Thứ 4, 22/01/2025, 07:41[GMT+7]

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Thái Thụy nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Thứ 5, 29/08/2013 | 10:14:38
1,024 lượt xem
Năm 2013, Thái Thụy xác định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là giấy chứng nhận) lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm và đã chỉ đạo các xã, thị trấn vào cuộc tích cực, quyết liệt. Tuy nhiên, quá trình thực hiện ở cơ sở đã nảy sinh nhiều khó khăn, bất cập, rất cần các cấp, các ngành tập trung tháo gỡ.

Nông dân xã Thái Hưng (Thái Thụy) chăm sóc cây màu vụ hè thu. Ảnh: Mạnh Cường

Ông Nguyễn Đức Dương, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ) huyện cho biết: Những năm qua, Thái Thụy đã nỗ lực rất nhiều trong việc cấp giấy chứng nhận (GCN) cho các hộ gia đình, cá nhân và đến nay đã cấp được 14.000 giấy, song con số này vẫn chiếm tỷ lệ quá ít so với tổng số thửa đất chưa được cấp GCN của huyện. Để hoàn thành mục tiêu cấp GCN lần đầu cho 1.632 ha với 91.801 thửa đất ở trong khu dân cư, 10.457,3 ha với 142.104 thửa đất nông nghiệp của 74.862 hộ gia đình, cá nhân trong năm 2013, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, Thái Thụy tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ cho tổ công tác, hội đồng xét duyệt hồ sơ xin cấp GCN của các xã, thị trấn. Hàng tháng, Ban Chỉ đạo huyện họp giao ban với các xã, thị trấn để đôn đốc, kiểm điểm đánh giá tiến độ, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, bàn biện pháp tháo gỡ. Kết quả, đến ngày 18/8, toàn huyện có 46 xã, thị trấn tổ chức kê khai đơn và hoàn thiện hồ sơ với tổng số hồ sơ là 41.404 (trong đó đất nông nghiệp là 32.819 hồ sơ, đất ở là 8.585 hồ sơ), 3.802 hồ sơ đã nộp về Văn phòng Đăng ký QSDĐ.

Dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực nhưng đến thời điểm này Thái Thụy vẫn chưa cấp được GCN nào theo chỉ tiêu tỉnh giao năm 2013, trong khi mục tiêu 3 tháng (6,7,8) huyện đặt ra là phải cấp được 62% tổng số GCN. Nguyên nhân chậm tiến độ là do cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nên nhiều người dân chưa thấy hết quyền và nghĩa vụ của mình trong việc đăng ký QSDĐ.

Một số cán bộ địa chính xã chưa chủ động, tích cực hướng dẫn người dân lập, hoàn thiện hồ sơ đăng ký. Hiện trạng sử dụng đất của các xã, thị trấn có nhiều biến động, không được cập nhật, chỉnh lý thường xuyên nhất là sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới. Việc xác định nguồn gốc đất cũng là một vấn đề khó bởi thực tế số lượng người sử dụng đất có đủ các giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định rất ít mà hầu hết là đất ông cha để lại, khi sử dụng không làm thủ tục thừa kế, tặng cho theo quy định của pháp luật; một số hộ còn bán đất ở, đất vườn (chưa có GCN) cho các hộ khác.

Đối với đất ở hiện nay còn nhiều hạn mức công nhận, đặc biệt đối với những diện tích đất cấp trái thẩm quyền trước ngày 01/7/2004, gây khó khăn cho việc thực hiện. Ông Nguyễn Quang Trọng, cán bộ địa chính xã Thụy Hải cho biết: “Thụy Hải phấn đấu đến hết năm 2013 sẽ cấp GCN cho 972/1.080 thửa đất ở, đạt 90%. Tuy nhiên, khó khăn của địa phương hiện nay là còn một số diện tích đất giao trái thẩm quyền sau ngày 15/10/1993 đến năm 1997 mà phần lớn lại nằm trong hành lang đê PAM, trong khi hành lang đê PAM  hình thành từ năm 1998, khi làm hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận phải trừ diện tích hành lang đê thì diện tích của các hộ còn lại không đáng kể nên chưa biết sẽ giải quyết thế nào”.

