Thứ 6, 11/10/2024, 21:16[GMT+7]

Toàn tỉnh tập trung khắc phục ảnh hưởng của cơn bão số 5

Thứ 7, 03/08/2013 | 16:06:36
3,293 lượt xem
Thái Bình không nằm trong tâm bão số 5, song cũng bị ảnh hưởng gây ra mưa to và rất to. 7 giờ sáng nay, lượng mưa đo được tại Thành phố Thái Bình là 6,4 mm, Tiền Hải 12 mm, Thuỵ Anh (Thái Thụy) 17 mm, Đông Hưng 6 mm...Dự báo từ chiều và đêm ngày 3/8 sẽ tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to, dao động từ 100- 200 mm, có nguy cơ gây ngập úng trên diện rộng.

Trạm bơm Hệ thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Thái Bình vận hành chủ động tiêu phòng úng kịp thời cho diện tích lúa mùa 2 huyện Thái Thụy và Quỳnh Phụ

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ, hồi 10 giờ, ngày 3/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc, 107,1 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9, cấp 10. Tỉnh Thái Bình không nằm trong tâm bão số 5, song cũng bị ảnh hưởng gây ra mưa to và rất to. 7 giờ sáng nay, lượng mưa đo được tại Thành phố Thái Bình là 6,4 mm, Tiền Hải 12 mm, Thuỵ Anh (Thái Thụy) 17 mm, Đông Hưng 6 mm...Dự báo từ chiều và đêm ngày 3/8 sẽ tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to, dao động từ 100- 200 mm, có nguy cơ gây ngập úng trên diện rộng.

Ban chỉ huy PCLB tỉnh đã thành lập  các đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các huyện, thành phố, nhất là các huyện ven biển khẩn trương triển khai đối phó với cơn bão số 5. Đến 17 giờ ngày 2/8, các lực lượng chức năng đã kêu gọi 12 phương tiện với 67 lao động đánh bắt xa bờ vào neo đậu tại khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa; 1.167 phương tiện, với 3.021 lao động hoạt động tại khu vực ven biển Thái Bình về nơi neo đậu an toàn; 948 lao động nuôi trồng thủy, hải sản và trên các chòi canh ngao ngoài biển vào bờ an toàn; sơ tán 2.052 nhân khẩu đang sinh sống ngoài đê vào nơi trú ẩn an toàn; Thành phố Thái Bình di dời gần 1.200 người sinh sống trong các căn nhà xuống cấp đến nơi ở chắc chắn.

Ngoài ra, Công an tỉnh đã thành lập các đoàn công tác đến các huyện, thành phố để kiểm tra, đôn đốc việc phòng, chống lũ, bão và triển khai phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu; đồng thời chuẩn bị vật tư, phương tiện sẵn sàng tham gia tổ chức di dời dân, bảo đảm an ninh trật tự trước, trong bão. Ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo Công ty KTCTTL Bắc, Nam bố trí lực lượng vận hành các trạm bơm tiêu úng liên tục 24/24 giờ và tranh thủ mở cống để hạ mực nước trên các trục tiêu của toàn hệ thống…

Đến 14 giờ ngày 3/8, mặc dù gió bão không lớn, nhưng đã xảy ra mưa to và rất to, do đó các địa phương cần tập trung khơi thông dòng chảy, giải phóng vật cản trên sông, kết hợp tiêu tự chảy và động lực để tiêu, thoát nước kịp thời, hạn chế thiệt hại thấp nhất do mưa lớn gây ra.

* Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành công văn gửi các phòng, đơn vị trực thuộc thông báo tình hình, diễn biến bão số 5 và lũ trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, yêu cầu các phòng, đơn vị triển khai phương án bảo vệ người và tài sản; chuẩn bị vật tự, hậu cần, nhân lực, phương tiện phòng chống lụt bão; duy trì lực lượng xung kích sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có yêu cầu. Đồng thời tổ chức thường trực nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 5 để kịp thời đối phó với các tình huống, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Sở.

 

Đồng chí Bùi Công Phượng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VHTT và DL kiểm tra công tác phòng chống bão số 5 tại công trình xây dựng Nhà thi đấu đa năng tỉnh.

 

Ngày 3/8, đồng chí Bùi Công Phượng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các đồng chí Phó Giám đốc Sở đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão tại một số đơn vị trực thuộc. Các khẩu hiệu, pano, áp phích tại các điểm văn hóa đã được tháo dỡ, bảo quản. Tại trụ sở các đơn vị đặc thù lưu giữ tài liệu, hiện vật quan trọng của ngành văn hóa như Bảo tàng, Trung tâm Phát hành phim, Triển lãm đã có biện pháp bảo vệ tài sản như tháo dỡ, chằng chống hiện vật ngoài trời, di chuyển tài liệu đến nơi khô ráo, bảo đảm an toàn.

 

Tại công trình xây dựng Nhà thi đấu đa năng tỉnh, Chỉ huy phó công trình Nguyễn Văn Thắng cho biết: Ban chỉ huy xây dựng công trình đã cho ngừng thi công từ ngày 1/8 để tiến hành các biện pháp phòng chống bão số 5, bảo đảm an toàn về người cũng như trang thiết bị, vật tư của công trình.

 

Cũng trong chiều 3/8, đồng chí Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Thái Bình đã kiểm tra công tác di dân ở các khu tập thể cũ, thiếu an toàn như khu tập thể nhà máy xay, khu nhà 4 tầng phường Lê Hồng Phong; khu tập thể 5 tầng phường Quang Trung. Đồng thời tiến hành kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại một số tuyến đê xung yếu trên địa bàn Thành phố…

 

Do thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của trên và các biện pháp phòng chống lụt bão, đến thời điểm này, bão số 5 không gây thiệt hại về người và tài sản của các phòng, đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 

* Ngành Y tế

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo các đơn vị y tế khẩn trương thực hiện các phương án phòng chống bão; bảo vệ bệnh nhân, bảo vệ cán bộ, cơ sở vật chất, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; tổ chức thường trực cấp cứu 24/24 giờ. Sở cũng chỉ đạo các đơn vị y tế tuyến huyện đặc biệt quan tâm đến những trạm y tế xuống cấp, những vùng trũng, thấp có khả năng úng lụt, chủ động có phương án di dời, bảo vệ trang thiết bị, vật tư, thuốc và phối hợp với các ban, ngành địa phương đối phó với tình huống mưa lụt, hướng dẫn nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý nguồn nước bị ô nhiễm, phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh phát sinh.

 

 

Đến chiều ngày 2/8, 100% bệnh viện đã hoàn tất việc phân loại bệnh nhân, các bệnh nhân ổn định cho ra viện trước khi bão đến. Theo phương án phòng chống thiên tai của ngành y tế, các cơ sở khám chữa bệnh cũng chuẩn bị dự trữ lương thực, xăng dầu để phục vụ cho cán bộ, bệnh nhân, thân nhân người bệnh trong thời gian ít nhất 1 tuần. Mục tiêu của ngành y tế là hạn chế thiệt hại, không để xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm sau bão, lụt.

 

Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát phòng chống bão, từ ngày 1 đến ngày 3/8, Sở Y tế đã thành lập 4 đoàn kiểm tra do các đồng chí lãnh đạo Sở trực tiếp làm trưởng đoàn đi kiểm tra, giám sát tại các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế trọng điểm trên địa bàn 8 huyện, thành phố. Qua giám sát cho thấy, 100% các đơn vị bảo đảm thường trực cấp cứu 24/24 giờ; bảo đảm thuốc, phương tiện, vật tư; các đội cấp cứu lưu động, đội xử lý môi trường, đội phòng chống dịch phòng chống bão.

 

Các đơn vị cũng tổ chức chằng chống nhà cửa, di dời bệnh nhân, trang thiết bị, thuốc, vật tư đến nơi an toàn. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115, các bệnh viện: Đa khoa tỉnh, Phụ sản, Nhi... tổ chức các đội cấp cứu lưu động sẵn sàng chi viện cho tuyến dưới khi có tình huống cấp cứu khẩn cấp. Trung tâm Y tế 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện, thuốc, hoá chất để ứng cứu một số trạm y tế dễ bị chia cắt, cô lập khi bão lụt.

 

* Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh:

Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo Ban chỉ huy Quân sự 2 huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy cử các đội công tác phối hợp với địa phương và nhân dân khơi thông dòng chảy; nắm chắc tình hình triều cường và khả năng chịu đựng của các tuyến đê, nhất là các tuyến đê, kè xung yếu.

 

Qua kiểm tra hầu hết các tuyến đê đều bảo đảm an toàn. Một số điểm xung yếu được khắc phục ngay. Trong những ngày tới, có thể còn có mưa tiếp diễn, vì vậy cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang toàn tỉnh tiếp tục trực chiến 100% quân số, bảo đảm sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ.

 

* Thành phố Thái Bình

Ban Chỉ huy PCLB Thành phố đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị phối hợp với UBND phường Quang Trung, Lê Hồng Phong, Kỳ Bá tổ chức sơ tán 1.190 người dân đang sinh sống tại các khu vực không an toàn, đặc biệt là các khu tập thể xuống cấp và các hộ ngoài đê.

 

Người dân về nơi trú ngụ an toàn tại Khu KTX sinh viên 9 tầng (thuộc Ban Quản lý nhà ở sinh viên - Sở Xây dựng)

 

Cụ thể, phường Quang Trung có 3 khu vực cần di dời thuộc tổ 17, 39, 40; phường Lê Hồng Phong sơ tán các hộ khu tập thể thuộc các tổ 24, 25, 26A, 26B và khu tập thể nhà máy xay (cũ); phường Kỳ Bá di dời 41 hộ dân ngoài đê và các hộ khu tập thể Công ty Xây lắp I, đặc biệt ưu tiên người già, trẻ nhỏ, hộ gia đình chính sách, neo đơn. Đến 9 giờ 30 phút sáng 3/8, gần 1.200 người dân đã về nơi trú ẩn an toàn.

 

 

Mưa lớn gây ngập một số tuyến đường lớn ở Thành phố Thái Bình.

 

Hiện Thành phố đã huy động toàn bộ lực lượng Ban Chỉ huy Quân sự Thành phố, Công an, dân quân tự vệ sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh. Tại những điểm xung yếu như đê Nhân Thanh (xã Tân Bình), đê kè Vũ Đông 1, Vũ Đông 2 ( xã Vũ Đông), bảo đảm ứng trực 24/24 giờ, xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra. Tính đến thời điểm này, Thành phố chưa có thiệt hại do bão gây ra, tuy nhiên, lượng mưa lớn, kéo dài nên các lực lượng cứu hộ vẫn túc trực thường xuyên, kiểm tra theo dõi mực nước, tiêu, thoát kịp thời bảo vệ sản xuất.

 

* Thái Thụy

Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, từ sáng sớm 3/8 nay trên địa bàn huyện có mưa trên diện rộng kèm theo gió mạnh cấp 6, cấp 7. Tổng lượng mưa đo được từ 16 giờ chiều ngày 2/8 đến 14 giờ ngày 3/8 là 121mm

 

Khu vực mái đê sông Hoá, từ K3+800 đến K5 thuộc các xã Thụy Hồng, Thụy Dũng được cắm kè , đắp áp trúc thân đê trước khi bão số 5 đổ bộ.

 

Để ứng phó với bão số 5, huyện đã gửi 5 công điện chỉ đạo các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, sử dụng mọi biện pháp liên lạc, thông báo cho các chủ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển, vận động người dân sinh sống ở vùng xung yếu, vùng nuôi trồng thủy sản vào nơi trú ẩn an toàn. Kết quả, đến 20 giờ ngày 2/8, huyện đã hoàn thành công tác di dân.

 

Trong ngày 2/8, huyện tăng cường huy động  nhân lực, vật tư, phương tiện hoàn thành xử lý các trọng điểm xung yếu:  khu vực mái đê sông Hoá, từ K3+800 đến K5 thuộc các xã Thụy Hồng, Thụy Dũng; tuyến đê vùng thuộc thôn Đầm Sen (Thụy Dũng); đắp đỉnh cống Vân Am (xã Thụy Quỳnh). Từ sáng ngày 2/8, hai trạm bơm tiêu úng là Thuỷ Nguyên và trạm bơm Hệ  vận hành để tiêu nước triệt để đề phòng ngập úng. Sáng ngày 3/8, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và cán bộ huyện tiếp tục đi kiểm tra các vị trí đê, kè xung yếu, đôn đốc các địa phương đối phó với cơn bão số 5.

 

Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Dù Thái Thụy nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của bão số 5 nhưng do làm tốt công tác chuẩn bị, tập trung chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt chủ động mở các cống tiêu và vận hành các trạm bơm tiêu úng từ trước nên đến 15 giờ ngày 3/8 toàn bộ diện tích lúa và hoa màu, đầm nuôi trồng của Thái Thụy được bảo đảm an toàn.

