Thứ 6, 09/08/2024, 03:20[GMT+7]

Các ý kiến, kiến nghị gửi tới Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XV

Thứ 3, 30/07/2013 | 10:52:58
885 lượt xem
Ngay sau ngày làm việc đầu tiên Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XV, Báo Thái Bình đã phỏng vấn nhanh một số đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành và các doanh nghiệp về những vấn đề được đưa ra xem xét, thảo luận, quyết định tại Kỳ họp. Hầu hết các ý kiến đều mong muốn những vấn đề này được giải quyết kịp thời, thỏa đáng, đáp ứng lòng mong mỏi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh.

Khai mạc Kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XV, nhiệm kỳ 2011 - 2016. Ảnh: Thành Tâm

* Ông Nguyễn Cao Song, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh: 

Sớm thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo

 

 

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 6/3/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Thông báo số 130-TB/TW ngày 10/1/2008 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo của công dân ngay tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình, không né tránh, đùn đẩy hoặc trông chờ, ỷ lại vào cấp trên. Lấy hiệu quả tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị làm một trong những tiêu chí bình xét thi đua hàng năm. Tăng cường chỉ đạo hoạt động hòa giải, giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ cơ sở, hạn chế phát sinh thành đơn thư khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện vượt cấp. Tăng cường lực lượng cho các tổ chức thanh tra cả về số lượng và chất lượng để giúp cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, đồng thời quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với những cán bộ làm công việc này. Các cấp, các ngành sớm triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 46/2012/TTLT-BTC-TTCP ngày 16/3/2012 của Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ quy định về chế độ bồi dưỡng theo ngày đối với cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân và thực hiện đầy đủ các quy định của tỉnh liên quan đến công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

 

* Bà Khúc thị duyền, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: 

Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên mở rộng tương lai cho học trò nghèo

 

 

Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) là chính sách ưu đãi lớn của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ HSSV thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn có điều kiện theo đuổi ước mơ của mình tại các trường đại học, cao đẳng, trung học và chia sẻ gánh nặng với các bậc phụ huynh. Vì vậy, Chương trình đã được các cấp, các ngành và nhân dân đồng tình ủng hộ.

 

Thực hiện văn bản liên tịch với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh về việc “Ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác”, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh chỉ đạo các cấp hội lựa chọn cán bộ, hội viên có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, năng lực, kinh nghiệm, uy tín tham gia ban quản lý, làm tổ trưởng, tổ phó các tổ tiết kiệm và vay vốn. Đến nay, toàn tỉnh có 1.520 tổ tiết kiệm và vay vốn của phụ nữ. Hàng năm, các cấp hội phối hợp với Ngân hàng tổ chức tập huấn về nghiệp vụ quản lý vốn vay, cách ghi chép sổ sách, quy trình bình xét thành viên vay vốn, công tác kiện toàn, củng cố tổ tiết kiệm và vay vốn. Việc bình xét cho vay được tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, đúng quy định của Ngân hàng.

 

Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động vốn vay được thực hiện thường xuyên nhằm kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để có biện pháp giải quyết; tích cực đôn đốc thu hồi gốc, lãi vốn vay bảo đảm đúng thời gian quy định. Tỷ lệ thu lãi tiền vay hàng năm đều đạt 99,9%. Đến nay dư nợ nguồn vốn vay toàn tỉnh là  1.112 tỷ 150 triệu đồng cho gần 70.000 HSSV vay. Trong đó, Hội LHPN tỉnh quản lý 464 tỷ 478 triệu đồng, cho gần 40.000 HSSV vay.

 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn bộc lộ một số hạn chế như: Việc bình xét, thủ tục xác nhận vay vốn ban đầu chưa được thống nhất giữa các nhà trường gây khó khăn cho công tác triển khai của các cấp hội phụ nữ và Ngân hàng. Sự điều tiết nguồn vốn của Trung ương về tỉnh có lúc chưa kịp thời ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, nên xảy ra tình trạng nợ quá hạn về vốn vay. Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về Chương trình tín dụng ưu đãi đối với HSSV; tập huấn cho các thành viên Ban quản lý các tổ tiết kiệm và vay vốn; tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho con em phụ nữ; quản lý, sử dụng vốn vay có hiệu quả...

 

Để Chương trình phát huy hiệu quả hơn nữa, đề nghị các cấp ủy, chính quyền tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo; các cấp, các ngành tích cực phối hợp thực hiện. Các bộ, ngành, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam trình Chính phủ có cơ chế gia hạn nợ đối với HSSV ra trường chưa xin được việc làm, gia đình có khó khăn về tài chính...

 

* Ông Vũ Đức Điến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ: 

Tiếp tục huy động nhiều nguồn lực để hoàn thành tiêu chí y tế trong xây dựng nông thôn mới

 

 

Tiêu chí y tế trong xây dựng nông thôn mới phản ánh vừa tổng quát vừa cụ thể các mặt hoạt động của công tác y tế cơ sở. Vì vậy, khi mỗi địa phương đạt tiêu chí y tế là khi y tế cơ sở tại địa phương đã khá toàn diện. Việc thực hiện tốt tiêu chí y tế trong phong trào xây dựng nông thôn mới không chỉ bảo đảm tính công bằng trong khám chữa bệnh mà còn góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, tăng cường mọi mặt hoạt động công tác y tế.

 

Theo tôi được biết, đến hết năm 2012, toàn tỉnh có khoảng 66% nhân dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), có 33,6% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia y tế xã giai đoạn 2010 - 2020. Với kết quả này, chúng ta cần đầu tư nhiều hơn nữa để thực hiện tiêu chí y tế. Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, ngành y tế, bảo hiểm xã hội và các ngành liên quan đã dành sự quan tâm cao đối với việc phát triển đối tượng tham gia BHYT, thực hiện xây dựng chuẩn quốc gia y tế xã. Tuy nhiên, việc phát triển đối tượng tham gia BHYT cũng như xây dựng chuẩn quốc gia y tế xã còn gặp nhiều khó khăn. Đã có nhiều mô hình, kinh nghiệm hay, gương điển hình có những đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới được nêu trong thời gian qua. Không ít địa phương cũng huy động tốt nguồn vốn xã hội hóa xây dựng trạm y tế, trường học. Theo tôi, chúng ta cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, biểu dương nhằm nhân rộng những mô hình này, để thời gian tới sẽ huy động tốt các nguồn lực trong xây dựng cơ sở vật chất trạm y tế và tặng thẻ BHYT cho các đối tượng khó khăn nhằm hoàn thành tiêu chí y tế tại mỗi địa phương góp phần vào phong trào xây dựng nông thôn mới trong tỉnh.

 

* Bà Đoàn Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng trường mầm non Liên Cơ: 

Cần điều chỉnh cơ chế, chính sách với giáo dục mầm non

 

 

Năm 2012, huyện Tiền Hải được công nhận đạt chuẩn phổ cập cho trẻ em 5 tuổi. Chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên mầm non được quan tâm, tiếp tục biên chế cho giáo viên là khối trưởng khối nhà trẻ, 3 tuổi, 4 tuổi. UBND huyện chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề mở lớp tin học văn phòng, soạn giáo án điện tử miễn phí cho giáo viên mầm non trong huyện. Cơ sở vật chất ở một số trường học được tu sửa, làm mới. Trẻ em 5 tuổi thuộc diện hộ nghèo, khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn của các xã ven biển được hỗ trợ tiền ăn trưa 120.000 đồng/tháng, hỗ trợ chi phí học tập (với mức học phí 60 nghìn đồng/tháng). Tuy nhiên:

 

- Khi phổ cập giáo dục mầm non, hầu hết các trường mầm non trong huyện được thụ hưởng ngân sách 70 triệu đồng/năm là quá thấp, do đó các nhà trường gặp khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động cho trẻ.

 

- Chưa có kinh phí cho công tác điều tra phổ cập trẻ 5 tuổi (giáo viên phải đi đến từng hộ gia đình lấy phiếu điều tra phổ cập).

 

- Hiện tại, cơ sở vật chất ở một số trường xuống cấp, chưa được cải tạo. Thiết bị, đồ dùng phục vụ các hoạt động của trẻ còn thiếu.

 

- Có hướng dẫn cụ thể về việc đóng bù bảo hiểm đối với giáo viên chưa đủ số năm đóng bảo hiểm về nghỉ chế độ.

 

- Thời gian làm việc của giáo viên mầm non cao (10 giờ/ngày) nhưng các nhà trường không được thu theo thỏa thuận hỗ trợ nuôi ăn bán trú.

 

Trong kỳ họp thứ 6 này, tỉnh cần kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành điều chỉnh có chế độ chính sách đối với bậc học mầm non. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung các nguồn lực để hoàn thiện cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho bậc mầm non từng bước nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ.

 

* Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc TSC: 

Cần có quy định cụ thể trong việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân

 

 

Trong những năm gần đây, nền nông nghiệp của Thái Bình phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, từ trồng trọt đến chăn nuôi và thủy sản. Để có được kết quả này, trước hết tỉnh đã có những chủ trương đúng, trúng về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, gần đây nhất là xây dựng cánh đồng mẫu. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các tập thể, cá nhân trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm.

 

Riêng đối với Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (TSC) đã vào cuộc rất tích cực để hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng hàng hóa và bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh TSC đã liên kết với 22 HTX DVNN quy hoạch 4.500 ha để cung ứng giống lúa, tập huấn khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Tại các điểm liên kết, giá trị sản xuất  mà người nông dân được hưởng tăng khoảng 30% so với sản xuất lúa thông thường. Theo sự chỉ đạo của tỉnh, TSC đã liên kết với 2 HTX DVNN là An Mỹ (Quỳnh Phụ) và Đông Quý (Tiền Hải) để xây dựng cánh đồng mẫu, với diện tích 250 ha; hiện TSC đã đầu tư 1 nhà kho cho xã Đông Quý trị giá hơn 520 triệu đồng.

