Thứ 5, 01/08/2024, 17:23[GMT+7]

Thái Thụy Dồn sức cho vụ sản xuất hàng hóa lớn nhất năm

Thứ 5, 26/09/2013 | 09:23:10
1,906 lượt xem
Sau 2 vụ lúa được mùa, thời điểm này Thái Thụy đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện sẵn sàng cho sản xuất vụ đông năm 2013. Toàn huyện phấn đấu gieo trồng 5.200 ha gồm: ngô, đậu tương, dưa, bí, khoai lang, khoai tây, hành tỏi và rau màu các loại.

Ông Bùi Ngọc Sáng (thôn Trà Hồi, xã Thụy Bình) kiểm tra các bầu cây bí xanh chuẩn bị đưa ra trồng tại ruộng.

Ông Phạm Hữu Thoại, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Năm nay lúa mùa của Thái Thụy trỗ sớm hơn so với năm ngoái từ 7 đến 10 ngày, trong đó 5.000 ha trà sớm đã cho thu hoạch tạo điều kiện thuận lợi để huyện mở rộng quỹ đất trồng cây vụ đông ưa ấm. Tuy nhiên, ở vụ thứ 3 này sản xuất sẽ gặp không ít khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường, đồng đất chua mặn nhiễm phèn, quỹ đất thịt nặng lớn, chi phí vật tư đầu vào tăng, một số loại nông sản chưa có thị trường tiêu thụ ổn định…

Để đạt mục tiêu đề ra, trước hết Thái Thụy đẩy mạnh tuyên truyền các cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh, của huyện về sản xuất cây vụ đông, động viên bà con tích cực trồng vụ đông ở mọi chân đất: ngoài đồng, khu chuyển đổi và cả vùng xen dân cư.  Giao chỉ tiêu trồng cây vụ đông cho từng xã, thị trấn đồng thời chỉ đạo các địa phương thành lập ban chỉ đạo sản xuất, phân bổ kế hoạch thực hiện cho từng thôn, phân công các thành viên phụ trách từng cánh đồng hướng dẫn nhân dân đầu tư sản xuất đạt hiệu quả.

Trong tháng 8, Thái Thụy đã rà soát lại toàn bộ diện tích lúa mùa, thời điểm lúa trỗ, từ đó điều chỉnh kế hoạch trồng cây màu, cây vụ đông cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. Chỉ đạo các xã tổ chức nạo vét mương máng, khơi thông dòng chảy, xây dựng phương án tưới tiêu hợp lý bảo đảm đủ nước tưới cho cây vụ đông ở vùng cao và đề phòng úng lụt ở những chân ruộng trũng khi mưa lớn xảy ra. Đến nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã tổ chức được 36 lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây vụ đông tại các xã, thị trấn thu hút gần 4.500 nông dân tham gia.

Ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện, nhiều xã và HTX dịch vụ nông nghiệp cũng trích kinh phí hỗ trợ, khen thưởng cho những tổ chức, cá nhân hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ đông. Chuẩn bị các điều kiện về giống, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật sẵn sàng cung ứng theo phương thức trả chậm phục vụ nông dân sản xuất. Năm nay, toàn huyện có 5 xã là: Thụy Sơn, Thụy Bình, Thụy Quỳnh, Thái Sơn, Thái Hưng đăng ký xây dựng mô hình trồng vụ đông trên chân đất mới với quy mô diện tích từ 10 đến 20 ha/mô hình. Đặc biệt, toàn bộ diện tích trồng salat, 400 ha khoai tây và dưa chuột ở vụ đông, một số vùng trồng bí của Thái Thụy đã được các công ty ký hợp đồng thu mua sản phẩm sau thu hoạch.

Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi đi một số xã từ khu Bắc sang khu Namon> huyện Thái Thụy thấy xen lẫn những ruộng lúa chín vàng là những thửa ruộng trồng ngô, ớt, đậu tương, dưa bí. Gặt đến đâu, nông dân lật đất trồng cây vụ đông ngay đến đó, thậm chí có hộ rẽ lúa đặt bầu bí, dưa, ngô ra ruộng cho kịp thời vụ. Trên cánh đồng màu thôn Nam Tân (xã Thái Hòa), ngô đông mới trồng được ít ngày nhưng cũng đã ra 4 - 5 lá. Vừa nhanh tay vun gốc cho ngô sau mưa, bà Nguyễn Thị Lý vừa bảo: “Nhà tôi có 2 sào đất màu luân canh 3 vụ/ năm: sau vụ lạc xuân, đậu tương giờ trồng cây ngô đông. Trồng màu tuy vất vả hơn cấy lúa nhưng đổi lại mỗi năm tôi thu lãi từ 10 đến 12 triệu đồng.