 

Ngay sau khi mưa dứt, nông dân xã Thụy Chính ra đồng chăm sóc, bảo vệ  lúa mùa.  

 

Ngay sau khi bão tan, huyện vẫn tiếp tục phân công cán bộ đi xuống các xã, thị trấn nắm tình hình thiệt hại, khiển khai khắc phục hậu quả, đặc biệt là công tác phòng chống úng. Trước mắt, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện theo dõi sát mực nước thủy triều, mở hết các cống dưới đê tiêu úng tự chảy đồng thời vận hành các trạm bơm tiêu úng để tiêu bằng động lực. Các địa phương huy động nhân lực khơi thông dòng chảy, giải phóng vật cản trên các sông trục nội đồng, sông dẫn trạm bơm phục vụ tiêu nước nhanh. Tiếp tục theo dõi diễn biễn các vị trí đê, kè, cống xung yếu, bố trí lực lượng, vật tư và phương tiện kịp thời khắc phục và xử lý nếu xảy ra sự cố.

 

* Kiến Xương

Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, trên địa bàn huyện Kiến Xương có mưa trên diện rộng. Ngay trong sáng ngày 3/8, huyện tiếp tục phân công các đoàn xuống cơ sở kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện các biện pháp kịp thời đối phó với bão.

 

Ban chỉ huy PCLB các xã, thị trấn cử lực lượng thường xuyên rà soát toàn bộ hệ thống đê, kè, cống trên địa bàn, đặc biệt là các tuyến đê xung yếu, nếu phát hiện mạch sủi, các đoạn đê thấp nước có thể tràn qua và các hư hỏng đột xuất cần có ngay phương án ứng cứu kịp thời. Cán bộ, chiến sĩ của Ban chỉ huy Quân sự, Công an huyện cũng tổ chức lực lượng thường trực, chuẩn bị phương tiện sẵn sàng giúp các địa phương thực hiện phương án cứu hộ, cứu nạn, hộ đê, bảo đảm an ninh trật tự vùng bị thiên tai và khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra.

 

Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện và các xã, thị trấn tranh thủ mọi thời gian mở các cống tiêu, vận hành liên tục các trạm bơm tiêu úng. Hiện chưa có thống kê thiệt hại cụ thể, đến 14 giờ chiều ngày 3/8 trên địa bàn huyện vẫn còn mưa nhỏ nhưng mực nước trên các sông trục tiếp tục hạ thấp, toàn bộ diện tích lúa mùa của Kiến Xương được bảo đảm an toàn.


* Tiền Hải

Trước khi bão số 5 đổ bộ vào, huyện Tiền Hải đã có 2 Công điện số 04 và 05 yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các ngành, đoàn thể và UBND 35 xã, thị trấn khẩn trương, tích cực chủ động phòng chống cơn bão số 5 theo Đề án PCLB của huyện và kế hoạch của các địa phương, đơn vị. 

 

Trước đó, đến 15h ngày 2/8, lực lượng chức năng đã sử dụng các loại phương tiện thông tin liên hệ, vận động được toàn bộ 718 phương tiện tàu thuyền (trong đó có 5 đôi đánh bắt xa bờ) với 2.088 lao động vào nơi trú ẩn an toàn. Ban Chỉ huy PCLB huyện, Đồn Biên phòng 72 và UBND các xã ven sông, ven biển đã sơ tán 173 hộ dân, với 530 nhân khẩu sống ngoài đê quốc gia; 1.319 hộ, với 2.496 khẩu nuôi trồng thuỷ -  hải sản vào tạm trú ở các nơi an toàn. Đến 19h ngày 2/8, huyện đã vận động, giải thích và đưa những trường hợp cuối cùng sống ngoài đê biển thuộc xã Đông Long vào trong đê.

 

Từ sáng ngày 3/8, toàn huyện đã có mưa vừa và mưa to (lượng mưa 112- 125 mm) với sức gió cấp 7. Sơ bộ ban đầu không có thiệt hại về người, hiện các địa phương, đơn vị đang khẩn trương thống kê và khắc phục hậu quả sau bão số 5.

 

* Quỳnh Phụ
Trước khi bão đổ bộ, Quỳnh Phụ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt việc tiêu nước trên mặt ruộng, hệ thống sông trục do xã, thị trấn quản lý; xây dựng phương án bảo vệ các vùng nuôi trồng thủy sản, nhất là vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ven sông Luộc, sông Hóa. Thực hiện ngay phương án bảo vệ công trình đê, kè, cống xung yếu, các công trình đang thi công.

