Thứ 6, 02/08/2024, 17:13[GMT+7]

Cần giải pháp tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi

Thứ 5, 26/09/2013 | 09:04:51
2,015 lượt xem
Những năm gần đây, lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tỉnh đang trong quá trình tái cơ cấu theo hướng phát triển trang trại, đưa nhanh tiến bộ về giống, công nghệ, thức ăn vào sản xuất để tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, chất lượng cao, giá thành hạ… Tổng sản lượng thịt vật nuôi xuất chuồng đạt từ 210.000 – 220.000 tấn/năm, trong đó sản lượng thịt hơi vật nuôi xuất ra thị trường ngoài tỉnh khá lớn (khoảng 100.000 tấn/năm), đây là thế mạnh song cũn

Công ty cổ phần Giống chăn nuôi Thái Bình do luôn thực hiện nghiêm các quy trình trong chăn nuôi nên đã tạo được uy tín cả thị trường trong và ngoài tỉnh.

Những năm gần đây, lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tỉnh đang trong quá trình tái cơ cấu theo hướng phát triển trang trại, đưa nhanh tiến bộ về giống, công nghệ, thức ăn vào sản xuất để tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, chất lượng cao, giá thành hạ… Tổng sản lượng thịt vật nuôi xuất chuồng đạt từ 210.000 – 220.000 tấn/năm; trong đó tiêu thụ trong tỉnh khoảng 60%, còn lại là tiêu thụ ở tỉnh ngoài và xuất khẩu. Như vậy, sản lượng thịt hơi vật nuôi xuất ra thị trường ngoài tỉnh khá lớn (khoảng 100.000 tấn/năm), đây là thế mạnh song cũng là thách thức cho người chăn nuôi cần phải có chiến lược để gắn được sản xuất với thị trường tiêu thụ một cách bền vững.

Trong 6 tháng đầu năm 2013, tổng sản lượng thịt hơi vật nuôi đạt gần 110.000 tấn; trong đó trâu bò đạt 2.515 tấn, lợn 91.768 tấn, còn lại là thịt gia cầm. Phương thức chăn nuôi hiện nay đang phát triển mạnh theo hướng trang trại và chăn nuôi công nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 690 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành tại Thông tư số 27/2011 và có 15.452 gia trại. 

Theo số liệu điều tra của ngành Nông nghiệp cho thấy, số trang trại chăn nuôi lợn đạt tiêu chí là 487 trang trại, chăn nuôi gia cầm 98 trang trại, chăn nuôi tổng hợp 105 trang trại; trong đó 20 trang trại chăn nuôi gia công... Mặc dù sản lượng thịt hơi xuất chuồng hàng năm đạt khá cao, song thực tế các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn đầu tư.

Tuy nhiên, để các chủ trang trại tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng, quỹ tín dụng không phải dễ, đồng thời lãi suất tiền vay còn cao. Trong số 60 trang trại được khảo sát mới có 49 trang trại được vay vốn, nhưng vốn vay so với tổng mức đầu tư còn quá thấp (dưới 20%). Trên thực tế, để có một con lợn nái ngoại có chửa, người chăn nuôi phải đầu tư 8,5 - 9 triệu đồng; sản xuất được 1 kg lợn thịt hơi phải chi phí từ 39.500 - 40.000 đồng… riêng chi phí thức ăn chăn nuôi đã chiếm 70 - 75% giá thành sản xuất.

Vì vậy, khó khăn lớn nhất của các trang trại hiện nay là phải huy động vốn lưu động để duy trì đàn vật nuôi. Chính vì vậy, giải pháp chủ yếu của các trang trại là tận dụng nguồn vốn của các đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi theo hình thức trả chậm có tính lãi. Ông Mai Xuân Chưởng, Trưởng phòng Chăn nuôi - Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Thực tế hiện nay, chăn nuôi công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn, do đó người chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn; 100% trang trại khi đầu tư vào sản xuất đều phải vay vốn, trong khi đó nguồn vốn tự có chỉ chiếm khoảng 30% tổng vốn đầu tư, còn lại là vốn vay lưu động.

Đồng thời, khi vay ở các ngân hàng, quỹ tín dụng, thời gian vay vốn quá ngắn từ 6 tháng đến 1 năm là đến kỳ hạn phải trả. Trong khi nuôi lợn nái từ 10 kg (khép kín) đến khi có sản phẩm lợn thịt thương phẩm xuất chuồng (100 kg), người chăn nuôi phải mất 16 tháng, do đó thời hạn vay ngắn trên chỉ phù hợp với đầu tư chăn nuôi gia cầm.

Mặt khác, mức vay còn hạn chế, phần lớn các trang trại chỉ vay được từ 50 - 300 triệu đồng, nguồn vốn ưu đãi mỗi hộ chỉ vay được từ 7 - 20 triệu đồng. Đặc biệt, người chăn nuôi chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông ngiệp, nông thôn. Ngoài khó khăn về vốn, hiện nay trong chăn nuôi còn khá nhiều hạn chế, như chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao; năng suất chăn nuôi thấp, giá thành sản phẩm cao.

Đồng thời việc quản lý dịch bệnh, chất lượng vật tư, con giống, môi trường chăn nuôi và an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập. Cùng với đó là thị trường tiêu thụ biến động, giá thịt hơi gia súc, gia cầm xuống quá thấp làm cho người chăn nuôi không có lợi nhuận.

Để chăn nuôi bền vững, sản xuất kết nối được với thị trường, trước mắt người sản xuất phải cung cấp được sản phẩm an toàn, có như vậy mới tạo được uy tín, thương hiệu để bảo đảm ổn định đầu ra. Hiện nay, các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi đang có cơ hội để đưa sản phẩm vào thị trường Hà Nội, nếu bảo đảm được yêu cầu của các đơn vị thu mua.

 Hiện nay, các ngành chức năng đang tổ chức kiểm tra chất lượng thức ăn và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có chứa chất  tạo nạc nhóm Beta-Agonist và thuốc thú y không được phép sử dụng trong thức ăn. Người chăn nuôi cần sắp xếp lại và tự đánh giá trang trại theo tiêu chí tại Quyết định 2970/QĐ-BNN-CN để đề nghị Chi cục Thú y thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn nông hộ; cung cấp thông tin về sản phẩm theo hướng dẫn, thỏa thuận và ký các hợp đồng kinh tế cung ứng sản phẩm bảo đảm an toàn cho Hà Nội.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thái Bình và các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng cần tháo gỡ khó khăn, giãn nợ, khoanh nợ, tiếp tục cho các trang trại vay vốn để tái đàn, phát triển sản xuất trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Nguyên Bình

  • Từ khóa