Năm nay, tỉnh và huyện có nhiều cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho người sản xuất, sau khi gặt lúa mùa gia đình sẽ trồng thêm ít khoai tây và rau màu để tăng thu nhập”. Ông Lại Văn Uẩn, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thái Hòa cho biết: “Vụ đông năm 2013, Thái Hòa được huyện giao chỉ tiêu gieo trồng 260 ha gồm: đậu tương, khoai lang, khoai tây, ngô và rau màu các loại. Đến thời điểm này, nông dân đã trồng được 80 ha ngô đông. HTX tiếp tục mua 2 tạ hạt giống ngô nếp về cung ứng cho bà con gieo trồng trên chân đất 2 lúa để sau thu hoạch bán ngô hàng hóa. Toàn bộ nguồn giống đậu tương đã chủ động từ vụ hè thu.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con kết hợp chăm sóc cây màu, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa trồng cây vụ đông với tinh thần khẩn trương, tích cực. Nếu cứ đà này, khả năng hơn 1 tháng nữa gần 90% diện tích đất canh tác của xã sẽ được phủ kín cây vụ đông”. Tại xã Thụy Bình, nông dân cũng đang tất bật với việc thu hoạch lúa mùa, giải phóng đất đưa dưa hấu, bí xanh ra ruộng trồng. Chị Nguyễn Thị Thoa (thôn Hạ Tập) cho biết: “Dưa hấu, bí xanh là 2 loại cây truyền thống trồng trên đất Thụy Bình gần 10 năm nay, thị trường tiêu thụ khá ổn định và cho hiệu quả kinh tế khá.

Cứ đến vụ thu hoạch, thương lái đưa ô tô đến tận ruộng thu mua nên bà con không phải vất vả tìm đầu ra. Năm nào tôi cũng trồng 3,5 sào dưa, bí, duy nhất năm ngoái gặp bão số 8 thất thu còn trước đây đều có thu nhập từ 10 đến 12 triệu đồng/vụ”. Ông Bùi Ngọc Sáng (thôn Trà Hồi) hồ hởi khoe: “Nhà tôi cấy 1,2 mẫu ruộng, mọi năm tôi chỉ trồng 4 sào cây vụ đông cũng có thu nhập mỗi vụ từ 10 đến 12 triệu đồng. Năm nay, nhà nước có nhiều cơ chế hỗ trợ cho bà con nên hai vợ chồng quyết định trồng 6 sào, trong đó 5 sào bí, 1 sào củ cải. Đến nay, hạt bí đã vào bầu được gần 10 ngày nảy mầm lên xanh, đợi mấy hôm nữa gặt lúa sẽ đưa ra ruộng”.

Đến ngày 25/9, Thái Thụy đã trồng được gần 1.000 ha cây vụ đông trên chân màu và chân đất 2 lúa gồm: dưa, bí, ngô, rau màu các loại. Thời vụ trồng cây vụ đông ưa ấm vẫn còn, nhiều xã rất tích cực trong việc chỉ đạo sản xuất, tuy nhiên một số địa phương xây dựng kế hoạch trồng vụ đông thấp hơn chỉ tiêu huyện giao, lúng túng trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, lao động trẻ khỏe đi làm ăn xa nhiều, ngày công cao hơn sản xuất nông nghiệp nên thiếu lao động trong sản xuất.

Vì vậy, Thái Thụy phải tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, động viên nhân dân tích cực thi đua lao động sản xuất để hoàn thành mục tiêu gieo trồng 5.200 ha cây vụ đông. Bên cạnh  việc mở rộng diện tích cần chú trọng khảo sát nhu cầu thị trường để quy hoạch những vùng trồng cây có đầu ra ổn định hoặc dễ tiêu thụ, cho hiệu quả kinh tế khá. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, công khai các cơ chế chính sách hỗ trợ để mọi người dân biết, có thêm động lực trồng cây vụ đông. Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp mở rộng diện tích cây vụ đông được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá ổn định, có như vậy mới giúp nông dân yên tâm sản xuất và sản xuất hiệu quả.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa