Thứ 2, 05/08/2024, 07:17[GMT+7]

Giúp người cũng là giúp ta.

Thứ 3, 14/09/2010 | 10:14:47
850 lượt xem
Tất bật từ sáng sớm đến tận đêm khuya, lúc nào cũng canh cánh: làm thế nào để có nhiều hàng đặt, làm thế nào để nâng thu nhập cho chị em... nên chị Mức không có lấy một giấc ngủ ngon, nhưng nụ cười vẫn luôn nở trên môi bởi chị thấy việc làm của mình đã tạo ra một hướng phát triển kinh tế mới

Đó là quan niệm sống, là tấm lòng muốn chia sẻ cách làm giàu với những chị em có cuộc sống khó khăn của chị Nguyễn Thị Mức, thôn Duyên Tục, xã Phú Lương (Đông Hưng). Vì thế, khi gia đình chị Mức có “của ăn, của để” thì cuộc sống của các chị em làm việc tại cơ sở mây tre đan cũng ngày một khấm khá.

 

Chị Mức tâm sự: Là người phụ nữ trong thời kỳ CNH, HĐH, tôi luôn mong muốn có một cuộc sống gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Mong muốn của chị cũng là mong muốn của tất cả phụ nữ, nhưng để trở thành hiện thực không phải dễ dàng, đặc biệt là với những chị em sống tại thôn Duyên Tục, ngoài hai vụ lúa chính chị em không biết làm gì để có thêm thu nhập, cấy lúa vụ nào được mùa cũng chỉ đủ gạo ăn, trong khi nhu cầu của con người hiện nay không dừng lại ở “ăn no, mặc đủ” mà là “ăn ngon, mặc đẹp”.

 

Trăn trở, mầy mò qua báo, đài, chị Mức nhận thấy phụ nữ ở địa phương bản tính chịu khó, cần mẫn thì phát triển nghề mây tre đan là hợp nhất.  Sau đó chị bỏ thời gian, công sức, tiền của đi khắp tỉnh tìm cơ sở cần gia công sản phẩm mây tre đan, khi đã tìm được thì chăm chỉ học nghề đan làn, đan hộp.

 

 Chị hăm hở, nắn nót từng chiếc làn, chiếc hộp để ngay từ lần đầu sản phẩm do chị làm ra đã chiếm trọn niềm tin của chủ cơ sở giao hàng. Vì vậy, sản phẩm chị làm luôn bảo đảm yêu cầu của chủ cơ sở, lại được đánh giá cao về sự cải tiến mẫu mã nên hàng đặt ngày một nhiều, gia đình chị làm không xuể.

 

Thấy chị em trong xã cuộc sống còn khó khăn lại không có nghề phụ, chị Mức bàn với chồng mở nhiều lớp truyền nghề để chị em làm trong lúc nông nhàn, chị chỉ đảm nhiệm việc lấy hàng, làm kỹ thuật và giao trả hàng. Năm 2007, với sự phối hợp của BCH hội phụ nữ xã, chị mở thêm một lớp dạy nghề móc hộp cho các chị em, khi tay nghề vững lại được nhận vào làm tại nhà chị.

 

Đến nay, cơ sở mây tre đan của chị Mức đã tạo việc làm thường xuyên cho 400 lao động và hàng trăm lao động vệ tinh, thu nhập 400.000- 600.000 đồng/người/tháng. Nhiều chị em khó khăn, chị Mức còn cho tạm ứng tiền lương; hàng tháng thưởng tiền cho chị nào làm nhanh, làm đẹp. Mỗi năm chị thu về trên, dưới 300 triệu, trừ chi phí cũng lãi vài chục triệu đồng.

 

Từ phát triển nghề, chị Mức đã dành được tiền thay ngôi nhà ngói dột nát xưa kia bằng một ngôi nhà mái bằng khang trang với đầy đủ tiện nghi đắt tiền. Nhiều chị em trong và ngoài xã, được chị Mức dạy và tạo nghề, có thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình ngày một nâng cao.

 

Không chỉ sản xuất giỏi, chị Mức còn chấp hành nghiêm việc sinh đẻ có kế hoạch. Vợ chồng chị sinh được 2 cô con gái song vẫn quyết định dừng lại để phấn đấu làm kinh tế và tập trung nuôi con cái ăn học nên người. Hai cô con gái đã không phụ lòng cha mẹ, chăm ngoan và học hành giỏi giang: cô lớn đang học đại học Thương mại, cô thứ hai đang học tại trường THPT Đông Hưng, năm nào cũng đạt học sinh giỏi xuất sắc.

 

Tất bật từ sáng sớm đến tận đêm khuya, lúc nào cũng canh cánh: làm thế nào để có nhiều hàng đặt, làm thế nào để nâng thu nhập cho chị em... nên chị Mức không có lấy một giấc ngủ ngon, nhưng nụ cười vẫn luôn nở trên môi bởi chị thấy việc làm của mình đã tạo ra một hướng phát triển kinh tế mới, góp phần giúp cho nhiều gia đình có cuộc sống ổn định, cũng chính là chất keo gắn kết chị em cùng thực hiện mục tiêu làm giàu từ nghề mây tre đan.

Đỗ Hiền.

  • Từ khóa