Thứ 2, 13/01/2025, 18:47[GMT+7]

Thảo luận và trả lời chất vấn về những vấn đề đại biểu HĐND, cử tri và nhân dân quan tâm

Thứ 3, 30/07/2013 | 23:03:00
1,313 lượt xem
Trong ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XV, các đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung thảo luận về những vấn đề đang được cử tri và đông đảo nhân dân quan tâm; lãnh đạo một số sở, ngành đã trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh. Báo Thái Bình đã ghi nhận một số ý kiến thảo luận và trả lời chất vấn tại phiên họp chiều ngày 30/7.

Đại biểu Nguyễn Thị Diên:
Tăng cường chính sách hỗ trợ để các xã hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Qua thực tế chỉ đạo cơ sở cho thấy tiêu chí số 17 (tiêu chí môi trường) là  một trong những tiêu chí khó thực hiện khi xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, cơ bản các xã chưa có bãi rác thải bảo đảm tiêu chuẩn; tâm lý, thói quen của người dân trong công tác vệ sinh môi trường chưa tốt; việc xử lý rác thải tại gia đình chưa được tuyên truyền, hướng dẫn sâu rộng. Vấn đề nước sạch nông thôn, nhà tiêu hợp vệ sinh cũng còn nhiều bất cập.

Vì vậy, để giúp các cơ sở thực hiện tốt tiêu chí số 17, tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, có chính sách hỗ trợ các xã xây dựng khu xử lý rác thải, nên quy hoạch xây dựng theo cụm xã để tránh lãng phí. Hỗ trợ kinh phí cho các đoàn thể để xây dựng các mô hình thu gom, xử lý rác thải, sau đó rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng.

Đại biểu Trần Thị Thuấn Hoa:
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các hộ chăn nuôi yên tâm phát triển sản xuất

Để phát triển chăn nuôi bền vững, có hiệu quả cho những năm tiếp theo cần chuyển đổi mô hình chăn nuôi công nghiệp tập trung và nâng cao chất lượng sản phẩm theo chuỗi sản phẩm có khả năng cạnh tranh. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của hộ chăn nuôi trong bảo vệ môi trường, trong sử dụng các công trình khí sinh học bằng công nghệ biogas, đệm lót sinh học…

Khuyến khích thành lập các Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi, Hiệp hội chăn nuôi trang trại có đủ tư cách pháp nhân. Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức này phát huy được vai trò đối với các trang trại thành viên trong việc tiếp cận thuận lợi các nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng; tiếp nhận các tiến bộ kỹ thuật, cung cấp con giống, thức ăn chất lượng, trao đổi các thông tin trong và ngoài nước; liên doanh liên kết, ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường.

Tích cực kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng cơ sở thu mua, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; khuyến khích phát triển hình thức liên kết chăn nuôi giữa các doanh nghiệp và trang trại, hình thức chăn nuôi gia công giữa trang trại và các doanh nghiệp chăn nuôi, sản xuất thức ăn, giết mổ, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi.

Đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành liên quan có văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 9/11/2012 của UBND tỉnh ban hành về Quy định cơ chế quản lý, thực hiện quy hoạch khu chăn nuôi tập trung và cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2012 - 2015. Đề nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia nuôi giữ, sản xuất giống vật nuôi gia súc, gia cầm (sản xuất giống ông bà, bố mẹ gia cầm, liều tinh thực hiện thụ tinh nhân tạo sản xuất giống bố mẹ, tinh bò cao sản sản xuất thịt, sữa) theo chính sách của Chính phủ. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh có giải pháp tháo gỡ kịp thời cho các các hộ chăn nuôi tiếp cận nhanh nhất với nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước để tái đàn, khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất.

Về thủy sản, thực hiện Quyết định số 05/2012/QĐ-UBND ngày 18/1/2012 của UBND tỉnh, các cơ sở sản xuất giống ngao khó tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng, thủ tục vay còn phức tạp, không có đơn vị thẩm định tài sản thế chấp làm căn cứ cho vay. Thông tư số 33/2013/TT-BTC ngày 21/3/2013 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 2 Thông tư số 187/2010/TT-BTC ngày 22/11/2010 của Bộ Tài chính quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; tuy nhiên, cho đến nay UBND tỉnh vẫn chưa có chỉ đạo hướng dẫn cụ thể để hỗ trợ người dân nuôi trồng thủy sản gặp rủi ro được hưởng các chính sách của Nhà nước, giảm khó khăn trong sản xuất. Đề nghị các cơ quan chức năng có chủ trương, giải pháp về tiêu thụ sản phẩm thủy sản; hỗ trợ công nghệ sản xuất giống thủy sản, nhất là giống ngao để địa phương chủ động được nguồn cung cấp về giống; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ tập trung.

