Thứ 4, 24/07/2024, 20:20[GMT+7]

Gặp những “Nữ Oa đội đá” mưu sinh

Thứ 2, 26/08/2013 | 09:25:14
906 lượt xem
Là xã thuần nông của huyện Kiến Xương, ngoài hai vụ lúa, người dân xã Quang Minh phải bươn trải nhiều nghề phụ khác để bảo đảm kinh tế cho gia đình. Một trong những nghề mang lại thu nhập khá cho người dân nơi đây là xây dựng, trong đó đặc biệt phải kể đến những người phụ nữ với công việc nặng nhọc: phu hồ, vận chuyển bê tông. Với hàng trăm người theo từng tổ, nhóm đi khắp nơi để đội đá, trộn bê tông tại các công trình vì miếng cơm manh áo họ trở thành những “Nữ Oa đội đá” vá... nghèo.

Cô Xuyến cùng chị em trong tổ đang vận chuyển đá để trộn bê tông.

Chúng tôi về Quang Minh vào một ngày hè oi ả giữa tháng 8. Cái nắng chói chang đang thiêu đốt dần từng cành cây, ngọn cỏ. Hỏi thăm tới những người phụ nữ “đội đá vá nghèo”, chúng tôi được người dân nơi đây chỉ tới ngôi nhà đang đổ mái gần đó. Hơn chục phụ nữ trong những bộ quần áo lấm lem vì cát bụi, đầu đội nón, chân đi ủng; mỗi người một việc, người khuân đá, người đổ xi măng, người trộn, người đảo. Tiếng xẻng cùng tiếng máy trộn bê tông càng làm cho không khí trở nên ngột ngạt, những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ của những người phụ nữ nơi đây thêm mặn chát.

 

Tranh thủ phút nghỉ giải lao ngắn ngủi, cô Ðặng Thị Xuyến, một trong những thành viên của đội khuân vác cho biết: Cô làm nghề đội đá, trộn bê tông đã được 10 năm. Làm thuê nên chủ cai nhận công trình ở đâu là các cô đi tới đó. Tiền công tính theo khối lượng sản phẩm, mỗi khối bê tông các cô được trả từ 60.000 - 65.000 đồng. Cô Xuyến cũng cho biết thêm: “Trước đây, khi chưa có máy tời, máy trộn bê tông, các cô phải đảo, đội bê tông lên cao hoàn toàn thủ công nên rất vất vả.

 

Tuy là nữ nhưng các chị vẫn không thua kém đấng mày râu trong công việc.

 

Vài năm trở lại đây, việc xây dựng được đầu tư nhiều máy móc nên công việc cũng nhẹ nhàng hơn, tuy nhiên tai nạn lao động luôn rình rập. Làm gần, trưa còn tranh thủ về nhà ăn được bát cơm nóng, công trình ở xa, mọi người ở lại, bữa ăn quán, bữa pha mì tôm ăn tạm. Dẫu biết nghề này đầy hiểm nguy và nặng nhọc nhưng trông chờ vào hai vụ lúa thì không đủ trang trải chi phí cho gia đình. Nghề đan cói, thêu hay may cũng phổ biến ở địa phương nhưng thu nhập thấp. Làm nghề này vừa thoải mái thời gian, ốm mệt xin nghỉ được, tiền công bảo đảm lại được thanh toán ngay”. Trong xã, hàng trăm người làm nghề đội đá, trộn bê tông như cô Xuyến.

 

Trao đổi với chúng tôi, anh Ðặng Văn Công, cán bộ văn phòng UBND xã Quang Minh cho biết: Kinh tế nông nghiệp khó khăn, với bản tính cần cù chịu khó, người dân Quang Minh đã xoay xở nhiều nghề để cải thiện cuộc sống. Nhu cầu xây dựng phát triển, từ một vài tổ xây dựng, đến nay toàn xã có hơn chục tổ thợ với trên 100 thợ xây. Kèm theo đó là đội ngũ đông đảo thợ phụ, trong đó có khoảng 350 – 400 lao động là phụ nữ tham gia vận chuyển vật liệu: cát, đá, xi măng. Không chỉ nhận các công trình trong xã, huyện mà các công trình trong tỉnh, ngoài tỉnh cũng có người Quang Minh. Trong xã cũng xuất hiện nhiều “cai” chuyên nhận việc rồi gọi chị em đi làm.

 

Theo sự giới thiệu của anh Công, chúng tôi tìm tới nhà cô Tính, thôn Bạch Ðằng, một trong những chủ “cai” đầu tiên trong xã. Tên thật là Hoàng Thị Chiến nhưng người dân nơi đây thường lấy tên chồng để gọi và đặt biệt danh cho cô là “Cô Tính bê tông”. Trò chuyện với chúng tôi, cô Tính cho biết: Vợ chồng cô làm nghề đội bê tông đã gần 20 năm nay. Tích cóp được chút vốn liếng, cùng với những mối quan hệ trong quá trình làm thuê, năm 2003, vợ chồng cô mua sắm máy trộn, máy tời, đứng lên tập hợp thợ trong xã nhận đổ bê tông các công trình. Sức khỏe giảm sút, hai năm nay cô không làm mà ở nhà liên hệ nhận việc rồi gọi các chị đi làm. Ðến nay, gia đình cô sắm được 3 máy trộn, 2 máy tời, số người làm cho gia đình khoảng 50 lao động. Cô Tính chia sẻ: “Nhiều khi, công trình nhận đổ bê tông đã hoàn thành nhưng chủ chậm trả tiền, vợ chồng  phải đi vay mượn, thậm chí vay nợ lãi để trả công cho chị em. Bởi chúng tôi hiểu hơn ai hết, kiếm được đồng tiền không hề dễ dàng, đối với “nữ nhi” lại càng cơ cực”.

 

Cũng nhờ đi đội đá, nhiều chị em từ chỗ gia đình khó khăn, phải đi vay nợ dần thoát nghèo, nuôi các con ăn học. Xen ngang cuộc trò chuyện giữa chúng tôi, cô Nguyễn Thị Tuyết, một trong những lao động làm cho gia đình cô Tính tới lấy tiền công. Cầm những đồng tiền còn dính bụi xi măng, cô Tuyết cho biết: Chồng cô cũng làm nghề trộn bê tông nhưng ở tổ khác. Gần chục năm nay, công việc này giúp vợ chồng cô trang trải kinh tế gia đình, nuôi hai con học đại học.

 

Rời Quang Minh cũng là lúc cái nắng đã nhạt, chiếc máy trộn bê tông vẫn ì ạch chạy. Những tấm lưng vẫn ướt đẫm mồ hôi, đánh vật với cuộc mưu sinh, họ mang ý chí, tinh thần và sức khỏe của những bậc nam nhi, rồi đây, khi kết thúc công việc, họ sẽ trở về nhà với vai trò người phụ nữ chăm lo cho tổ ấm gia đình.

 

Bài, ảnh: Lưu Ngần

 

  • Từ khóa