mẹ đi làm xa.

 

Trong thời buổi hiện nay, vì ước mơ xây được nhà, có điều kiện, nuôi dạy con cái  ăn học “bằng chị bằng em” không ít các ông bố, bà mẹ trẻ ở các vùng nông thôn, sau khi cai sữa cho con liền gửi ông bà hai bên chăm sóc để lên thành phố làm ăn và thường chỉ trở về gia đình trong những ngày Tết hay dịp nghỉ lễ. Những đứa trẻ lớn lên trong sự thiếu vắng tình yêu thương của người mẹ và sự bảo vệ, che chở của người cha, ngày ngày các em quanh quẩn bên ông, bên bà và chỉ nhận được sự quan tâm của bố của mẹ thông qua những cuộc điện thoại.

 

Chị Mai (xã Văn Lang, Hưng Hà) có con 3 tuổi nhưng thường xuyên xa con 2 năm nay để đi làm may cho một công ty trong miền Nam nói: “Chẳng bố mẹ nào muốn xa con, nhưng nếu cho con đi cùng thì toàn tiền con đi nhà trẻ cũng hết gần nửa tháng lương của mẹ rồi, bố mẹ lại thường đi làm ca, việc trông con cũng rất khó. Thôi thì đành để con ở nhà nhờ ông bà chăm nom, nhớ con cũng phải nuốt nước mắt mà đi làm chứ ở nhà cấy mấy sào ruộng, làm sao nuôi con được”.

 

Có thể nhận thấy một thực tế khá rõ nét trong các gia đình hiện nay đó là: không ít bậc phụ huynh vì lo “con người có sữa ngoài uống, còn con mình thì không có”, lo con sau này lớn lên không bằng bạn bằng bè nên dù không muốn xa con vẫn phải gửi con cho ông bà chăm nom giúp để lo cho vấn đề kinh tế. Việc làm này về ý nghĩa thì mang tính tích cực nhưng nếu đi sâu phân tích sẽ thấy một số tiêu cực như: cha mẹ vắng nhà, không có thời gian chăm sóc, dạy dỗ con nên vô tình đánh mất trải nghiệm những ngày tháng vất vả nuôi con, không cảm nhận được hạnh phúc vì được chứng kiến sự lớn lên từng ngày của con. Và con cái từ nhỏ không được sống gần bố mẹ nên trong ký ức tuổi thơ hình ảnh bố mẹ sẽ rất mờ nhạt, khi lớn lên sẽ  khó chia sẻ, tâm sự, cũng như nghe lời dạy bảo của cha mẹ.

 

Hết hè này, Tiến Thành (xã Minh Hòa, Hưng Hà) sẽ bước vào lớp 9 nhưng từ khi sinh ra em chỉ được sống cùng bố mẹ 2 năm đầu đời. Bố mẹ Thành đi làm ăn xa, em ở cùng ông bà nội. Khi được hỏi về tình cảm với bố mẹ, với nét mặt hồn nhiên Thành trả lời đầy “dõng dạc”: “Em không nghĩ nhiều về bố mẹ, đôi lúc nhìn thấy bạn bè ở cùng với bố mẹ thì thấy cũng hơi buồn buồn nhưng em ở nhà với ông bà quen rồi. Thi thoảng bố mẹ có gọi điện về nhưng em chẳng biết nói gì với bố mẹ cả”.

 

Con cái là tài sản lớn nhất của cha mẹ, vì nghĩ đến tương lai của con cái, vì “không muốn con khổ”, không ít bậc làm cha, làm mẹ ở nông thôn chấp nhận xa con đi làm ở các thành phố lớn. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều ông bố bà mẹ sau khi đã bảo đảm được cuộc sống đầy đủ vật chất cho con, khi trở về, ở bên cạnh con nhưng lại không thể dạy dỗ, uốn nắn được con mình. Làm sao để con vẫn ngoan, vẫn yêu thương, kính trọng cha mẹ mặc dù cha mẹ không thường xuyên ở bên có lẽ là điều các bậc phụ huynh không thể không quan tâm.

Vũ Hường

  • Từ khóa