Đại biểu Bùi Văn Đạt:
Thực hiện chính sách cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn còn nhiều vướng mắc

Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn được triển khai từ tháng 5/2010, nhưng trong quá trình thực hiện còn có nhiều vướng mắc như: những hộ gia đình sản xuất nông nghiệp cư trú tại địa bàn thị trấn và một số phường của Thành phố Thái Bình không có tài sản để thực hiện thế chấp tiền vay theo quy định, nhưng những hộ đó lại không thuộc phạm vi và đối tượng được vay không có bảo đảm bằng tài sản theo Nghị định số 41. Nhiều hộ gia đình chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và việc quản lý cấp giấy xác nhận quyền sử dụng đất của chính quyền xã nhiều nơi chưa chặt chẽ nên có những trường hợp giấy xác nhận được cấp nhiều bản, ảnh hưởng đến việc theo dõi nợ vay của ngân hàng và khả năng trả nợ của khách hàng. Một số trang trại chưa được cấp chứng nhận đủ tiêu chí trang trại nên chủ trang trại gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn.

Vì vậy, các ngành có liên quan và chính quyền các cấp cần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong trường hợp chưa cấp, UBND các xã cần có chế độ theo dõi việc xác nhận quyền sử dụng đất chặt chẽ tránh để tình trạng một hộ được cấp quá một lần. Đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường chỉ xác nhận một bản duy nhất quyền sử dụng đất không có tranh chấp để hộ gia đình cá nhân thực hiện vay vốn theo Nghị định số 41, tránh việc cho vay chồng chéo, bảo đảm an toàn vốn và vốn vay được sử dụng đúng mục đích. Đề nghị các ban, ngành hỗ trợ ngân hàng trong việc xử lý, thu hồi nợ xấu. Đề nghị tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tổng hợp nguồn vốn tín dụng ngân hàng phục vụ xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 800 của Thủ tướng Chính phủ, xác định rõ vai trò của vốn tín dụng ngân hàng đối với việc đầu tư vốn xây dụng nông thôn mới.

Đại biểu Phạm Quang Duy:
Kịp thời khắc phục hạn chế để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động

Trên thực tế, nhiều người có tâm lý bằng mọi giá tìm cho con em mình tấm bằng đại học và chỉ khi không có sự lựa chọn nào khác, các bậc phụ huynh và học sinh mới chọn lựa các nghề lao động kỹ thuật, từ đó dẫn đến các cơ sở dạy nghề khó tuyển sinh; trình độ đầu vào thấp, ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo. Các trang thiết bị dạy nghề lạc hậu, không bắt kịp với trình độ sản xuất; chi phí cho đào tạo nghề thấp ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và thực hành nghề của học viên. Do đó khi học viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến. Trên địa bàn tỉnh chưa thực sự có cơ sở dạy nghề chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của xã hội và xuất khẩu lao động có tay nghề.

Để khắc phục những hạn chế này, bên cạnh sự tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành trong lĩnh vực dạy nghề, rất cần có các chính sách thỏa đáng cho giáo viên dạy nghề, học sinh học nghề và học viên sau khi đã được đào tạo nghề. Làm tốt công tác hướng nghiệp ở bậc THCS để phân luồng cho học sinh vào học tại các cơ sở dạy nghề. Thực hiện đầu tư có trọng điểm cho những cơ sở dạy nghề đã được phê duyệt quy hoạch và có năng lực đào tạo nghề. Trong thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn" theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ nên gắn kết các cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp và địa phương để tạo việc làm cho học viên sau khi ra trường; tăng cường đào tạo nghề mới, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn.

Đại biểu Nguyễn Văn Hán:
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21 của Bộ Chính trị về "tiếp tục tăng cường, chỉ đạo công tác phòng chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới", tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn có chiều hướng gia tăng và ngày càng diễn biến phức tạp mặc dù Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, các cấp, các ngành vào cuộc tích cực, lực lượng chức năng thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp.

Theo tôi nguyên nhân khách quan là do sự tác động của tình hình tội phạm ma túy thế giới, khu vực và trong nước; số lượng lao động đi làm ăn xa đông là một thách thức trong việc ngăn chặn tệ nạn ma túy xâm nhập vào địa phương; bản thân và gia đình người nghiện ma túy không muốn công khai…

Về nguyên nhân chủ quan: công tác tuyên truyền về tác hại, cách phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy có lúc, có nơi chưa làm tốt; một số cấp ủy, chính quyền và đoàn thể chưa thực sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ, còn mắc "bệnh thành tích"; tâm lý kỳ thị, xa lánh, thiếu cảm thông đối với người nghiện ma túy còn nặng nề; chưa có nhiều giải pháp tạo việc làm cho người sau cai nghiện.

Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục có các văn bản chỉ đạo quyết liệt, có cơ chế khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân làm tốt và đưa nội dung này vào tiêu chí thi đua. Các đoàn thể vào cuộc tích cực, vận động bản thân và gia đình người nghiện tự cai nghiện ma túy hoặc cai nghiện tập trung…

Ông Nguyễn Hữu Rong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn:
Các cơ chế chính sách, giải pháp khắc phục kịp thời đã thực sự mang lại hiệu quả rõ nét trong sản xuất nông nghiệp

Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp vụ hè và vụ mùa năm 2013. Các chính sách hỗ trợ này đã mang lại hiệu quả rõ nét: diện tích cây màu hè 2013 đạt 6.580,7 ha, tăng gấp 2 lần so với năm trước; diện tích gieo thẳng vụ mùa 2013 đạt 11.890 ha, tăng 4 lần so với vụ mùa năm trước…

Về phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, ngành Nông nghiệp và PTNT đã và đang tích cực phối hợp với các địa phương triển khai 6 giải pháp đồng bộ. Vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh đã thu được những kết quả tốt: Đầu năm 2013, dịch bệnh tai xanh xảy ra ở các tỉnh lân cận gây thiệt hại rất lớn, nhưng ở tỉnh ta, dịch bệnh tai xanh chỉ xảy ra ở 4 xã, quy mô nhỏ, thời gian khống chế dịch chỉ từ 12 - 13 ngày (trước đây phải mất từ 2 - 3 tháng), thiệt hại đối với sản xuất của địa phương là không đáng kể. Riêng đàn gia cầm phát triển ổn định, không có dịch bệnh xảy ra.

Về chất lượng thuốc diệt chuột: Vụ xuân năm 2013, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh chọn thuốc Cat 0.25 WP để sử dụng cho chiến dịch diệt chuột, đây là loại thuốc đưa vào sử dụng năm thứ 3 ở tỉnh Thái Bình, đã được khảo nghệm, bảo đảm chất lượng theo quy định và mua của Công ty Cổ phần thuốc sát trùng Cần Thơ là đơn vị độc quyền phân phối. Tuy nhiên, do chuột quen (kháng) thuốc và nông dân ỷ lại quá nhiều vào biện pháp diệt chuột hóa học, ít quan tâm đến biện pháp diệt chuột thủ công nên hiệu quả diệt chuột vụ xuân năm 2013 ở các địa phương chưa cao. Để khắc phục tình trạng trên Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh khảo nghiệm tìm ra loại thuốc diệt chuột hiệu quả nhất, đồng thời tổng kết các mô hình diệt chuột bằng biện pháp thủ công để nhân ra trên phạm vi toàn tỉnh.

Về bảo hiểm thí điểm đối với cây lúa theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, Công ty Bảo Việt Thái Bình đã ký hợp đồng với đại diện chủ hợp đồng là các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp. Riêng đối với thiệt hại do cơn bão số 8 gây ra, ngay sau bão, Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành các thủ tục cần thiết làm căn cứ xác định mức bồi thường, làm thủ tục bồi thường cho các hộ tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Công ty Bảo Việt Thái Bình đã tiến hành chi trả xong cho các xã của huyện Tiền Hải, huyện Thái Thụy; những diện tích bị thiệt hại không đủ điều kiện quy định bảo hiểm nên không tiến hành bồi thường. Thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời kiến nghị Chính phủ sửa đổi những quy định chưa hợp lý trong thời gian thực hiện thí điểm.

Ông Nguyễn Văn Tuynh, Giám đốc Công ty Điện lực Thái Bình:
Tập trung dịch chuyển công trình điện phù hợp với quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới

Hiện nay, nhiều địa phương mở rộng đường giao thông nông thôn, thực hiện các dự án về điện và nước sạch nên xuất hiện tình trạng hệ thống cột điện hạ áp nằm giữa đường, ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông. Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã giao cho Công ty Điện lực Thái Bình khảo sát lập phương án đầu tư với chi phí thấp nhất để dịch chuyển các công trình điện phù hợp với quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới; phối hợp với các địa phương giúp tháo dỡ thiết bị và dây dẫn chuyển sang vị trí mới bảo đảm các cơ sở kỹ thuật hiện hành; giám sát kỹ thuật và tổ chức đóng điện sau dịch chuyển. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Công ty Điện lực Thái Bình đã phối hợp với 65 xã xây dựng nông thôn mới đầu tư hàng nghìn công lao động để lập phương án đầu tư, dịch chuyển đường dây và kiểm tra đóng điện phục vụ cho việc xây dựng nông thôn mới; tranh thủ các nguồn vốn để cải tạo lưới điện kết hợp quy hoạch nông thôn mới; tăng cường công tác quản lý vận hành và cung cấp điện hiệu quả.

Về việc nhiều xã thực hiện xong dự án nâng cấp lưới điện hạ áp đã đưa vào sử dụng 2 năm nay nhưng chưa được bàn giao hồ sơ để theo dõi và trả nợ, nhất là các xã do hợp tác xã điện năng quản lý, ngành điện sẵn sàng tiếp nhận quản lý, vận hành lưới điện hạ áp nông thôn khi các xã bàn giao quy định. Năm 2012, Công ty Điện lực Thái Bình đã tổ chức tiếp nhận xong 3/5 xã UBND tỉnh giao là Quỳnh Hội, Vũ Ninh và Minh Châu; 2 xã còn lại là Đồng Tiến và Nguyên Xá chưa đủ thủ tục bàn giao và địa phương đề nghị chưa bàn giao. Các xã tham gia dự án RE II hiện đang hoàn thiện các thủ tục hồ sơ bàn giao cho hợp tác xã điện năng sau khi quyết toán xong.

Tổ Phóng viên

 
  • Từ khóa