Thứ 3, 06/08/2024, 21:25[GMT+7]

Hưng Hà Anh hùng thời chiến, năng động thời bình

Chủ nhật, 01/09/2013 | 20:29:54
764 lượt xem
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những trang sử hào hùng của mảnh đất Long Hưng vẫn mãi là niềm tự hào của người dân nơi đây, để các thế hệ nối tiếp truyền thống đó tiếp tục thực hiện tốt đường lối đổi mới của Đảng.

Xây dựng đường giao thông nông thôn ở Hồng Minh (Hưng Hà).

Những ngày cuối tháng 8, khắp các địa phương ở Hưng Hà đâu đâu cũng rợp cờ đỏ sao vàng tung bay hướng tới kỷ niệm Quốc khánh 2/9. Đây là dịp để Đảng bộ và nhân dân Hưng Hà ôn lại những trang sử hào hùng trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, khởi đầu là Cách mạng Tháng Tám thành công (1945). Với những đóng góp to lớn, sự hy sinh về người và của trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, huyện Hưng Hà và 8 xã trong huyện đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Phát huy truyền thống hào hùng của các thế hệ đi trước, ngày nay Hưng Hà đang năng động đổi mới phát triển toàn diện các lĩnh vực, giành được nhiều thành tựu to lớn, xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp.

 

Ngay từ năm 1928, Hưng Hà đã thành lập được tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội; tháng 7/1929, thành lập Chi bộ Thần - Duyên (là một trong 6 chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Thái Bình). Từ khi có các chi bộ đảng, phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân đã có bước phát triển mới, nhất là cuộc biểu tình của trên 1.000 nông dân Tiên Duyên Hưng đã gây tiếng vang lớn trong cả nước, tạo mốc son đầu tiên trong lịch sử của Đảng bộ nơi đây. Từ những kết quả bước đầu, các cơ sở đảng trong toàn huyện đã phát triển nhanh chóng, khi thời cơ đến, Đảng đã lãnh đạo nhân dân nhất tề nổi dậy giành chính quyền vào đêm 19, rạng sáng ngày 20/8/1945.

 

Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng non trẻ ở Hưng Hà lại phải đối phó với thử thách lớn, đó là vỡ đê Đìa làm ngập lụt trên diện rộng, cùng với nạn đói xảy ra nghiêm trọng. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân đã vượt qua khó khăn, gian khổ, ổn định đời sống, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững chính quyền cách mạng. Với các phong trào “Rào làng kháng chiến”, “Kháng chiến kiến quốc”, “Thóc không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”… đã trở thành cao trào hành động cách mạng của các tầng lớp nhân dân Hưng Hà. Trong 2 cuộc kháng chiến, Hưng Hà có trên 5.800 người con thân yêu mãi mãi không trở về, hơn 4.400 thương binh, bệnh binh. Ghi nhận những thành tích to lớn của Đảng bộ và nhân dân Hưng Hà, Đảng và Nhà nước đã tặng Huân, Huy chương kháng chiến cho trên 28.000 người; 72 gia đình được tặng Huân chương Độc lập; 9 làng, 26 gia đình và cá nhân được tặng Kỷ niệm chương…

 

Kết thúc chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân Hưng Hà đã nhanh chóng bắt tay vào phát triển kinh tế - xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước ổn định, nâng cao đời sống nhân dân. Trong suốt những năm qua, thực hiện công cuộc đổi mới, Hưng Hà đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Hưng Hà đã năng động đổi mới toàn diện cả về tư duy sản xuất đến việc hỗ trợ đầu tư giao thông, thủy lợi nội đồng… Hàng năm, các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt được đưa vào sản xuất ngày một nhiều. Đến nay, Hưng Hà cơ bản không còn gieo cấy giống lúa dài ngày, thay vào đó là các giống ngắn ngày chất lượng gạo ngon chiếm gần 70%, lúa cho năng suất cao chiếm gần 60% tổng diện tích gieo cấy, như BC15, TBR1, N87, N97. Đồng thời từng bước thay đổi phương thức gieo cấy cũ bằng việc gieo mạ khay cấy bằng máy và gieo thẳng. Do chuyển đổi mạnh cơ cấu giống lúa và phương thức gieo cấy nên việc gắn kết mùa vụ đã phát huy được hiệu quả, hàng năm diện tích cây vụ đông đạt từ 6.000 ha đến trên 8.000 ha, tạo ra sản phẩm hàng hoá, nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác.

 

Từ những việc làm trên, Hưng Hà trở thành một trong những huyện có diện tích gieo trồng cây vụ đông, vụ hè và năng suất lúa cao nhất tỉnh. Đối với chăn nuôi, đang dần thu hẹp chăn nuôi nhỏ lẻ, thay vào đó là phương thức chăn nuôi gia trại, trang trại công nghiệp, bán công nghiệp. 6 tháng đầu năm 2013, giá trị chăn nuôi đạt gần 163 tỷ đồng, tăng 7,41% so với cùng kỳ. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hưng Hà đã tạo được các phong trào thi đua ở tất cả các ngành, đơn vị, địa phương. Nhiều đơn vị, địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo, phát huy được sức mạnh của cả cộng đồng thực hiện có hiệu quả việc xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, Hưng Hà có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 9 xã đạt từ 11 - 15 tiêu chí, 9 xã đạt 8 - 11 tiêu chí…

 

Về sản xuất CN - TTCN, Hưng Hà đã duy trì, phát triển khá tốt các làng nghề truyền thống và du nhập thêm nhiều nghề mới, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động. Toàn huyện hiện có 44 làng nghề và 4 xã nghề được tỉnh công nhận, thu hút gần 60.000 lao động tại địa phương. 6 tháng đầu năm 2013, tổng giá trị sản xuất CN - TTCN của Hưng Hà đạt gần 860 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2012. Cùng với việc phát triển kinh tế, văn hóa xã hội cũng chuyển biến quan trọng; an ninh - quốc phòng ngày càng được tăng cường vững chắc; hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân không ngừng được nâng lên.

 

Bài, ảnh: Nguyên Bình

 

 

  • Từ khóa