 

Lực lượng chức năng giải tỏa vật cản giúp phương tiện lưu thông thuận lợi sau bão

 

Đến 19 giờ ngày 2/8, UBND xã Quỳnh Lâm đã tuyên truyền, vận động 62 hộ sơ tán vào nơi an toàn, các hộ còn lại (đã có cam kết xin ở lại vùng xung yếu) là những hộ có nhà ở kiên cố và cách xa vùng sạt lở.

 

Công nhân Điện lực Quỳnh Phụ khắc phục sự cố mất điện thuộc lộ 971 tại xã Quỳnh Hưng.

 

Đến 14 giờ ngày 3/8, mực nước sông Yên Lộng (Thị trấn Quỳnh Côi) là +1,1 m, tại đập Neo là +0,6 m, tại Cao Nội là +0,6 m, tại Đại Nẫm là +0,78m; lượng mưa trung bình tại Thị trấn Quỳnh Côi đạt 110 mm. UBND huyện đã chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi phân công lãnh đạo, công nhân thường trực 24/24 giờ, vận hành bơm tiêu kịp thời tại trạm bơm Cao Nội, Đại Nẫm, Quỳnh Hoa; yêu cầu chủ tịch UBND các xã, thị trấn, chủ nhiệm hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tiếp tục tiêu triệt để nước trên hệ thống sông trục cấp 3 và mặt ruộng, đồng thời giải tỏa bèo bồng,vật cản trên sông như đăng, đó, vó, bè, ... bảo đảm chống úng cho diện tích lúa mùa và cây màu hè thu.

 

 


* Hưng Hà
Đến 14 giờ ngày 3/8, lượng mưa trung bình đo được trên địa bàn huyện là trên 100 mm. Một số địa phương trong huyện đã xảy ra ngập úng cục bộ đối với diện tích lúa mùa và cây màu hè, như các xã: Hồng Minh, Độc Lập, Cộng Hòa, Điệp Nông, Canh Tân, Duyên Hải, Thái Phương, Điệp Nông…

 

Vì vậy UBND huyện đã tập trung chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi phân công cán bộ, công nhân vận hành thường trực 24/24 giờ vận hành 3 trạm bơm tiêu: Tịnh Xuyên, Minh Tâm, Hà Thanh. Đồng thời, yêu cầu chủ tịch UBND các xã, thị trấn, chủ nhiệm hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp khép kín bờ vùng và vận hành các trạm bơm tiêu đối với những diện tích lúa mùa, cây màu bị ngập lụt.

 

Trên địa bàn huyện đã xảy ra sự cố lưới điện với 8/15 lộ dây trung thế, gây mất điện cục bộ; nguyên nhân do cây đổ, cành cây bay vào đường điện... Sau hơn 4 giờ khắc phục, đến 16 giờ ngày 3/8, Điện lực Hưng Hà đã cấp điện trở lại cho tất cả các xã, thị trấn, xảy ra sự cố, đáp ứng yêu cầu điện cho các địa phương trong việc khắc phục hậu quả của bão.

 

* Đông Hưng

Đến 15 giờ ngày 3/8, lượng mưa đo được trên địa bàn huyện Đông Hưng đạt trên 80 mm, gây ngập úng hầu hết 2.100 ha lúa mùa gieo thẳng, tập trung ở các xã: Mê Linh, Phú Lương, Đông Sơn, Đông Lĩnh, Đông Phong và 550 ha cây màu hè các xã: Bạch Đằng, Lô Giang, Đông Hà, Đồng Phú, Trọng Quan… Ngay sáng ngày 3/8, huyện đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc công tác khắc phục hậu quả của bão tại các xã, thị trấn.

 

Mưa lớn gây ngập úng diện tích lúa mùa gieo thẳng ở xã Đông Sơn

 

UBND huyện chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi đóng toàn bộ cống tưới, mở tối đa cống tiêu, vận hành 2 trạm bơm tiêu úng Hậu Thượng và Cống Lấp; yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn nông dân tập trung chăm sóc kịp thời cho diện tích lúa mùa và cây màu hè thu sau khi nước rút; các xã tiếp tục khơi thông dòng chảy, giải tỏa vật cản tạo điều kiện cho nước tiêu thoát nhanh.

                                                                   

                                     

Nhóm Phóng viên - Cộng tác viên 
 
  • Từ khóa