 

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận lại thì việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trên địa bàn tỉnh nói chung vẫn còn lỏng lẻo và còn ít doanh nghiệp tham gia. Có một số doanh nghiệp đã phối hợp với nông dân, nhưng chỉ dừng lại ở việc cung ứng vật tư theo hình thức trả chậm, chưa đứng ra bao tiêu sản phẩm bền vững. Cái chính người nông dân cần ở đây là lương tâm, trách nhiệm của doanh nghiệp khi tham gia phối hợp sản xuất cùng họ.

 

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chỉ đứng ra thu mua sản phẩm của bà con thông qua các đầu mối, chứ không trực tiếp ký kết hợp đồng với nông dân, nguyên do nếu có xảy ra rủi ro, hoặc không có thị trường tiêu thụ thì họ không phải chịu trách nhiệm. Thực tế nữa là cả nông dân và doanh nghiệp khi đã liên kết sản xuất, nhưng một trong hai bên phá vỡ hợp đồng hiện rất khó xử lý, nhất là đối với các hộ nông dân, nên phần nào khiến doanh nghiệp chưa mặn mà trong việc liên kết…

 

Vì vậy, dù các cấp, ngành đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ cá nhân, tập thể xây dựng các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân, nhưng cần phải có hướng dẫn kịp thời. Đồng thời, cần có chế tài quản lý, xử lý chặt chẽ trong việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp, có như vậy người dân mới yên tâm sản xuất, doanh nghiệp yên tâm vào đầu tư, hợp tác.

 

* Ông Vũ Huy Đông, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt sợi DAMSAN: 

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp về nông thôn đầu tư sản xuất, tạo việc làm cho nông dân

 

Là đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 và đã tham dự nhiều kỳ họp nhưng tôi thấy kỳ họp lần này HĐND tỉnh có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức làm việc. Các báo cáo, tờ trình đều được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc có trọng tâm, trọng điểm nên đại biểu dễ nghiên cứu, người nghe dễ tiếp thu, không nhàm chán. Việc trả lời ý kiến cử tri của các cấp, các ngành đi thẳng vào từng vấn đề cụ thể, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của cử tri. Việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh theo quy định được tiến hành khách quan, công khai, dân chủ. Đặc biệt, trong báo cáo kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2013 của UBND tỉnh đã đánh giá khá toàn diện, đưa ra được các giải pháp cụ thể, sát với điều kiện thực tiễn nhằm tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh phát triển kinh tế để đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

 

Tuy nhiên, với tư cách là đại biểu HĐND, qua nhiều lần tiếp xúc cử tri tôi thấy hiện nay thu nhập của người làm ruộng rất thấp, sau mùa vụ nông dân lại không có việc làm. Trong khi, nếu một người vào làm công nhân tại một doanh nghiệp trung bình thu nhập đạt từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng. Hiện nay, kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất. Vì vậy, tôi đề nghị trong kỳ họp lần này, HĐND tỉnh tập trung bàn các giải pháp thu hút thêm doanh nghiệp về đầu tư sản xuất ở nông thôn tạo việc làm, tăng thu nhập giúp người nông dân ổn định cuộc sống. Có cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp.

 

Đề nghị các tổ chức tín dụng tăng tỷ lệ vốn vay dài hạn để doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng nhận tài sản trên đất cho các tổ chức, cá nhân tạo thuận lợi cho việc thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng. Đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị, cá nhân thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhằm giảm bớt phiền hà, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp khi đến đăng ký thực hiện các thủ tục đầu tư sản xuất kinh doanh.

 

* Bà Phan Thị Châm, Giám đốc Công ty bánh kẹo Bảo Hưng: 

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về vốn, tiêu thụ sản phẩm

 

 

Những năm qua, doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện về sản xuất kinh doanh nên có bước phát triển ổn định cả về chất và lượng. Tuy nhiên, thời gian gần đây do ảnh hưởng suy giảm kinh tế nên các doanh nghiệp chịu tác động mạnh, trong đó khó khăn nhất là thiếu vốn đầu tư cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, tôi đề nghị trong kỳ họp lần này HĐND tỉnh cần họp bàn, thảo luận các biện pháp cụ thể hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng giảm trần lãi suất cho vay, mở rộng các gói hỗ trợ về lãi suất, điều chỉnh kỳ hạn nợ, đơn giản và minh bạch các thủ tục hành chính, giảm bớt các phí dịch vụ ngân hàng, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ vay vốn, sớm trả lời kết quả đến khách hàng để tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp…

 

Hàng năm, tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí, lãi suất tiền vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thường xuyên được tham gia Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, bình ổn giá, các hội chợ để quảng bá giới thiệu sản phẩm. Lựa chọn những sản phẩm của những doanh nghiệp uy tín để hỗ trợ tuyên truyền quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ từng bước xây dựng nhóm các sản phẩm có chất lượng mang thương hiệu riêng của Thái Bình để khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện về đất đai khi doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng sản xuất kinh doanh.

 

Nhóm phóng viên Văn xã và Kinh tế

 

  • Từ khóa