Hiện nay, Thái Thụy còn lại 8 xã chưa được đo đạc bản đồ địa chính chính quy phải sử dụng bản đồ cũ  từ năm 1985 mà hình thể, kích thước, chủ sử dụng, loại đất hiện trạng đã biến động quá nhiều, nên khó khăn cho việc cấp GCN ở khu dân cư. Theo ông Trần Quang Trường, Chủ tịch UBND xã Thụy Duyên: “Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương và các thôn đã vào cuộc quyết liệt thực hiện cấp GCN đất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân, phấn đấu đến hết tháng 9 sẽ hoàn thành, sau đó sẽ triển khai việc cấp giấy đất ở.

Tuy nhiên, đất ở trong khu dân cư chưa được đo đạc bản đồ địa chính chính quy, nếu triển khai công việc này phải mất thời gian từ 3 đến 5 tháng, kinh phí từ 500 đến 550 triệu đồng, trong khi ngân sách địa phương rất khó khăn nên đề nghị cấp trên có biện pháp hỗ trợ tháo gỡ”. Ngoài khó khăn kinh phí đo đạc bản đồ địa chính, ước tính số tiền chi cho việc cấp GCN đối với Thái Thụy năm 2013 là 27,9 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện mới bố trí từ nguồn thu tiền sử dụng đất theo quy định được 2,8 tỷ đồng. Đối với các xã, kinh phí cũng rất khó khăn, nhiều xã chưa có nguồn để chi. Việc cấp GCN đồng loạt như hiện nay đòi hỏi về thời gian, nguồn nhân lực có kinh nghiệm thực tế, tuy nhiên hiện nay cán bộ của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Văn phòng Đăng ký QSDĐ đều thiếu, phải tăng cường đi cơ sở; năng lực, trình độ, kinh nghiệm của cán bộ địa chính ở một số xã còn hạn chế, thiếu trang thiết bị phục vụ công việc…

Trước những khó khăn trên, thời gian tới Thái Thụy tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, công khai các thủ tục hành chính, để mọi cán bộ, đảng viên và người dân biết, thực hiện quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của mình. Đối với đất nông nghiệp đã được dồn điền đổi thửa tập trung hoàn thiện hồ sơ, kê khai xét duyệt, công khai và nộp hồ sơ trong tháng 8/2013; đối với những xã chưa thực hiện dồn điền đổi thửa, chưa phê duyệt phương án thì yêu cầu khẩn trương hoàn thiện để thực hiện công tác cấp GCN. Đối với đất ở khu dân cư tiến hành phân loại: đất rõ nguồn gốc, đầy đủ hồ sơ cấp GCN trước; những thửa đất biến động nguồn gốc đất đai, chưa đủ hồ sơ tiến hành xác minh, bổ sung hoàn thiện để đủ điều kiện tiến hành kê khai cấp GCN; những trường hợp khó khăn (không có giấy tờ nguồn gốc đất, vi phạm quy hoạch, đất lấn chiếm, thay đổi mục đích sử dụng đã xây nhà kiên cố) thì tổng hợp từng thửa, từng trường hợp cụ thể tìm biện pháp giải quyết. Cùng với đó, Thái Thụy sẽ tăng cường cán bộ xuống cơ sở đôn đốc, hỗ trợ các xã, thị trấn trong việc thẩm định, xét duyệt hồ sơ, giải quyết những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, bảo đảm tiến độ, chỉ tiêu giao.

Tuy nhiên, ngoài nỗ lực của địa phương, huyện cũng đề nghị tỉnh, các ngành liên quan hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về những trường hợp đất giao trái thẩm quyền trước ngày 1/7/2004. Bố trí kinh phí, lực lượng, trang thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết và tăng cường cán bộ cho Văn phòng Đăng ký QSDĐ để bảo đảm thực hiện được những công việc được giao. Hỗ trợ kinh phí đo đạc bản đồ địa chính đối với 8 xã chưa thực hiện và kinh phí triển khai thực hiện cấp GCN đồng loạt trên địa bàn huyện. Có cơ chế miễn, hoặc ghi nợ lệ phí trước bạ khi đăng ký cấp GCN lần đầu cho các hộ gia đình vì hiện nay nhiều hộ ở nông thôn kinh tế rất khó khăn… tránh tình trạng giấy đã làm rồi nhưng không có người nhận, gây khó khăn cho cơ sở.

Nguyễn Hình

 

  • Từ khóa